A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần (8/1891 - 8/2021)

Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm

QPTĐ-Đồng chí Võ Văn Tần sinh tháng 8-1891 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước ở làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Cuộc đời hoạt động cách mạng và công lao, cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam của ông là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, quả cảm, sống giản dị khiêm nhường và tình cảm sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào. 

Đài tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần tại Đức Hòa, Long An. (Ảnh: Internet)

Lúc nhỏ, đồng chí Võ Văn Tần vừa theo học chữ Nho, vừa học nghề bốc thuốc. Đến năm 23 tuổi, đồng chí mở lớp dạy học tại làng và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân nghèo. Năm 1917, đồng chí lên Sài Gòn vừa để kiếm sống, vừa là điều kiện tìm hiểu thời cuộc. Năm 1922, đồng chí về quê và ra làm Biện làng. Năm 1923, do tham gia đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế sát sinh vô lý cùng nông dân, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, khép tội “cầm đầu các cuộc chống đối” nhưng không có chứng cớ để khép án nên chúng phải trả tự do.

Đến năm 1926, do chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng yêu nước của Nguyễn An Ninh, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập và là hội viên cốt cán của Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng). Cuối năm 1926, đồng chí quyết định tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Nam Kỳ, đánh dấu bước chuyển biến tất yếu từ lập trường yêu nước sang lập trường giai cấp vô sản. Hưởng ứng lời kêu gọi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, với vai trò là Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản xã Đức Hòa, đồng chí Võ Văn Tần dẫn đầu cuộc biểu tình của nông dân Đức Hòa ngày 4-6-1930. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn ở Nam kỳ dưới sự lãnh đạo của Đảng; là đỉnh cao của phong trào cách mạng ở Chợ Lớn, Tân An. Cuộc biểu tình đã giương cao cờ đỏ búa liềm và các biểu ngữ với nội dung: Chống thuế nặng, chống đánh đập vô cớ, chống sách nhiễu dân.

Tháng 6-1931, trong bối cảnh thực dân Pháp đàn áp quyết liệt các cơ sở cách mạng của Đảng, đồng chí Võ Văn Tần phải nhiều lần “thay hình đổi dạng” để hoạt động, liên lạc, chỉ đạo xây dựng các cơ sở, duy trì các cuộc đấu tranh của quần chúng, tìm các đồng chí để tái lập Xứ ủy. Bằng ý chí, bản lĩnh kiên cường, trung thành với lý tưởng, bất chấp mọi hy sinh gian khổ, đồng chí đã kiên trì hoạt động, từng bước gây dựng lại tổ chức cơ sở của Đảng, duy trì sự lãnh đạo liên tục của Đảng ở Gia Định-Chợ Lớn.

Tháng 6/1932, đồng chí Võ Văn Tần đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa và tổ chức viết báo “Cờ lãnh đạo” (sau này được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ. Vừa bí mật hoạt động, vừa sâu sát với quần chúng, đồng chí khéo léo che mắt địch, một mặt tiếp tục thúc đẩy phong trào cách mạng, mặt khác phục hồi các cơ sở của Đảng và tổ chức đấu tranh với kẻ thù.

Ngày 14-7-1940, đồng chí bị địch bắt trong khi đang cùng một số đồng chí họp bàn ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh). Dù suốt 16 tháng bị giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và dùng cực hình tra tấn dã man nhưng thực dân Pháp vẫn không thể lay chuyển được ý chí bất khuất kiên cường và khí tiết cách mạng của đồng chí .

Không khuất phục được, thực dân Pháp đã đưa đồng chí ra xử bắn ngày 28-8-1941. Quyết giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, đồng chí Võ Văn Tần bình thản đón nhận sự hy sinh vẻ vang. Trước khi ra pháp trường, đồng chí đã để lại di bút trên tường xà lim “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…”.

Trên mọi cương vị công tác, từ Bí thư Chi bộ, Bí thư Quận ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những cống hiến sắc bén về tư duy và những định hướng lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc. Sau khi lập ra chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đức Hòa (tháng 3-1930), đồng chí Võ Văn Tần được tín nhiệm cử làm Bí thư Quận ủy Đức Hòa. Là Bí thư Quận ủy, đồng chí luôn năng động, nhiệt huyết, sáng tạo; trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các cuộc đấu tranh, biểu tình lớn của nông dân Đức Hòa. Đến tháng 6-1931, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trên cương vị này, đồng chí có nhiều cống hiến lớn trong việc xây dựng và khôi phục lại các tổ chức của Đảng từ cơ sở đến cấp tỉnh ở Chợ Lớn, Gia Định… 

Trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ rồi đảm nhận chức vụ Bí thư Xứ ủy, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương đại hội; thống nhất tư tưởng và hành động của các nhóm cộng sản ở Nam Kỳ trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở khu vực này. Còn trên cương vị là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đã góp phần chỉ đạo thành công hoạt động của Đảng trong cao trào cách mạng 1936-1939 ở Nam Kỳ; hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở, bảo đảm an toàn về mặt tổ chức của Đảng. Suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở đâu hay trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Văn Tần đều nhận được những tình cảm trân trọng, quý mến của đồng chí, đồng bào. Đồng chí đã hiến dâng cả đời cho cách mạng, cho độc lập, tự do của dân tộc. 

Phúc Nguyên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ