A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức ngày 30 tháng 4 lịch sử

QPTĐ- Trong những ngày cả nước kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), phóng viên Báo Quốc phòng Thủ đô có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Thệ, người trực tiếp dẫn giải Tổng thống Nguỵ quyền Sài Gòn Dương Văn Minh từ Dinh Độc Lập tới Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30/4/1975.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể về thời khắc dẫn giải Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh tuyên bố đầu hàng.

PV: Kính thưa Trung tướng, ông có thể cho biết, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng ở đơn vị nào và nhiệm vụ của đơn vị là gì?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 304 nằm trong đội hình của Quân đoàn 2, là một trong 5 cánh quân chủ lực (gồm Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, Quân đoàn 3, Quân đoàn 1 và Đoàn 232 của quân giải phóng miền Nam) đảm nhiệm trên hướng Đông cùng với các lực lượng của Quân khu V tiêu diệt địch ở phía Tây thành phố Đà Nẵng. Quân đoàn 2 lúc bấy giờ thành lập binh đoàn thọc sâu bộ binh cơ giới gồm: Lữ đoàn Xe tăng 203, Trung đoàn Bộ binh 66, Trung đoàn thiếu Bộ binh 18 của Sư đoàn 35 và một số binh chủng bảo đảm khác có nhiệm vụ sau khi các đơn vị chiến đấu tiêu diệt các cứ điểm, cụm cứ điểm của địch từ vòng ngoài thì nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu vào nội đô thành phố Sài Gòn. Tôi lúc đó trên cương vị là Trung đoàn phó Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2). Trung Đoàn 66 được giao nhiệm vụ là lực lượng đi đầu của đội hình cùng với Lữ đoàn Xe tăng 203 và các đơn vị khác tiến đánh khu căn cứ Nước Trong và Tổng kho Long Bình rồi tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn.

PV: Có mặt ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, có phải đó là ký ức không thể nào quên đối với Trung tướng?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Xe của tôi đi vòng bên trái vào sát tòa nhà. Lúc này, các chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 cùng các xe tăng của Lữ đoàn 203 đang tràn vào sân. Khi lên đến tầng 2 của Dinh Độc Lập, chúng tôi gặp một người xưng là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh-phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh. Người đàn ông này cho biết, toàn bộ nội các của chính quyền Dương Văn Minh đang trong phòng họp, mời chúng tôi vào làm việc. Khi vào bên trong, ông Hạnh giới thiệu Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Tổng thống Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”. Ngay lập tức, tôi trả lời: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”. Nghe xong, Dương Văn Minh thoáng chút bối rối thể hiện trên nét mặt và nói xin được bắt tay với Quân giải phóng. Tuy nhiên, tôi đã gạt tay đi. Lúc này, các thành viên của nội các đã tản dần ra ngồi ở ghế, nhưng tôi vẫn kiên quyết bắt Dương Văn Minh phải ra Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

PV: Khi Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng trên Đài Phát thanh, không khí tại thời điểm đó như thế nào và cảm xúc của Trung tướng ra sao?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Lúc ở Đài Phát thanh, nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi vỡ òa sung sướng. Nghĩ đến việc từ nay đất nước hoàn toàn giải phóng, được về với bố mẹ, với gia đình sau nhiều năm không tin tức, thư từ, cảm giác hạnh phúc đó không dễ gì tả được. Tâm trạng lúc bấy giờ của tôi cũng như mọi người thôi. Đó là niềm kiêu hãnh của người chiến thắng. Tôi không ngờ mình là một trong những hàng triệu con người đi qua cuộc chiến này lại có sự may mắn được chứng kiến thời khắc cuối cùng của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn.

PV: Thưa Trung tướng, là người tham gia chiến đấu và đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao trong quân đội, Trung tướng có nhắn nhủ gì với thế hệ trẻ hôm nay?

Trung tướng Phạm Xuân Thệ: Kẻ thù hiện nay phải công nhận thua Việt Nam vì không hiểu văn hoá Việt Nam. Chúng ta có văn hoá đoàn kết để chiến thắng các kẻ thù xâm lược. Do đó, mỗi người dân Việt Nam chúng ta phải luôn luôn đoàn kết, thống nhất một ý chí dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là những quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam phải chấp hành nghiêm điều lệnh, kỷ luật quân đội, huấn luyện giỏi để sẵn sàng chiến đấu, đã chiến đấu dứt khoát phải thắng kẻ thù. Là sĩ quan Quân đội phải luôn luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, tri thức để huấn luyện và chỉ huy bộ đội. Tôi rất tâm đắc lời nói của Nguyên soái Liên Xô Marshal Sovietskogo Soyuza: “Ở chiến trường, người sĩ quan thêm một sợi tóc bạc, thì ở hậu phương bớt đi một vành khăn tang” có ý nghĩa giáo dục, khuyên răn người sĩ quan, chỉ huy ở chiến trường cũng như ở thao trường luôn luôn có lòng dũng cảm, quyết tâm cao.

Trần Đức-Mạnh Quang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ