Chiếc mũ nan của Anh hùng cắm cờ trên cứ điểm Him Lam
QPTĐ- Trong những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, phòng trưng bày “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có sức hút hơn đối với du khách trong và ngoài nước. Ai cũng muốn tìm hiểu về mốc son chói lọi này của dân tộc Việt Nam qua những thước phim quý giá kết hợp sa bàn mô phỏng và hơn 150 hiện vật đang được trưng bày ở đây. Bên cạnh “chiếc xe đạp thồ huyền thoại”, những khẩu súng trường từng nhả đạn giữa đồi A1, chiếc kèn acmonica phơi phới tinh thần lạc quan… là chiếc mũ nan của Anh hùng LLVT nhân dân-Liệt sĩ Trần Can-Một trong những tấm gương xuất sắc vì nước quên thân đã hy sinh đúng ngày giải phóng Điện Biên.
Bộ đội ta xông lên chiếm cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Trần Can sinh năm 1931 tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tháng 5/1951, anh xung phong nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) và tham gia Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Với tinh thần mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, Trần Can trở thành một trong những Tiểu đội trưởng xuất sắc của Tiểu đoàn 130 và chiếc mũ nan đã song hành cùng anh từ những năm tháng ấy.
Mũ có hai phần: Cốt và tán. Nan mũ bằng tre vót trau chuốt, đã ngả màu cánh gián vì nhuộm mưa nắng, khói bom đạn và mồ hôi. Mũ đan theo kiểu lóng mốt nhưng các ô thưa hơn, có tác dụng thông thoáng khi đội. Cốt mũ và vành mũ được bọc một lớp vải bông màu xanh lá cây đã bạc màu. Quai mũ buộc bằng ni lông, đoạn tiếp xúc hai má và cằm đồng chí Trần Can đã chuyển màu nâu, nhẵn bóng và giòn. Chiếc mũ gọn, nhẹ, thích hợp với bộ đội ta lúc đó và khí hậu nhiệt đới gió mùa Việt Nam. Lịch sử ra đời của chiếc mũ nan gắn liền với từng bước phát triển của ngành quân trang.
Năm 1947, nền kinh tế kháng chiến non trẻ của ta hầu như chưa có gì, lại bị địch tàn phá và phong toả nên ăn và mặc của bộ đội chủ yếu dựa vào nhân dân, chỉ có thể tự túc một phần. Sẵn tre, nứa, giang, vầu của căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do Bắc Khu 4, các chiến sĩ ở vùng quê có nghề đan tre nứa cổ truyền đã mày mò “sản xuất” ra chiếc mũ nan đầu tiên. Lúc đầu, các chiến sĩ bọc mũ bằng lá rừng hoặc vải bông cắt ra từ quần áo cũ. Dần dần, phía trên lớp vải xuất hiện một vành lưới để cài lá nguy trang. Đến cuối thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với nhiều trang bị khác, vải mũ được cấp phát. Lưới ngụy trang ít sử dụng lá cây mà phần lớn là cài những miếng vải dù hoa chiến lợi phẩm...
Chiếc mũ nan của Anh hùng liệt sĩ Trần Can được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Tiểu đội trưởng Trần Can khâu thêm một miếng vải lên chỗ rách của chiếc mũ nan thân thuộc đã bạc màu. Ngày lên đường đã tới, tạm biệt rừng cọ đồi chè Phú Thọ, Trần Can và đồng đội kín đáo vượt sông Hồng sang Tây Bắc vào một đêm trăng mờ giá rét giữa tháng 12. Mười lăm ngày đêm không nghỉ, anh và đồng đội đã vượt hơn 500km tới phía Đông thung lũng Điện Biên Phủ để bắt tay ngay vào một công việc nặng nhọc, thầm lặng: Kéo pháo-chuẩn bị cho Chiến dịch “Trần Đình” (Mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Chiếc mũ nan lợp vải và chiếc áo trấn thủ của anh khô rồi lại ướt, ướt rồi lại khô do bao lần gặp mưa và đẫm mồ hôi. Những chiếc nan tre thấm đẫm mồ hôi lại càng thêm bền chắc. Sau 9 ngày đêm, Trần Can và đồng đội đã đưa mấy chục khẩu pháo 105mm và pháo phòng không 37mm vào vị trí quy định thì lại có lệnh kéo pháo ra ngay vì ta chuyển phương châm từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang “đánh chắc, tiến chắc”. Kéo pháo vào đã vất vả, kéo ra càng vất vả hơn nhưng không làm các anh nao núng tinh thần, thậm chí còn bĩnh tĩnh, dũng cảm “dập lửa cứu pháo” thành công.
Gần hai tháng rưỡi chuẩn bị hoàn tất, giờ nổ súng của “Chiến dịch Trần Đình” đã tới. Đơn vị đồng chí Trần Can vinh dự được tiến công mở màn vào trung tâm đề kháng mạnh nhất của địch là Him Lam. Tín hiệu đỏ vút lên: Lệnh xung phong. Anh và các chiến sĩ nhảy khỏi chiến hào, lao vào đồn giặc. Đến sát lô cốt tiền duyên, anh chỉ huy một tổ diệt lô cốt, rồi tiến vào lô cốt bên trong. Súng máy địch quét sát mặt đất. Anh phân công một tổ vòng ra phía sau ném thủ pháo kết hợp với nghi binh phía trước. Bị một loạt thủ pháo, hỏa điểm địch câm tịt. Chớp thời cơ, anh nhảy lên khỏi giao thông hào, cắm cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Bác Hồ lên nóc lô cốt cố thủ của địch. Đó là lá cờ đầu tiên quân ta cắm trên đồn giặc tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trong chớp đạn, cờ “Quyết chiến quyết thắng” giục giã các đơn vị xông lên diệt địch. Can và các chiến sĩ xộc vào lô cốt địch cố thủ, đánh chiếm hết các ngách, bắt tên quan ba chỉ huy. Trung tâm đề kháng Him Lam-“Cánh cửa thép” che chở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị Đại đoàn 312 tiêu diệt.
Sau đợt một của Chiến dịch, Tiểu đội trưởng Trần Can được đề bạt làm Trung đội trưởng. Hơn một tháng “máu trộn bùn non” sau đó là những tháng ngày anh và đồng đội ở Điện Biên Phủ vừa khắc phục những trận mưa đầu mùa để hoàn chỉnh hệ thống giao thông hào tiến công và bao vây, vừa đánh địch quyết liệt, diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của chúng, giữ vững các vị trí đã đánh chiếm và tiến sát vào trung tâm Mường Thanh. Chiếc mũ nan vẫn ngự trị thường xuyên trên đầu người Trung đội trưởng trẻ tuổi mà bản lĩnh giữa hàng ngàn những chiếc mũ nan chỉ nhạt màu chứ không nhạt ý chí.
Đêm mùng 1/5/1954, Đại đoàn 312 của Trần Can đánh chiếm các vị trí 505, 505A dưới chân đồi D2, sát Đường 41. Sáng ngày 6/5, đánh chiếm vị trí 506. Trận cuối cùng của đồng chí Trần Can là tấn công điểm cao 507 (một trong bốn cứ điểm còn lại trên Đường 41 bên sông Nậm Rốm, cách Sở chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 300m. Anh dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên áp đảo quân địch và đánh bại 4 đợt phản kích của chúng. Trận đánh ác liệt diễn ra suốt đêm 6/5, cán bộ chỉ huy của đại đội thương vong nhiều, bản thân Trần Can cũng bị thương nặng nhưng vẫn chỉ huy chiến đấu. Rạng sáng 7/5, anh tập trung bộ đội bị thương nhẹ, động viên, chấn chỉnh lại tổ chức và củng cố trận địa, tiếp tục chiến đấu tạo thế và lực cho đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh. Bất ngờ một đợt hỏa lực mạnh của địch ập xuống, Trần Can trúng đạn và anh dũng hy sinh. Chiếc mũ nan trên đầu anh rơi xuống-chiếc mũ mà anh đã vót từng chiếc nan, nắn nót tự đan khi bước vào quân ngũ, chiếc mũ đã bao lần cùng anh hành quân đêm ngày, bao lần xông vào đồn giặc, thấm đẫm mồ hôi, máu và chứng kiến phút cuối cùng anh ngã xuống ở chiến hào Điện Biên Phủ. Lúc hy sinh, anh là Đại đội phó bộ binh của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.
Ngày 7/5/1956, Liệt sĩ Trần Can được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và chiếc mũ tre nan bọc vải của anh đã được đồng đội mang về, hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Chiếc mũ không chỉ mang trong nó câu chuyện của một Anh hùng đã cắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng ” trên cứ điểm Him Lam mà đã trở thành một hình ảnh biểu tượng của “chiến sĩ Điện Biên”-những con người với ý chí quật cường đã từng sống, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
TRANG ANH
(Theo Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam)