A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ-Nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc của Đảng

QPTĐ-Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912 trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống khoa bảng ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào-Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ngay từ nhỏ, ông đã được học chữ Hán và truyền dạy lòng yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc.

Năm 1927, Nguyễn Văn Cừ lên Hà Nội học và thi đỗ vào trường Bưởi (nay là Trường Trung học Chu Văn An), đồng chí đã hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Do những hoạt động yêu nước và cách mạng, tháng 5/1928, Nguyễn Văn Cừ bị đuổi học và trở về quê dạy học ở làng Hà Lỗ, tức làng Giỗ Đông, nay thuộc huyện Đông Anh. Thời gian dạy học ở đây, Nguyễn Văn Cừ đã gặp được nhiều nhà cách mạng lớp đàn anh, những người có tầm ảnh hưởng và để lại ấn tượng sâu sắc. Cuối năm 1928, đồng chí được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giới thiệu về hoạt động “vô sản hóa” ở mỏ than Vàng Danh. 

Ngày 17/6/1929 Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, Nguyễn Văn Cừ được kết nạp Đảng khi mới 17 tuổi. Cũng từ đây, với nhiệt huyết, trí tuệ và tài năng của tuổi trẻ, đồng chí được Đảng tin cậy giao cho giữ nhiều cương vị quan trọng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2/1930), Đồng chí được cử là Bí thư đặc khu Hòn Gai-Uông Bí. Đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở vùng mỏ phát triển mạnh mẽ; trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công nhân toàn vùng mỏ đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, cờ đỏ búa liềm được cắm trên đỉnh núi Bài Thơ (Hòn Gai), thị trấn Cẩm Phả và nhiều nơi khác.

Tháng 8-1937, tại Hội nghị Trung ương mở rộng họp ở Hóc Môn (Gia Định), Nguyễn Văn Cừ được bầu vào Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Với tư duy chính trị nhạy bén, đồng chí đã có nhiều ý kiến cực kỳ quan trọng trong việc định hướng chiến lược, sách lược của Đảng đưa cách mạng cả nước tiến lên một tầm cao mới về chất.

Đánh giá cao tài năng tổ chức và tư duy chính trị đầy sáng tạo của Nguyễn Văn Cừ , Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 5 (tháng 3-1938) đã bầu đồng chí làm Tổng Bí thư của Đảng. Đây là một trọng trách gánh trên vai người cộng sản mới 26 tuổi trong một thời kỳ cách mạng nhiều cam go, quyết liệt, đòi hỏi Đảng ta không chỉ có sự thông minh, nhạy bén chuyển hướng về chiến lược mà còn phải có sự khôn ngoan đấu trí về sách lược. Với trí tuệ, tài năng của mình đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ thời kỳ thoái trào chuyển sang thời kỳ Mặt trận dân tộc và tiếp tục chỉ đạo từ Mặt trận dân tộc sang Mặt trận phản Đế. Hai lần chuyển hướng chiến lược ấy đã đưa cách mạng Việt Nam từ thoái trào lên cao trào, đặt nền tảng lực lượng cho Đảng và đồng chí Nguyễn Ái Quốc tiếp tục hoàn chỉnh cuộc chuyển hướng chiến lược cơ bản của cách mạng nước ta tại Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11-1940) và Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941) để cuối cùng dẫn đến sự thành công của Cách mạng tháng 8-1945.

Sự chuyển hướng chiến lược cách mạng mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ khởi xướng và lãnh đạo đã được đánh giá cao trong văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5-1941) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp. Từ sự chuyển hướng đúng đắn, kịp thời đó nên phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng tránh được tổn thất lớn khi kẻ thù trở mặt đàn áp. Đây chính là tài năng kiệt xuất, vai trò to lớn của một Tổng Bí thư trẻ tuổi thông minh, sáng suốt trong những thời điểm cam go, thử thách của cách mạng. Những luận điểm trong cuốn “Tự chỉ trích” viết lúc 27 tuổi của đồng chí đến nay vẫn mang tính thời sự nóng hổi. Tác phẩm thể hiện sự minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ cách mạng. Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào cao trào mới, ngày 18/01/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, chúng dùng cực hình tra tấn, mua chuộc nhưng không khuất phục được ý chí của người chiến sĩ cộng sản ưu tú. Ngày 28/08/1941, đồng chí bị quân thù xử bắn.

Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Không chỉ có tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Cừ còn là tấm gương sáng về sự liên hệ và gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân. Với năng lực tư duy lý luận sáng tạo, nắm bắt thực tiễn nhanh nhạy, khả năng thuyết phục, cảm hóa mạnh mẽ, đồng chí chính là tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình trong Đảng.

Ý Nhi 
(Theo Ban Tuyên giáo Trung ương)
 


 

    Tháng 7-1939, tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được ấn hành tại Sài Gòn, tạo tiếng vang lớn, góp phần đáp ứng đòi hỏi cấp bách của đất nước lúc bấy giờ: Yêu cầu có được sự thống nhất ý chí về mặt tư tưởng và tổ chức trong toàn Đảng từ Trung ương cho đến cơ sở. Qua hoạt động thực tiễn của mình, đồng chí đã khái quát được những vấn đề tư duy, lý luận hết sức sâu sắc: “Để tạo được sự thống nhất tư tưởng, mỗi Đảng viên cần nhận rõ nguyên tắc phê bình trong Đảng, Đảng còn trẻ nên còn nhiều khuyết điểm, sai lầm, nhưng Đảng sẽ luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn, không phải là làm yếu Đảng, mà để Đảng ngày càng thống nhất tư tưởng và hành động”.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ