A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những ký ức không bao giờ phai

QPTĐ-Với nhân dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung, ngày 10/10 cách đây 70 năm về trước, hình ảnh đoàn quân "trùng trùng" tiến về Hà Nội, khắp Thành phố tràn ngập cờ hoa…là dấu son lịch sử, một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn trong cuộc cách mạng chiến đấu bảo vệ, xây dựng Thủ đô và đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới vẻ vang của mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội. Với những chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu và trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô thì ký ức về ngày đó càng không thể nào phai.

Đại tá Nguyễn Huy Du tự hào khi nhớ về những ngày tháng Mười không thể nào quên.

Ở tuổi 100, cái tuổi xưa nay hiếm, trí nhớ đã không còn minh mẫn nhưng khi nhắc lại những giây phút lịch sử quân ta tiếp quản Thủ đô (ngày 10/10/1954) cách đây 70 năm, Trung tướng Trần Quang Khánh, nguyên Chánh Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng vẫn còn nhớ như in. Trung tướng Trần Quang Khánh kể: “Với vai trò là Chính ủy Trung đoàn 165, Đại đoàn 312, sau khi cùng đơn vị tiêu diệt Sở chỉ huy của Pháp ở đồi Độc Lập ngày 15/3/1954 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được cấp trên điều về giúp việc cho Ủy ban Liên hiệp đình chiến Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (sau này là Đại tướng) phụ trách để tiến hành đàm phán với Phái đoàn tại Hội nghị Trung Giã. Ở Hội nghị đó, ta và Pháp bàn về rất nhiều vấn đề, không khí rất căng thẳng. Với quan điểm vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn cuối cùng phía Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Genever theo đúng các điều khoản của ta.

Trầm ngâm giây phút, Trung tướng Trần Quang Khánh kể tiếp: Tôi không nhớ hết nội dung đã ký kết trong Hiệp định Genever, song có một điều tôi nhớ như in là Pháp buộc phải cam kết rút ra hoàn toàn khỏi Hà Nội trong 100 ngày và rút hoàn toàn khỏi Hải Phòng trong vòng 300 ngày. Sau khi Hội nghị Trung Giã kết thúc, chúng tôi tập trung làm công tác ổn định địa bàn để chuẩn bị cho ngày quân ta về tiếp quản Thủ đô. Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngày chúng tôi mong chờ cũng đến, tối ngày 9/10, cả Hà Nội giới nghiêm, đường phố vắng bóng người qua lại, chỉ có quân ta đi tuần tra, đường phố Hà Nội thật bình yên. Hôm sau, trước khi quân ta vào tiếp quản Thủ đô, nhân dân treo ngập cờ hoa khắp các phố, phường. Đúng 15 giờ, từ Nhà Hát Lớn, một hồi còi báo hiệu được kéo lên, chiếc xe đưa đồng chí Vương Thừa Vũ và đồng chí Trần Duy Hưng tiến vào trung tâm của Lễ đài. Đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy trực tiếp buổi lễ, tuyên bố ý nghĩa quan trọng lễ chào cờ, lần đầu tiên Quốc kỳ Việt Nam tung bay trên nóc Cột Cờ Hà Nội… Khó có thể nói hết niềm hạnh phúc, vinh quang của chúng tôi lúc đó.

Chia tay Trung tướng Trần Quang Khánh, chúng tôi vinh dự được trò chuyện với Đại tá Nguyễn Huy Du, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch, Cục khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng, hiện đang ở tại số nhà 172 phố Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Đại tá Nguyễn Huy Du là một trong những chiến sĩ tham gia tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954. Dù đã 98 tuổi nhưng ánh mắt Đại tá vẫn nhanh nhẹn, ông kể với chúng tôi: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đúng theo Hiệp định Genever, Pháp rút quân khỏi Hà Nội và các thành phố của Việt Nam. 

Về phía ta, cấp trên lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của các thế lực phá hoại. Thực hiện lệnh của trên, Trung đoàn Pháo phòng tăng cơ giới 75mm, Đại đoàn Pháo binh 351 của tôi nhận lệnh chia quân tại các huyện xung quanh Thủ đô, phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng giữ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô, bảo vệ an toàn ngày quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô. Lúc đó, tôi cùng đơn vị được bố trí trực chiến tại huyện Đan Phượng, sẵn sàng cơ động vào bảo vệ Thành nếu quân địch trở mặt hoặc lợi dụng một số thành phần chống đối cách mạng thực hiện các hành vi phá hoại. Chiều ngày 10/10, qua hệ thống Radio chúng tôi biết, quân ta đã hoàn toàn làm chủ Thủ đô, niềm vui của cả đơn vị như vỡ oà. Không khí đón ngày giải phóng Thủ đô ở vùng quê đơn vị tôi ém quân cũng vô cùng náo nức, nhà nào cũng treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu để ăn mừng chiến thắng. Ngày hôm đó, niềm vui của chúng tôi thật khó tả hết vì sau 9 năm trải qua bao gian khổ, cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện được lời thề “Ra đi sẽ hẹn ngày về” với Thủ đô, kể từ khi nhận lệnh rút quân của cấp trên đêm ngày 19/2/1947...

Có thể nói, ngày 10/10/1954 có ý nghĩa rất lớn, mở ra một trang sử vẻ vang đối với lịch sử phát triển của Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung; là tiền đề để đất nước ta được thống nhất, thanh bình và hạnh phúc như hôm nay.     

THUẬN NHÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ