A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ký ức không bao giờ phai

QPTĐ- Trong những ngày cả nước đang ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi đã gặp một số cựu chiến binh (CCB) nguyên là chiến sĩ Điện Biên năm xưa hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nghe các CCB kể lại những câu chuyện trên chiến trường năm xưa, chúng tôi hiểu thêm tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta để có chiến thắng "Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” ngày ấy.

CCB Nguyễn Ngọc Tam bồi hồi xúc động nhớ về những ngày chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Không sợ hi sinh để nắm tình hình địch

Không khó để chúng tôi tìm được nhà CCB Nguyễn Ngọc Tam, nguyên chiến sĩ Điện Biên năm xưa, hiện đang sống tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa. Kể về những ngày chiến đấu ở Điện Biên Phủ, ông bồi hồi nhớ lại: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là Tiểu đội trưởng Quân báo thuộc Đại đoàn 308. Lúc bấy giờ, công tác quân báo của chúng ta rất khó khăn do lực lượng mỏng và phương tiện quan sát không có. Để quan sát được tình hình địch, quân báo của ta phải luồn rất sâu vào trong trận địa của địch. Trong khi đó, địch với phương tiện hiện đại, thường xuyên tổ chức tuần tra, phục kích nhằm bảo vệ bí mật trận địa. Lực lượng quân báo của ta ngày đó hi sinh rất nhiều. Tiểu đội của tôi, cứ mỗi sáng đi trinh sát về lại mất một hai đồng chí. Đau xót lắm!.

Đôi mắt CCB Nguyễn Ngọc Tam ngấn lệ khi kể với chúng tôi: Hi sinh nhiều như vậy, nhưng lực lượng quân báo của chúng tôi chưa bao giờ lùi bước, chúng tôi thấm nhuần chuyện đánh Điện Biên Phủ là phải sẵn sàng chấp nhận hi sinh. Vì vậy, anh em quân báo chúng tôi chưa bao giờ hoang mang, sợ hãi. Lúc đó, chúng tôi chỉ một ý nghĩ là làm sao phải trinh sát bằng được tình hình của địch ở các mục tiêu được giao, kịp thời báo cáo chỉ huy các cấp để có phương án đánh thắng địch nhanh nhất trên tuyến được phân công, góp phần giải phóng Điện Biên.

 Quyết tâm giải phóng Điện Biên

CCB Vũ Lợi kể lại những khó khăn, vất vả khi kéo pháo vào rồi lại kéo pháo  ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chia tay CCB Nguyễn Ngọc Tam, chúng tôi đến thăm CCB Vũ Lợi, hiện đang sinh sống tại thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất. CCB Vũ Lợi, xung phong đi bộ đội ngày 15/7/1953 và được biên chế trong đội hình chiến đấu của Đại đoàn 304. Cầm trên tay Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên-Kỷ vật vô giá Bác Hồ tặng, CCB Vũ Lợi chậm rãi kể: Ngày đó, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nhớ nhất là chuyện kéo pháo lên đồi rồi lại kéo pháo xuống. Đơn vị tôi nhận lệnh của cấp trên tổ chức kéo 2 khẩu pháo lên đồi. Chúng tôi huy động 2 trung đội chia thành hai bên kéo nhích từng bước. Phải nói thật sự là vất vả, phần vì độ nặng của pháo, phần vì đường kéo lên vừa trơn trượt, vừa dốc. Bấy giờ chúng tôi là lính mới nhưng mà khí thế thì hăng hái lắm, vất vả nhưng vẫn kiên quyết kéo lên bằng được. Phải mất 7 đến 8 tiếng sử dụng nhiều phương án, đơn vị tôi mới hoàn thành kéo lên được đỉnh đồi. Vừa ngụy trang trận địa xong thì chúng tôi lại nhận được lệnh kéo pháo xuống. Lúc bấy giờ anh em trong đơn vị sau khi nhận lệnh ai nấy đều có rất nhiều câu hỏi. Tuy nhiên không ai có ý kiến vì đây là sự quyết định của cấp trên. Mãi sau này, chúng tôi mới biết đó là do chúng ta thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo, đơn vị ông cùng các đơn vị trên toàn mặt trận Điện Biên thực hiện chiến thuật đánh xâm lấn. CCB Vũ Lợi kể: Thực hiện chiến thuật “Đánh bao vây, xâm lấn”, chúng tôi vừa đào hầm, vừa đánh tiến, ép địch co cụm để tiêu diệt. Đơn vị tôi ngày thì giữ vững trận địa không cho địch phá hoại và đột phá vòng vây, đêm thì các tổ đội thực hành đào hào xâm lấn từng mét đất. Những ngày đó là những ngày gian khổ nhất. Ban đêm, địch thả pháo sáng, khi phát hiện chúng tôi, địch trút cơn mưa đạn pháo hòng chặn bước tiến của quân ta. Khó có thể tả hết những hi sinh và vất vả của chúng tôi ở mặt trân Điện Biên lúc bấy giờ. Song chúng tôi luôn quyết tâm giải phóng bằng được Điện Biên.

Vỡ òa cảm xúc chiến thắng

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Nguyễn Ngọc Lâm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa tham gia chiến đấu trong đội hình Đại đoàn 320. CCB Nguyễn Ngọc Lâm kể: Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị tôi có nhiệm vụ đánh xâm lấn từng bước và cuối cùng là tiêu diệt đầu não chỉ huy địch tại Điện Biên Phủ. Thực hành chiến thuật xâm lấn đó, chúng tôi chỉ biết có rừng và đêm. Ban đêm, chúng tôi đào hào tiến thẳng về trung tâm chỉ huy đầu não của địch, ban ngày chúng tôi nghỉ. Lúc đó, tôi chỉ là chiến sĩ nên không biết nhiều về diễn biến trên mặt trận, chỉ biết rằng khi thay ca cho đồng đội, tôi thấy, không chỉ có chúng tôi đào hào đánh xâm lấn mà rất nhiều đơn vị cũng lẳng lặng đào hào tiến về phía địch. Tất cả diễn ra rất âm thầm và có trật tự. Nếu không có pháo sáng của địch thả, tôi không thể phát hiện ra điều đó. Ngày đó, trong suốt 56 ngày đêm quân ta đánh địch, tôi và đồng đội sống trong bùn đất, vất vả, hi sinh không kể xiết.

Kể đến đây, đôi mắt CCB Nguyễn Ngọc Lâm dường như sáng lên. Ông nói tiếp: Tôi còn nhớ, lúc đó vào khoảng hơn 17 giờ, ở Điện Biên, dưới các tán cây, thời điểm đó đã bắt đầu tối, khi đơn vị tôi vừa tiếp cận với khu vực được phân công đào hào, chúng tôi nghe thấy tiếng của quân ta vang vọng. Toàn đơn vị nhận được lệnh lên khỏi mặt đất, cơ động nhanh về phía hầm tướng Đờ-Cát chiến đấu. Khi lên khỏi mặt đất và cơ động, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều vải trắng quân địch lấy để làm tín hiệu đầu hàng. Khi đến gần hầm tướng Đờ-Cát, tôi nhìn thấy vài tên địch được đơn vị bạn áp giải đi. Trong đó, có một tên được ba bốn chiến sĩ của chúng ta đặc biệt dẫn giải. Tôi đoán đó là tướng Đờ-Cát. Cảm xúc của tôi và đồng đội lúc đó như vỡ òa. Chúng tôi hô vang, chiến thắng rồi. Toàn mặt trận vang dội tiếng hô làm rung động cả một vùng rộng lớn.

Tâm trạng như được sống lại ký ức những ngày chiến thắng, CCB Nguyễn Ngọc Lâm lấy tay xoa nhẹ  lên mặt giấu cảm xúc. Ông nghẹn ngào nói tiếp: Lúc đó, chúng tôi rất nhiều người đã khóc trong niềm hạnh phúc tột độ. Toàn mặt trận rất nhiều đơn vị đồng loạt nổ súng bắn chỉ thiên ăn mừng…

70 năm đã qua, trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ, những người lính năm xưa dù hoạt động trên lĩnh vực nào cũng vẫn gìn giữ, phát huy phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ, đóng góp công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Ký ức về những năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, cùng đồng đội chiến đấu gian khổ, ngoan cường, ký ức về sự hy sinh dũng cảm của biết bao đồng chí và ký ức về chiến thắng lịch sử 7/5/1954 vẫn luôn là những phần đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất, không thể phai mờ trong tâm thức của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

THUẬN NHÂN

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ