A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm thông tin cho Ngày Giải phóng Thủ đô

QPTĐ-“10/10/1954 là một ngày hết sức đặc biệt đối với tôi. Trong ngày hôm đó, đã có hàng trăm tin tức được chúng tôi truyền đi và nhận về. Khối lượng công việc hôm đó dù rất nặng, phải ngồi trực bên máy cả ngày lẫn đêm nhưng các chiến sĩ Thông tin của Đội 230 đã làm việc với tinh thần không ngừng nghỉ để có thể bảo đảm được thông tin thông suốt trong ngày Giải phóng Thủ đô”.

Ông Nguyễn Phạm Tích (ngoài cùng bên phải) kể lại ký ức về những năm tháng không thể nào quên.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Phạm Tích, nguyên Trưởng đài Vô tuyến điện, Đội 230, Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc. Mặc dù đã ngoài 90 tuổi nhưng trí nhớ của ông Tích vẫn còn rất tốt. Bên tách trà thơm, ông cho biết: Sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được cấp trên cử đi đào tạo thông tin liên lạc. Học tập được khoảng 3 tháng, tôi được điều động về Đội 230 công tác để tích lũy thêm kinh nghiệm (giống như thực tập bây giờ). Đội 230 đóng quân tại Đa Phúc (thuộc tỉnh Vĩnh Phú cũ), có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc từ Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh đến các đơn vị trong toàn quân và đặc biệt là trực tiếp cung cấp thông tin, điện mật cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhấp một ngụm trà, ông Tích tiếp tục kể: Là đơn vị thông tin cho nên nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô ngày 10/10 được chúng tôi chuẩn bị từ rất sớm. Cả đơn vị, ai cũng cảm thấy vui mừng và hạnh phúc. Anh em tay bắt, mặt mừng, chúc mừng lẫn nhau. Dường như có một nguồn động lực to lớn, giúp cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực hơn trong công việc, muốn nhận và truyền đi thật nhanh những tin tức có liên quan đến Thủ đô.

Rồi những ngày mong chờ cuối cùng cũng đã đến, sáng 10/10, khi những đoàn quân tiến vào nội thành Hà Nội cũng là lúc đơn vị của ông Tích hoạt động hết công suất. Ông cho biết: Suốt từ đêm mùng 9 đến cả ngày mùng 10, thông tin các đoàn quân tiến về Hà Nội cũng như những chỉ đạo của cấp trên được chúng tôi cập nhật liên tục. 40 cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau để nhận tin tức rồi tổng hợp báo cáo với chỉ huy. Bên cạnh những thông tin đó, chúng tôi cũng nhận được các lời chúc mừng đến từ cán bộ, chiến sĩ khắp nơi trên cả nước. Nói chung là khối lượng công việc rất nhiều, có lúc còn quên ăn, quên nghỉ để mạch thông tin luôn được thông suốt. Vất vả là vậy nhưng ai cũng làm việc trong tâm trạng phấn khởi, không biết mệt là gì, có người khi được thay ca còn muốn làm thêm nữa để được tận hưởng những giờ phút thiêng liêng, lịch sử của Thủ đô.

Do đặc thù nhiệm vụ của đơn vị thường xuyên nắm giữ những thông tin “mật” cho nên những người lính như ông Nguyễn Phạm Tích rất ít khi được ra ngoài mà chỉ tập trung sinh hoạt, làm việc tại đơn vị (thường thì một tháng được ra ngoài một lần trong ngày, đến tối phải quay trở lại). Do đó, sau khi Thủ đô được giải phóng, đơn vị chuyển vào Thành (nay là trụ sở Bộ Quốc phòng). Lần đầu tiên được dạo bước trên những con phố Hà Nội yên bình đã đem lại cho ông một cảm giác khó tả. Ông Tích chia sẻ: Những bước chân đầu tiên dạo trên các con phố khi Thủ đô được giải phóng, ngắm nhìn mọi người đi làm, vui chơi, ca hát, khuôn mặt ai cũng ánh lên vẻ tươi vui, hạnh phúc đã đem lại cho chúng tôi một cảm giác thư giãn, thoải mái vô cùng. Thế mới biết rằng độc lập, tự do, hạnh phúc quý giá đến mức nào.

PHẠM LUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ