A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Hồ Chí Minh với những thắng lợi vĩ đại của dân tộc

QPTĐ-Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị Lãnh tụ thiên tài, “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, nhà ái quốc chân chính, nhà cách mạng sáng suốt. Suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người gắn liền với lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Chính người đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trong tác phẩm, tác giả muốn nhắc tới vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Chúng ta còn nhớ, cách mạng Tháng Tám (1945) thắng lợi, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946). Để có thắng lợi vĩ đại, mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX có nhiều yếu tố nhưng yếu tố quyết định chính là sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở tính đúng đắn, sáng tạo trong chủ trương, đường lối; trong xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa cũng như nghệ thuật tạo thời cơ và chớp thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi, qua đó, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Quay trở lại với lịch sử, ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước sau 30 năm xa Tổ quốc. Sau một thời gian chuẩn bị, với danh nghĩa đại diện của Quốc tế Cộng sản, Người triệu tập Hội nghị Trung ương 8 (từ ngày 10- 19/5/1941), tại Pác Bó-Cao Bằng.

Trên cơ sở đánh giá tình hình giai cấp và xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh thế giới, với quan điểm lý luận gắn với thực tiễn cách mạng, Người nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Xác định nhiệm vụ cách mạng ở Đông Dương lúc này là cách mạng giải phóng dân tộc, Hội nghị đã nêu vấn đề tổ chức nhà nước như thế nào sau khi giành độc lập. 

Với tầm nhìn chiến lược thấu đáo, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh, vào ngày 19-5-1941. 

Không chỉ dự báo và xác định được thời cơ giành chính quyền cách mạng, từ rất sớm, Đảng ta đã phân tích chính xác mâu thuẫn giữa các thế lực đế quốc, nhận định phát xít Nhật sẽ đảo chính hất cẳng thực dân Pháp ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch hành động khi xuất hiện tình hình mới.

Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Đông Dương. Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương “Tổng khởi nghĩa” của Đảng. Trong Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội.2011, tr.596)

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chính là sự chuẩn bị chu đáo về con người, tiêu biểu là công tác cán bộ. Đây là vấn đề được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, có ý nghĩa không chỉ  trước mắt mà còn mang tính chiến lược lâu dài.

Chiến thắng Điện Biên Phủ

71 năm trước, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã viết nên trang sử vàng chói lọi. Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng làm nên thắng lợi “chấn động địa cầu” chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháng 10-1953, tại cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, bàn về kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó sẽ không còn”.

Theo Người, kế hoạch Đông Xuân được triển khai, lực lượng chủ lực được chia thành 5 hướng nhằm những nơi hiểm yếu và tương đối yếu của địch, hướng chính là Tây Bắc.

Khi được tin bộ đội chủ lực Việt Nam hành quân lên Tây Bắc, cuối tháng 11-1953, quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương và coi đây là một pháo đài bất khả xâm phạm.

Tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 6-12-1953, Người nhận định: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị. Không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn dân, toàn quân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Theo các tài liệu, đầu tháng 1-1954, trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền”.Và “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.

Đây chính là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt để vị tướng thiên tài đưa ra những quyết định quan trọng trong suốt quá trình chỉ huy.

Không chỉ đưa ra tư tưởng chỉ đạo, trong từng phút, từng giờ, người luôn theo sát tình hình tại mặt trận, liên tục có những động viên, khen ngợi quân và dân ta trước mỗi trận đánh. Chính điều đó đã tạo nên niềm tin quyết thắng để quân và dân ta làm nên kỳ tích lịch sử-Chiến thắng Điện Biên Phủ, làm thất bại hoàn toàn kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam.

 Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn thể dân tộc Việt Nam, chiến thắng của niềm tin và ý chí, của quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược... Một lần nữa, nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng đó chính là tầm nhìn chiến lược, Đảng và Bác Hồ đã dự đoán trước được âm mưu và thủ đoạn đó của địch, lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta chủ động mở chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 của địch.

Từ trước đó hơn nửa thập kỷ, vào tháng 3-1966, khi đến thăm Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Mỹ đã đưa B-52 vào chiến trường, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Ngay từ bây giờ, các chú phải nghiên cứu, chuẩn bị đối phó với B-52, vì sớm muộn, Mỹ sẽ dùng loại máy bay này đánh phá miền Bắc... Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thực hiện chỉ thị của Người, từ giữa năm 1966, Quân chủng PK-KQ đã đưa các đơn vị tên lửa, radar, không quân tiêm kích và nhiều cán bộ tham mưu, kỹ thuật vào Khu 4 nghiên cứu cách đánh máy bay B-52.

Với dự cảm thiên tài, ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Phùng Thế Tài: “Bây giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa? Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có cao xạ thôi. Nhưng ngay từ nay, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”.

Cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và đồng chí Đặng Tính, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã chủ động nghiên cứu địch, sớm chuẩn bị lực lượng, tìm cách đánh sáng tạo, phù hợp, quan tâm xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp trên cả nước, vừa chiến đấu, vừa chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam, sẵn sàng đánh thắng không quân Mỹ khi chúng tấn công trên quy mô lớn, quyết tâm bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa. 

Ngày 24-11-1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng PK-KQ. Đầu tháng 12-1972, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhận định: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.

Đúng như dự đoán, ngày 14/12/1972, Richard Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc với mật danh Linebacker II, để cứu vãn Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần biết đánh và quyết thắng của quân và dân ta, chúng ta đã làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. 

Chiến thắng là bản anh hùng ca hào hùng về bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Những bài học đúc kết từ chiến thắng oanh liệt này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngân Mỹ
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội