A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước ngoặt lịch sử khi Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu

QPTĐ-Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào yêu nước của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự lãnh đạo đúng đắn từ một Đảng chân chính của giai cấp công nhân Việt Nam.Trước tình hình đó, sau một thời gian ở lại Liên Xô để nghiên cứu chế độ Xô-Viết và kinh nghiệm xây dựng Đảng theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác- Lênin, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về gần Việt Nam để xúc tiến việc chuẩn bị thành lập Đảng. Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Matxcova của Liên Xô trước đây đến Quảng Châu, Trung Quốc. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Sau 13 năm ra đi tìm đường cứu nước, Người đã đặt chân đến Quảng Châu.

Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ cho cách mạng ở Quảng Châu (11/1924). (Tranh minh họa)

Tại đây, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị các công tác lý luận, tuyên truyền, tổ chức và bồi dưỡng cán bộ, tạo cơ sở cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tạo điều kiện cho việc trở về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Cũng tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xây dựng mối tình hữu nghị sâu đậm với nhân dân Trung Quốc trong phong trào đấu tranh cách mạng. 

Để xây dựng cơ sở cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã liên lạc và kết nối được một số nhà hoạt động cách mạng đến từ các quốc gia, dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới, cùng thành lập đoàn thể cách mạng, tiến hành đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Việc đầu tiên của Người là bắt mối liên lạc với những thanh niên yêu nước hăng hái nhất trong Tâm tâm xã đang hoạt động ở Quảng Châu. Thông qua họ, Người xúc tiến kế hoạch xây dựng một tổ chức cách mạng. Người mở lớp học để đào tạo cán bộ về công tác tổ chức và tuyên truyền. Nguyễn Ái Quốc chọn số thanh niên yêu nước trong các tổ chức cách mạng nói trên và một số thanh niên khác ở trong nước ra, mở Trường Huấn luyện chính trị để đào tạo họ trở thành những cán bộ cách mạng và đưa họ trở về nước hoạt động trong giai cấp công nhân và nhân dân ta. Nguyễn Ái Quốc là người phụ trách Trường, vừa là giảng viên chính, có khi kiêm cả cán bộ phiên dịch. Phương pháp giảng dạy của Người là lý luận liên hệ với thực tế, học kết hợp với hành làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. 

Ngoài học tập lý luận và chính trị, các học viên còn được học thêm văn hóa và ngoại ngữ, được trang bị về kỹ năng thực hành các công việc cách mạng như kỹ năng làm báo, diễn thuyết. Trường mở được 10 khóa, mỗi khóa từ 1,5-3 tháng, tổng số học viên có khoảng 200 người. Mặc dù việc mở trường gặp nhiều khó khăn, nhất là về tài chính nhưng Người vẫn dành dụm từng đồng, ra sức đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt đầu tiên cho cách mạng Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc đã dành hầu hết thì giờ cho lớp huấn luyện đặt tại ngôi nhà số 13-đường Văn Minh, Quảng Châu, các bài giảng của Người được tập hợp in thành cuốn sách “Đường Kách mệnh”-một văn kiện lý luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.

Sau lớp huấn luyện đầu tiên gồm 14 đồng chí do cụ Phan Bội Châu giới thiệu, những thanh niên tích cực được Người lựa chọn và thử thách lập ra nhóm Cộng sản đoàn (tháng 2/1925), trong đó, những thanh niên ưu tú như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh là những hạt giống đầu tiên. Việc Nguyễn Ái Quốc mở Trường Huấn luyện chính trị có ý nghĩa rất to lớn. Người đã đào tạo cho cách mạng Việt Nam những lớp cán bộ đầu tiên đi theo đường lối chủ nghĩa Mác-Lênin và góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị thành lập Đảng ta. Cùng với mở lớp huấn luyện, Người còn sáng lập ra báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, với số ra đầu tiên ngày 21/6/1925. Suốt cả thời kỳ tồn tại của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, Báo ra được 200 số. 

Như vậy, thông qua những hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu-Trung Quốc (1924-1927), hệ thống tổ chức cách mạng Thanh Niên được phủ khắp đất nước. Không một tổ chức chính trị cùng thời nào (như Hưng Nam, Tân Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng…) có được mạng lưới rộng như vậy. Có được điều đó chính là tầm nhìn chiến lược của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Lớp thanh niên yêu nước thời kỳ này là những người đầu tiên gieo hạt giống cách mạng bằng việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào quần chúng đang sục sôi cách mạng. Họ là những cán bộ chủ chốt, bộ phận quan trọng không thể thiếu trong bộ khung quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930.

NGUYỄN VĂN TUÂN (tổng hợp)


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ