A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây phong ba nở hoa trên ngọn sóng

QPTĐ-Bố mẹ già ở miền Bắc thiếu vắng người chăm sóc, vợ và con trai nhỏ 4 tuổi ở miền Nam, điều kiện gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vượt lên tất cả, Đại úy, Thạc sĩ, Bác sĩ  Lã Văn Tuấn, Bệnh xá trưởng, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, một người con ưu tú của quê hương Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội vẫn âm thầm, lặng lẽ giữa nắng gió mặn mòi của biển khơi, để chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Nhờ có anh mà hàng nghìn ngư dân vươn khơi bám biển không may bị tai nạn nghề nghiệp, ốm đau được điều trị khỏi bệnh. Trong đó có nhiều ca “thập tử nhất sinh” đã được anh cứu sống và đưa về đất liền an toàn. Nhắc tới anh, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn ví anh là “cây phong ba nở hoa trên ngọn sóng”, dành cho anh những tình cảm quý mến và trân trọng bởi ý chí, nghị lực kiên cường, ngày đêm bám biển, bám đảo, trụ vững nơi đầu sóng, ngọn gió, góp phần bảo vệ vững chắc từng tấc đất, từng vùng biển thiêng liêng trên hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Đại úy Lã Văn Tuấn kiểm tra sức khỏe cho ngư dân Đoàn Huệ Tính, 

ở Phú Quý, Bình Thuận khỏi cơn nguy kịch khi gặp nạn trên biển.

Gác niềm riêng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng

Đúng như lời của một bài hát “Nắng Trường Sa, nắng cháy thịt da/Làm lá phong ba thành màu hoa gạo”, chúng tôi đến thăm Trường Sa lớn dưới trời nắng gắt, cái nóng hơn 40 độ C đem theo hơi mặn mòi của biển khơi khiến cho con đường bê tông dẫn vào Trung tâm y tế Trường Sa Lớn bỏng rát, như muốn nứt vỡ ra từng mảng. Vậy mà bên trong phòng cấp cứu, Đại úy, Bác sĩ Lã Văn Tuấn cùng kíp trực, ai nấy đều mồ hôi ướt đẫm áo blu trắng, miệt mài tiêm, truyền, rồi cả bằng phương pháp hô hấp nhân tạo để cấp cứu ngư dân Đoàn Huệ Tính ở Phú Quý, Bình Thuận khỏi cơn nguy kịch khi gặp nạn trên biển. Kết thúc ca cấp cứu thành công, Đại úy Lã Văn Tuấn không kịp thay quần áo, anh bước ra, bắt tay tôi giải thích: “Nhà báo thông cảm, hẹn gặp anh rồi nhưng có ca cấp cứu đột xuất nên anh em Bệnh xá không thể hoãn lại được”. Sau khi rót cho tôi chén nước, anh cho biết thêm: “Bệnh nhân Tính bị ngộ độc oxy do áp suất lớn vượt quá 1,4 atmosphere khi lặn ở độ sâu 57m để đánh bắt hải sản nên bệnh nhân bị động kinh, chóng mặt, buồn nôn, lên cơn co giật toàn thân, mất ý thức nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Cũng may, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng vẫn cần phải theo dõi điều trị tiếp”.

Qua câu chuyện về cuộc sống, công việc, chúng tôi được biết, Đại úy Lã Văn Tuấn sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2006, anh thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhưng do bố mẹ tuổi cao, thu nhập kinh tế gia đình chủ yếu là làm nông nghiệp nên rất khó khăn. Ngồi trên giảng đường mà cứ nghĩ đến cảnh bố mẹ già hằng ngày vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên đồng ruộng để lấy tiền nuôi anh ăn học, khiến ruột gan Lã Văn Tuấn như thắt lại, không còn đầu óc để tiếp thu kiến thức. 

Theo học được một năm, anh Tuấn đã quyết định bỏ học giữa chừng để ôn và thi vào Học viện Quân y. Tháng 3/2014, anh tốt nghiệp loại Giỏi, được phong quân hàm Trung úy và được tổ chức phân công công tác tại Bệnh viện Quân y 175,  Thành phố Hồ Chí Minh, là bác sĩ Khoa Ngoại tổng quát. Qua bốn năm công tác tại bệnh viện hàng đầu của Quân đội và là tuyến cuối của phía Nam, Lã Văn Tuấn không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, được đồng nghiệp tin tưởng, quân dân quý mến. 

Nhưng để đáp ứng với đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ, anh đã đề nghị với cấp trên, xin theo học tiếp chương trình thạc sĩ Ngoại Khoa tại Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Ngày 28/4/2022, anh nhận bằng tốt nghiệp, cũng chính là ngày anh Tuấn xung phong ra công tác tại Trường Sa. Đại úy Lã Văn Tuấn cho biết: “Ra đảo thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân là một vinh dự không phải ai cũng có được, nên tôi đã viết đơn tình nguyện”. Cho nên, mặc dù bố mẹ già đang ở xa, con còn nhỏ, những bác sĩ Tuấn vẫn quyết tâm lên đường ra đảo. “Xa nhà lâu thế chắc vợ con mong lắm anh nhỉ?”- Tôi hỏi. 

Ngước nhìn những lá bàng vuông, lá phong ba dưới nắng đang chuyển dần thành màu hoa gạo, Lã Văn Tuấn chia sẻ: “Mình có động lực tinh thần để bám biển, bám đảo như hôm nay là do may mắn có được người vợ hiền luôn thấu hiểu, cảm thông cho công việc của chồng, dù con còn nhỏ nhưng vì công việc chung, vì sự bình yên của Tổ quốc, vợ mình luôn động viên để mình yên tâm công tác. Từ khi ra đảo đến nay, mình chỉ gặp cháu qua điện thoại”.  Khi được hỏi về những khó khăn lớn nhất của cán bộ, chiến sĩ công tác trên đảo hiện nay, thay bằng câu trả lời, Lã Văn Tuấn chỉ tay về phía xa xa nơi có những cánh hải âu tung bay trên ngọn sóng tâm sự: “Ra đây rồi chúng em thấy trong đầu mình không còn tồn tại nhiều suy nghĩ toan tính thiệt hơn, sướng hay khổ, mà tất cả là vì tình yêu Tổ quốc, vì sức khỏe của bộ đội và nhân dân anh ạ”.

Đại úy Lã Văn Tuấn luôn gần gũi, quan tâm chia sẻ với bộ đội trên đảo.

Điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi

Đưa chúng tôi đi thăm quan một vòng khu điều trị của Trung tâm Y tế Trường Sa lớn, dừng lại trước phòng cấp cứu, nhìn bệnh nhân Tính đang dần phục hồi, tôi hỏi vui: “Những trường hợp cấp cứu như này chắc cũng không nhiều anh nhỉ?”. Đại úy Lã Văn Tuấn tươi cười đưa cho tôi xem cuốn sổ lưu trú điều trị bệnh nhân tại đảo, chỉ chưa đầy một năm mà Bệnh xá đã điều trị hơn 1.873 lượt người, trong đó có 300 ngư dân, 27 ca đại phẫu, mổ đẻ an toàn 1 ca, cấp cứu thành công và đưa vào đất liền 10 ngư dân bị bệnh nặng. 

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh, Đại úy Lã Văn Tuấn cho biết: “Đội ngũ bác sĩ chúng mình chủ yếu đào tạo đa khoa, y học về hàng hải không được trang bị nhiều, hơn nữa nhân lực y tế trên đảo còn mỏng. Vì vậy, cấp cứu người bệnh trên đảo đôi khi là cuộc chạy đua giành giật sự sống tính bằng giây, bằng phút với thần chết, vì thiếu trang thiết bị hiện đại và bệnh nhân phải di chuyển dài trên biển. 

Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Tôn Văn Khương, ở phường Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, bị tai nạn trên biển, đến Bệnh xá trong tình trạng gãy hai tay, bàn tay phải bị dập nát, đa chấn thương, tổn thương động mạch chủ, giãn đồng tử. Dù tự tin vào tay nghề và kinh nghiệm chuyên môn, nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng. Ngay khi tiếp cận nạn nhân, tôi cùng đồng nghiệp nhanh chóng khai thông đường thở, sau đó thông qua hệ thống Telemecine, tham khảo sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175, tôi đã quyết định mổ cho bệnh nhân. 

Nhưng do bệnh xá không có lượng máu dự trữ, bệnh nhân lại thiếu máu thuộc nhóm máu hiếm B+, mình đã đề nghị chỉ huy đảo huy động cán bộ, chiến sĩ trên đảo đến hiến máu trực tiếp mới cứu được mạng sống và giữa nguyên vẹn được bàn tay không bị hoại tử. Thức trắng cả một đêm, nhưng cứu được bệnh nhân, nên bao mệt mỏi cũng tan biến hết”. Đây không chỉ là câu chuyện cảm động giúp ngư dân vượt qua lằn ranh sinh tử trong những ca cấp cứu gặp nạn trên biển, mà đó chính là những giây phút khó khăn, căng thẳng nhất đòi hỏi Đại úy Lã Văn Tuấn phải độc lập đưa ra quyết định trong những tình huống cứu người khẩn cấp trên đảo như vậy.

Cũng theo Đại úy Lã Văn Tuấn chia sẻ, trong quá trình công tác trên đảo, ngoài việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thường xuyên cho bộ đội, Bệnh xá thường tiếp nhận những ca cấp cứu như: tai biến, viêm ruột thừa, tai nạn lao động, gãy chân, gãy tay, vết thương phần mềm diện rộng, chấn thương bụng kín, chấn thương ngực kín, một số trường hợp chấn thương sọ não và một số bệnh đặc thù của nghề biển như hội chứng giảm áp, một số bệnh do sinh vật biển gây ra, hay dị ứng sứa cắn, ngộ độc thực phẩm... Một số ca cấp cứu rất nguy hiểm, có thể để lại biến chứng nặng nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời. 

Bởi lẽ, trong đất liền, người bệnh thường được đưa vào bệnh viện sớm, còn trên biển, bệnh nhân phải cố chịu đau cả ngày mới đến được Bệnh xá. Do đó công tác cấp cứu, điều trị gặp khó khăn và sức khỏe bệnh nhân phục hồi chậm. Thấy bác sĩ Tuấn đến hỏi han, thăm khám, ngư dân Đoàn Huệ Tính nắm chặt lấy tay bác sĩ Tuấn mắt rưng rưng xúc động, giọng nghẹn lại: “May nhờ có bác sĩ, chứ không tôi chẳng có cơ hội gặp vợ con mình nữa, cảm ơn bác sĩ nhiều lắm”. Vỗ nhẹ lên bàn tay cháy sám đen vì nắng của bệnh nhân Đoàn Huệ Tính, anh Tuấn động viên: “Anh cứ yên tâm điều trị ở đây, chỉ mấy ngày nữa là anh có thể ra khơi được rồi”. Quay sang chúng tôi, Đại úy Lã Văn Tuấn bộc bạch: “Thời gian công tác của chúng tôi trên đảo tuy không dài, nhưng tôi rất đỗi tự hào khi được đóng góp một phần công sức của bản thân cho hoạt động y tế biển đảo”.

Vậy nên, dù điều kiện làm việc còn gặp nhiều khó khăn, xa vợ con, người thân và gia đình, nhưng Đại úy Lã Văn Tuấn vẫn luôn nỗ lực phấn đấu, rèn luyện y đức, hết lòng vì người bệnh. Nói về người Bác sĩ Quân y của đảo, Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng Đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Bác sĩ Lã Văn Tuấn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, tích cực làm theo lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo rất tin tưởng, quý trọng bác sĩ Tuấn, người con của Thủ đô Hà Nội hết lòng vì nhiệm vụ. Bác sĩ Tuấn là ngọn hải đăng, điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi để bộ đội và ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”.

NGUYỄN VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ