Tháng Tám quê nhà và mẹ
Tháng Tám-Mẹ và những cơn mưa.
Mẹ từ ruộng bước về, toàn thân ướt sũng. Chiếc áo mưa trên người mẹ mặc kín mít nhưng vẫn không tài nào che nổi những cơn mưa lúc nào cũng chực ùa vào. Mẹ lột áo mưa, giũ giũ cho bớt nước rồi treo lên mắc áo. “Tháng Tám mới về có vài bữa mà mưa quá chừng”, vừa treo áo mưa mẹ vừa càm ràm. Tháng Tám quê nhà suốt bao nhiêu năm đều như vậy, không có gì hơn ngoài “đặc sản” mưa và mưa. Rồi mẹ lại thủ thỉ với đàn con, mẹ lo quá trời những thửa lúa chưa kịp gặt. Dự định ráng thêm dăm ba bữa nữa cho lúa chín hẳn vậy mà mưa ập xuống nhanh quá. Mẹ nói năm sau nhất định sẽ thực hiện phương châm “non trong nhà còn hơn già ngoài đồng”, thu hoạch được chừng nào hay chừng ấy. Mẹ kêu con Hai, thằng Út theo dõi thông tin thời tiết giúp mẹ, chừng nào mưa mới ngớt để mẹ còn biết đường đi gặt. Đàn con thấy mẹ cứ đi ra đi vào, lòng như có lửa đốt, ngoài trời mưa thì ngày một to thêm mà lòng cũng đang gợn sóng buồn bã theo mẹ.
Không buồn sao được khi người nông dân như mẹ chỉ trông vào vài vụ lúa, mưa thế này thì chẳng mấy chốc mà lúa ngả rạp, rồi dính nước mà mọc mầm. Lúa mọc mầm coi như vứt bỏ. Thậm chí lúc thu hoạch về, xát ra lũ heo còn chê lên chê xuống, chứ chưa nói đến con người dùng được. Rồi tiền chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, tiền ăn học của đàn con, tiền đi đám ma chay cưới hỏi, tiền mua thuốc men lúc ốm đau… Cả trăm thứ tiền người dân chỉ trông vào vài vụ lúa. Thấy mà thương gì đâu.
Tháng Tám rớt nước mắt theo mưa, nỗi buồn theo những cơn mưa trắng xóa, đọng vào tiếng thở dài thườn thượt trong những giấc ngủ không êm của mẹ. Gạt chuyện lúa qua một bên, đằng nào thì cũng đã mưa rồi, chỉ trông chờ vào ông trời. Những ngày tới, mẹ tính ra góc chợ buôn bán ít rau, củ. Tiện trong vườn có luống cải ngọt, luống cải cúc tươi tốt… Mẹ nhổ thêm ít cà rốt, hái thúng cà tím rồi gánh ra chợ. Mỗi mớ rau mẹ bán chẳng được bao nhiêu nhưng cũng đỡ phần nào gánh nặng chi tiêu của gia đình trong mỗi bữa ăn của mùa mưa. Rau, củ của nhà hết mẹ lại ghé sang xóm bên hỏi mua. Cái tính mẹ bán buôn rành đến lạ. Người ta mua bán chi li từng đồng còn đây mẹ xởi lởi. Đôi khi người ta nói bán sao mẹ cũng lấy. Lại còn thêm tính thương người từ bao năm nay của mẹ. Ra chợ từ tờ mờ sáng cho vãn chiều có khi được vài đồng mẹ lại cho đứa trẻ ăn xin gần hết. Mẹ dúi vào tay vào người nghèo đi chợ bó rau, đôi dăm trái cà tím… Hễ ai nói “lời lãi được bao nhiêu mà cho hết” thì mẹ lại chẹp miệng, kể tiếng ra tui cực nhưng vẫn còn may mắn hơn họ, nên tui sẻ san, chứ thấy người ta khó mà không giúp được gì thì áy náy, khó chịu lắm.
Tháng Tám quê nhà những hôm mưa to quá, mưa như trút nước ầm ầm, mẹ không thể ra ruộng cũng chẳng thể chạy chợ mẹ lại rúc vào chái bếp nhỏ cặm cụi làm những món ngon cho cả nhà. Cô con gái nhớ nhất món sắn luộc của mẹ. Còn cậu con trai thì nhớ nôn nao món chè bí ngô ngọt vàng tới tận tâm can. Bao năm rồi, bao bận đi ra rồi trở về, đàn con vẫn còn nhớ như in, khói bếp trắng xóa mờ mờ bay lên, mẹ nhẫn nại cho từng khúc củi vào bếp, vừa thổi vừa bắc mì luộc. Chái bếp ngày xưa đâu có hiện đại như bây giờ, là một khoảng không dựng tạm, thiếu trước hụt sau và mưa lúc nào cũng nhỏ xuống tóc tách. Cực quá mẹ ơi, thôi chúng con nhịn cái miệng cũng không sao, mẹ lên nhà trên nghỉ cho khỏe. Đàn con gào mẹ nhưng mẹ đâu có chịu. Để mẹ cố gắng một chút là xong, các con ráng đợi. Lúc dọn đĩa củ sắn luộc bở tơi, trắng ngà hay bát chè bí ngô ngon tuyệt có ai biết đâu mẹ phải vật lộn cả tiếng đồng hồ trong bếp với củi ướt, với khói hăng. Đàn con ngồi ăn mà lòng hạnh phúc dâng tràn.
Tháng Tám quê nhà và mẹ luôn đầy ắp những yêu thương không thể nói thành lời. Dẫu thời gian, cảnh vật có đổi thay nhưng trong trái tim của đàn con, mẹ là tượng đài không thể gục đổ. Mỗi bận đi về, đàn con chỉ mong mẹ được khỏe mạnh, để nghe tiếng nói thân thương của mẹ, được mẹ tỉ tê tâm sự và được thảnh thơi giữa một chiều mưa ngồi nhâm nhi miếng sắn luộc ôn chuyện ngày xưa… Chẳng cần gì nữa, nhiêu đó là lòng đã đủ đầy an yên và hạnh phúc rồi.
Cao Văn Quyền