Trưng bày chuyên đề: “Hoàng đế Lê Thái Tổ-Người khai sáng vương triều Hậu Lê”
QPTĐ-Chào mừng ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), hướng tới Đại hội đảng bộ các cấp và Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Ðảng, sáng 18/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích danh thắng tổ chức trưng bày chuyên đề: “Hoàng đế Lê Thái Tổ-Người khai sáng vương triều Hậu Lê” tại Di tích lịch sử công trình tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ. Tới dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.
Các đại biểu dự khai mạc trưng bày.
Phát biểu khai mạc Trưng bày chuyên đề, Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Di tích lịch sử công trình tưởng niệm vua Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội là di tích quan trọng trong quần thể di tích Quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013, trực tiếp do Ban Quản lý di tích danh thắng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội quản lý. Di tích nằm bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, được xây dựng vào thời Nguyễn do Kinh lược sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải xây dựng năm 1896, để tưởng nhớ công lao của anh hùng dân tộc Lê Lợi đã đánh thắng giặc Minh, mở ra nền độc lập thái bình thịnh trị cho quốc gia Đại Việt và ghi dấu truyền thuyết trả gươm báu cho rùa vàng ở hồ Hoàn Kiếm. Truyền thuyết này được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành biểu tượng tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu khai mạc trưng bày.
Hoàng đế Lê Thái Tổ (1385-1433), tên húy là Lê Lợi-Anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người sáng lập vương triều Hậu Lê. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ngay từ khi còn trẻ, Lê Lợi đã tỏ rõ tư chất thông minh, dũng lược, đức độ hơn người. Năm 1416, Lê Lợi cùng 18 người bạn thân tín mở hội thề Lũng Nhai. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, xưng là Bình Định Vương, được nhân dân và hào kiệt khắp nơi hưởng ứng. Dưới sự lãnh đạo tài tình của chủ tướng Lê Lợi, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng phát triển lớn mạnh, trở thành đội quân tinh nhuệ có tổ chức, kỷ luật và gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Sau 10 năm chiến đấu gian khổ, “nếm mật nằm gai”, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã toàn thắng, giang sơn thu về một mối.
Các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày chuyên đề.
Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428), Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, lập ra vương triều Hậu Lê. Trong thời gian trị vì, vua Lê Thái Tổ đã định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đào tạo nhân tài, đặt cấm vệ quân, dựng quan chức, lập phủ huyện, khôi phục kinh tế, phục hồi sản xuất, ban bố ruộng đất bằng chính sách quân điền… mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ, thịnh trị cho quốc gia Đại Việt-Triều đại phát triển rực rỡ và tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Các đại biểu tham quan tài liệu được trưng bày.