A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch cộng đồng nơi “non xanh” Sơn La

“Thay da, đổi thịt” phát triển về quy mô, chất lượng

Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ xen lẫn với những giá trị văn hóa từ 12 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn, cùng với đó là những mặt hàng nông sản đặc trưng, một nền ẩm thực đa dạng và các lễ hội truyền thống dân gian đã mang lại cho vùng đất Sơn La một lợi thế về du lịch cộng đồng đặc sắc đối với mỗi du khách khi dừng chân tại đây trải nghiệm. Một sức sống mới, một cánh cửa mới, hướng đi mới đã tạo điều kiện cho người dân ở đây và đặc biệt là những người dân tộc trên địa bàn có thể “trở mình” cải thiện, nâng cao thu nhập. Qua đó, có thể lưu giữ, phát huy, tuyên truyền những nét đặc sắc trong văn hóa bản địa tới đông đảo du khách trong và ngoài nước. Tuy có lợi thế rất lớn về thiên nhiên nhưng để những mô hình du lịch cộng đồng được nhân rộng và phát triển hơn trong thời gian tiếp theo, thì cần phải có sự đầu tư chuyên nghiệp hơn trong công tác du lịch (đầu tư về kiến thức làm du lịch, đầu tư về cơ sở vật chất…).

Bài 1Lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

 Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Sơn La một vẻ đẹp núi rừng đặc trưng của vùng Tây Bắc, nơi thác nước chảy róc rách, mặt trời ở xa xa cánh đồng “Vô cực”, đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới trải nghiệm. Qua đó, đã mở một hướng đi mới cho phát triển dịch vụ du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng tại những vùng còn hoang sơ, khó khăn như bản Dọi, bản Hoa (xã Tân Lập), bản Hua Tạt (xã Vân Hồ); tạo điều kiện cho nhân dân địa phương nâng cao đời sống, cải thiện môi trường sống tự nhiên.

Khai sáng con đường du lịch

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra phương hướng phát triển dịch vụ du lịch, trong đó tập trung: Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phấn đấu đến năm 2025, được công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, kết nối phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào.

Con đường với những hàng cây xanh, không khí trong lành nơi núi non hùng vĩ Tây Bắc.

Để thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình du lịch, nhận thấy tiềm năng của loại hình dịch vụ Homestay là thế mạnh của địa phương, Anh hùng Lao động Hà Văn Quý, chủ bản Hoa homestay, người tiên phong làm cho du lịch cộng đồng trên vùng đất Tân Lập cho biết: Trong hơn 20 năm làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, bản thân hiểu được sự vất vả, khó khăn của nhân dân địa phương. Chính vì vậy, khi về hưu tôi vẫn luôn tìm cách để cải thiện, nâng cao đời sống người dân nơi đây. Năm 2012, gia đình mua mảnh đất nhỏ ở bản Hoa, cách khá xa với trung tâm, xây dựng homestay dưới dạng nhà sàn của dân tộc Thái, vừa tạo dựng một không gian yên tĩnh tận hưởng tuổi già, đồng thời cũng làm nơi nghỉ chân cho khác từ nơi xa tới du lịch, trải nghiệm không khí trong lành nơi núi rừng Tây Bắc. Đến cuối năm 2014, homestay đón vị khách đầu tiên tới từ NewZealand. Ngay sau đó, ông đã liên kết với các công ty lữ hành tại Thủ đô Hà Nội, quảng cáo hình ảnh tới nhiều đối tượng mong muốn được trải nghiệm du lịch cộng đồng mới lạ tại bản Hoa.

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 540 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 38 khách sạn từ 1-5 sao, còn lại là nhà nghỉ du lịch, homestay và các loại hình lưu trú du lịch khác. Tổng lượng khách đến Sơn La trong 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.200 nghìn lượt người, đạt 68,7% so với kế hoạch. Doanh thu ước đạt 2.000 tỷ đồng, đạt 71% so với kế hoạch. Phấn đấu năm 2022, đón 3.200 nghìn lượt khách du lịch đến Sơn La, đạt doanh thu 2.800 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.

Tiếp tục với cung đường hai bên là những đồi chè xanh bát ngát, không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc hòa cùng hương thơm dịu mát của chè Ô Long, tiến sâu vào trong, chúng ta đến với bản Dọi với những nóc nhà sàn đặc trưng của người dân tộc được quy hoạch đồng bộ như một bức tranh giữa thung lũng. Chúng tôi ghé thăm homestay của ông Hà Quyết được khai trương vào hồi tháng 6/2020. Lúc mới mở cũng còn nhiều khó khăn, do cơ sở hạ tầng lúc đó mới đi vào hoạt động, còn thiếu sót, nhưng khi đón các lượt khách tới nghe đóng góp của họ, chúng tôi dần hoàn thiện hơn. Đến nay, có thời điểm homestay đón đoàn khách lên tới 50 người, do vậy, gia đình thuê thêm người để đảm bảo phục vụ được tận tình, chu đáo hơn. Cùng với đó, các công ty lữ hành đã liên hệ và phối hợp đưa các đoàn khách du lịch lên trải nghiệm. Tuy đây chưa phải là nguồn thu chính của gia đình những đây là một hướng đi mới để giúp người dân vùng cao chúng tôi hình thành cách làm kinh tế mới, mang lại thu nhập tại chỗ cho người dân địa phương-Ông Quyết chia sẻ.

Từ những khái niệm mới về thay đổi cách thức làm kinh tế, dựa vào những giá trị cốt lõi của địa phương trong văn hóa, du lịch, người dân trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Mộc Châu đã làm thay đổi diện mạo của một vùng đất hoang sơ, nay đã trở nên tươi mới với nhiều điểm du lịch thu hút hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài nước tới đây trải nghiệm. Ông Lò Đức Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập, huyện Mộc Châu cho biết: Với một vùng đất làm nông nghiệp, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn tính đến hết năm 2021 là 36 triệu đồng/người/năm. Xác định với tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của địa phương, đặc biệt ở là bản Dọi, huyện đã đầu tư hướng dẫn cho bà con làm các khu du lịch cộng đồng, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạt động. Sau khi ổn định số lượng khách đặt Tour vào cuối tuần đã náo nhiệt trở lại, nếu không đặt trước thì sẽ không có chỗ ở. Hiện nay, trên địa bàn bản Dọi đã có 7 hộ gia đình nằm trong dự án Action on Poverty (AOP), một tổ chức phi chính phủ Australia tài trợ và ở Tà Phềnh, Tiểu khu 34, một số hộ gia đình cũng đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng và đã chào đón khách. Qua mô hình du lịch này đã mang lại cho người dân địa phương một nguồn thu nhập mới ngay trên chính mảnh đất của họ và được nhiều người đón nhận.

Niềm vui của người dân bản Hoa trong mùa thu hoạch chè.

Từ bỏ thuốc phiện về với du lịch cộng đồng

Tiếp tục hành trình, cách cao nguyên Mộc Châu gần 20km là bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, nơi những năm gần đây được nhiều du khách đánh giá chất lượng tốt trong các điểm du lịch cộng động của tỉnh Sơn La. Với những nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào Mông được truyền tải tới du khách theo nhiều phương diện khác nhau. Giúp họ sau mỗi một chuyến đi lại được hiểu thêm những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Hua Tạt ngày ấy và bây giờ.

Trong những địa điểm du lịch cộng đồng tại đây, nổi bật có A Chu homestay do Tráng A Chu (sinh năm 1982) làm. Để có được một địa điểm du lịch như hiện tại, anh cùng gia đình đã cố gắng nuôi dưỡng và hiện thực hóa ý tưởng từ rất lâu. A Chu chia sẻ: Sau khi nhận tấm bằng cử nhân Công nghệ thực phẩm tại đại học Bách khoa Hà Nội và có thời gian công tác tại Hà Nội, sau khi trở về với địa phương, bản thân luôn băn khoăn làm cách nào để phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Ngay khi nhận được thông tin phát triển về du lịch trên địa bàn huyện, năm 2013, vợ chồng đã bắt tay vào xây dựng homestay với số tiền vỏn vẹn 30 triệu đồng từ vay lãi người quen tại Lóng Luông. Thời điểm đó, gia đình khó khăn bộn bề, bố là Tráng A Súa đang chạy thận, người em trai đang theo học đại học tại Thái Nguyên. Cuộc sống không bỏ rơi ai bao giờ, vợ chồng A Chu may mắn được một người quen bán lại ngôi nhà sàn trị giá 150 triệu đồng. Lúc đó, gần như cả làng đều đi theo tiếng gọi của ma túy, theo chân Tráng A Tàng (Tàng Keang Nam). Có những người còn chế giễu, nói đi học đại học về không có việc làm; có người rủ đi xách “hàng trắng” nhưng tôi vẫn kiên định với bản thân không làm những việc trái pháp luật, không tiếp tay cho kẻ xấu và dùng chính sức lực, cùng đôi bàn tay tạo cơ hội cho bản thân.

Những góc rất “Chill” của A Chu homestay.

Sau một năm miệt mài nuôi dưỡng ý tưởng thành hiện thực, homestay đã hình thành. Hiện thực lại tiếp tục đặt ra những câu hỏi lớn để anh phải giải đáp (làm thế nào để có khách, phục vụ ra sao để có thể phù hợp với các đối tượng khách du lịch nhiều nơi…). Nhưng với sự giúp đỡ của chuyên gia du lịch cộng đồng Dương Minh Bình, Giám đốc CBT Travel, sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương. A Chu homestay đã đi vào hoạt động, chỉ sau 1 năm làm du lịch anh đã trả gần hết nợ và tiếp tục vay vốn quay vòng đầu tư mở rộng mô hình trên chính mảnh đất quê hương. Đến nay, A Chu homestay đã có 11 phòng riêng, 2 nhà sàn cộng đồng với đầy đủ tiện nghi... với tổng số tiền đầu tư hơn 5 tỷ đồng và tạo công ăn, việc làm cho 8 lao động thường xuyên tại địa phương với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng. Để nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm chuyên nghiệp hơn trong các khâu tổ chức, anh đã thành lập công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và Phát triển du lịch cộng đồng CBT Hua Tạt.

Trước đây, với cả ngàn hộ trồng cây thuốc phiện, thậm chí cả bản cùng đua nhau đi trồng, được mệnh danh là “thủ phủ” của ma túy vùng Tây Bắc, đến nay, với sự vào cuộc của các cấp, quyết tâm xóa bỏ “cái chết trắng”. Vùng núi Vân Hồ nay đã “thay da, đổi thịt” tạo một luồng gió mới hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc dân tộc của người dân địa phương và mang cái đẹp lan tỏa tới mọi miền tổ quốc. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quyết tâm của nhân dân địa phương sẽ mang lại một cuộc sống mới tươi đẹp hơn cho bản làng vùng núi cao.

Việt Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ