A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Du lịch cộng đồng nơi “non xanh” Sơn La

“Thay da, đổi thịt” phát triển về quy mô, chất lượng

Bài 2: Nhân rộng mô hình tạo chất lượng du lịch cộng đồng

QPTĐ-Sở hữu tiềm năng du lịch lớn, với thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đặc trưng, đa dạng trong ẩm thực vùng cao, các địa phương Tây Bắc đã, đang tập trung thu hút các loại hình du lịch, trong đó du lịch cộng đồng tạo trải nghiệm của du khách được cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương quan tâm, thực hiện. Nắm bắt xu thế, tận dụng lợi thế vốn có, các khu du lịch tại tỉnh Sơn La đầu tư mạnh vào loại hình du lịch cộng đồng, liên kết mạnh mẽ với các trung tâm lữ hành và nâng cao chất lượng, đa dạng các hình thức trải nghiệm.

 Đầu tư chiều sâu, tạo ấn tượng mạnh.

 Có thể nói, dọc theo Quốc lộ 6 là vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, của núi rừng, của con người Tây Bắc, mỗi điểm có một vẻ đẹp đặc trưng không thể cưỡng lại mỗi khi du khách đặt chân tới đây. Nổi bật trong đó với các sản phẩm du lịch cộng đồng mang thương hiệu của vùng núi cao: Tìm hiểu văn hóa các dân tộc (sinh hoạt hàng ngày, lên nương, làm rẫy, nghề truyền thống…); tự làm các sản phẩm truyền thống của vùng Tây Bắc; văn hóa ẩm thực; tham quan cảnh đẹp.

Trong đó, Mộc Châu trở thành điểm đến thu hút khách nhất của tỉnh Sơn La với 50% lượng khách qua đây, chính vì vậy, chất lượng phục vụ cùng các loại hình trải nghiệm được chú trọng đầu tư, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến, phát triển du lịch cộng đồng với quy mô lớn. Đối với bản Hua Tạt, nhiều dự án: Vân Hồ Ecolodge, Khu du lịch cộng đồng Vigolando, khu du lịch rừng thông Hua Tạt... Cùng với đó, khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cách thức kinh doanh, tạo điều kiện vay vốn, hướng dẫn chỉ việc đối với gia đình bắt đầu làm du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Trải nghiệm làm bánh dày theo cách của đồng bào dân tộc Mông tại Hua Tạt.

Là một trong những người xây dựng homestay tại bản Hua Tạt, làm du lịch cộng đồng đầu tiên tại bản, anh Tráng A Chu đã vận động những người dân trong bản và các bản xung quanh đổi mới tư duy cùng nhau phát triển du lịch cộng đồng. Các homestay hoạt động ổn định, người dân rất vui khi thấy thu nhập cao hơn so với làm nương, làm rẫy. Để cho tiếng thơm bay xa, lan tỏa sắc đẹp của nơi đây sau mỗi chuyến đi của du khách, A Chu tập trung xây dựng homestay mang bản sắc đặc trưng của văn hóa truyền thống của người dân tộc Mông, với những chiếc máng lợn được đục đẽo cẩn thận, những chiếc giá tre treo đồ cũng được đan một cách tỉ mỉ. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống, những nét hiện đại cũng được anh lồng ghép một cách sáng tạo từ bức tranh thổ cẩm từ chính tay người Mông thêu, dệt, phòng tắm hòa chung với thiên nhiên, một hiên nhà với view trong lành với góc nhìn vô tận… tất cả đều được anh bố trí khoa học, tinh tế. Từ đó, mỗi du khách tới với Hua Tạt đều có sự trải nghiệm rất mới mẻ, một không gian thoải mái, trong lành.

Cũng giống như A Chu, ông Hà Văn Quyết, chủ homestay Hà Quyết (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) không chỉ tạo một không gian mới, một trải nghiệm mới trong cách sinh hoạt, gia đình ông còn tập trung vào từng chi tiết nhỏ tạo sự thân thuộc đối với mỗi du khách: Từ chiếc rèm thổ cẩm mang họa tiết đặc trưng của người dân địa phương, hay từ những dụng cụ làm chè thủ công… từng chi tiết nhỏ đó đã tạo điểm nhấn cho du khách tới đây, qua đó, đã gây sự chú ý và thôi thúc họ tìm hiểu, đây cũng là một cách rất hữu hiệu để lan tỏa về văn hóa đặc trưng của địa phương tới với mọi người.

Những món ăn hiện đại, cổ truyền được chế biến qua đôi bàn tay của đồng bào dân tộc.

Lan tỏa những giá trị văn hóa       

Anh Phạm Huy, một du khách từ Hà Nội-với sự thích thú, ngạc nhiên xen lẫn với trí tò mò trong từng chi tiết rất lạ tại A Chu homestay chia sẻ: Tôi và những người bạn của mình biết tới loại hình du lịch cộng đồng cũng khá lâu rồi, nay được trải nghiệm cảnh đẹp với những cánh đồng chè trải dài dọc sườn núi, sự thân thiện của người dân địa phương, được thưởng thức món ăn ngon của người bản địa và được nghe những câu chuyện nơi đây mới hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của họ. 

Đưa trải nghiệm văn hóa của đồng bào các dân tộc vào các tour du lịch là một trong những điểm cộng rất lớn trong phát triển du lịch của các tỉnh phía Tây Bắc, đặc biệt là đối với các địa phương của Sơn La trong thời gian qua. Cảm nhận đầu tiên của các du khách tới với bản Hua Tạt, tới với A Chu homestay là một không gian văn hóa mang bản sắc truyền thống của người Mông từ trang phục cổ truyền, kiến trúc mang bản sắc rất riêng, thậm chí từng chi tiết trong cách bài trí đều mang hơi thở của người Mông nơi đây… Bên cạnh đó, các món ăn ngày càng được đầu tư để phù hợp với cả du khách trong nước và ngoài nước. Tráng A Chu cho biết: Để vừa miệng mỗi du khách, bản thân đã phải đi học hỏi văn hóa ẩm thực của phương tây, từ đó, về truyền đạt lại cho các nhân viên làm theo. Qua nhiều lần được góp ý, đến nay các món ăn tại A Chu homestay có thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của những du khách khó tính nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và trò chuyện cùng đồng bào dân tộc tại A Chu homestay vào hồi cuối tháng 5.

Tính riêng huyện Vân Hồ, đến tháng 7 năm 2022, có 27 cơ sở lưu trú và 6 điểm tham quan du lịch. Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng du khách đến Vân Hồ đạt 48.500 lượt người, trong đó khách quốc tế đạt trên 1.800 lượt. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách đến với Vân Hồ đã tăng trở lại, ước đạt gần 81.000 lượt khách; giai đoạn 2020 -2025, huyện phấn đấu đạt 450.000 lượt khách, trong đó có 20.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 350 tỷ đồng. Theo quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội huyện Vân Hồ tầm nhìn đến 2030 định hướng phát triển với cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp, du lịch - dịch vụ, công nghiệp; hình thành khu đô thị du lịch trung tâm huyện Vân Hồ. Để đạt được mục tiêu, hiện nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện đang tập trung lập, hoàn thiện các quy hoạch, ưu tiên thu hút đầu tư; đặc biệt là các dự án phát triển du lịch dựa trên những tiềm năng sẵn có của huyện.

 

Để lan tỏa những phong tục, tập quán của người dân bản địa, A Chu đã tái hiện các tiết mục “bắt vợ” của đồng bào Mông thật trong sáng. Từ đó, làm cho người xem hiểu sâu hơn về phong tục này, không coi đó như một “hủ tục” qua các clip trên mạng xã hội lan truyền.

Chưa hết ngạc nhiên này chúng tôi còn được nhìn thấy những bức hình của gia đình Tráng A Chu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm vào hồi cuối tháng 5. Được biết sau khi thăm quan và trò chuyện với bà con dân tộc Mông, Thủ tướng đã biểu dương sự cố gắng, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai khác nguồn lực của quê hương, đi lên từ bàn tay khối óc, tinh thần, khung trời, mảnh đất của mình… Giờ đây, A Chu homestay đã trở thành địa điểm lí tưởng của các du khách mỗi khi đến với Hua Tạt.

Những thành công trong làm du lịch cộng đồng tại bản Dọi (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu), bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) đã giúp nâng cao đời sống, cải thiện cách thức làm ăn, sinh hoạt của các hộ gia đình, tạo việc làm thêm cho người dân trong bản. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị các cấp và quyết tâm của người dân giúp các homestay này quy củ, mang lại cuộc sống ổn định của người dân, vừa lưu giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các địa phương.

Chuyển đổi từ “quá khứ”

 Những năm trở lại đây, với việc phát triển du lịch cộng đồng và đưa đó là một trong những mô hình điểm trong nâng cao đời sống của người dân, song song với đó, việc thay đổi cơ cấu cây trồng tạo nguồn thu nhập cho đồng bảo các dân tộc tại huyện Mộc Châu và Vân Hồ. Những năm trước, đồng bào tại nơi đây một năm thường phải sống thiếu đói vài tháng, thấu hiểu sự vất vả, khó khăn nơi vùng núi, Anh hùng Lao động Hà Văn Quý đã mang những giống ngô, lúa có sản lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế về trồng. Sau khi giúp các hộ gia đình không còn thiếu đói, nhận ra vùng núi Tân Lập còn là một vùng đất trồng chè lâu đời, nhưng khó tiêu thụ nên người dân không còn mặn mà với giống cây này – ông Quý cho biết.

Để người dân khôi phục lại những đồi chè, ông Quý đã vay vốn ngân hàng mua giống về phân phối cho bà con và tự tay trồng 1ha chè tại gia đình. Tới năm 2004, sau khi giải quyết thành công việc khôi phục hàng trăm ha chè, vấn đề lại phát sinh khi chưa có một đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Để người dân không nản sau khi thu hoạch, ông đã đứng ra thành lập HTX sản xuất, kinh doanh chè, tổ chức thu mua chế biến. Tới năm 2008, HTX liên doanh với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chè của địa phương, thành lập công ty chè Tân Lập chuyên sản xuất, xuất khẩu chè chất lượng cao ra nước ngoài. Hiện tại trên địa bàn xã có hai nhà máy sản xuất đạt sản lượng hơn 700 tấn/năm (trong đó hơn 200 tấn được xuất sang Đài Loan), giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông, lao động thời vụ trên địa bàn xã. Anh Hoàng Văn Duy, người dân tộc Thái tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu cho biết: Với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng đã nâng cao đời sống của gia đình chúng tôi, thu nhập cao hơn rất nhiều so với làm nông trước đây.

Từ việc chuyển đổi cây trồng về với sản xuất chè, đã tạo cho vùng đất Tân Lập một màu xanh mượt của những ruộng chè bậc thang uốn mình trên núi và cũng trở thành địa điểm thăm quan, check in của rất nhiều du khách khi đặt chân đến vùng đất này. Bên cạnh những thuận lợi phát triển loại hình du lịch cộng đồng, tạo trải nghiệm cho du khách tới tham quan, tìm hiểu địa phương, thì vẫn còn nổi lên những khó khăn tồn tại cần phải giải quyết dứt điểm để tạo điều kiện cho loại hình này song hành trở thành một trong những nguồn thu chính của đồng bào các dân tộc tại tỉnh Sơn La trong thời gian tiếp theo.

          Việt Dũng

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ