A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiện thực hóa khát vọng chuyển đổi số quốc gia

 

QPTĐ-“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mới  được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định 749 phê duyệt, xác định tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản cụ thể. 

Chương trình cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Công nghệ thông tin (CNTT- IDI), nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh (GCI) và thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII). Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mới được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ cũng xác định rõ 6 quan điểm, cách tiếp cận của Chương trình, trong đó: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời, là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Nhấn mạnh quan điểm người dân là trung tâm của chuyển đổi số, Chương trình xác định rõ, những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, bao gồm: Y tế, Giáo dục, Tài chính-Ngân hàng, Nông nghiệp, Giao thông vận tải và logistics, Năng lượng, Tài nguyên và Môi trường, Sản xuất công nghiệp. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì “hồn cốt” của chuyển đổi số là tăng cường ứng dụng CNTT vào mọi mặt đời sống. Các nước xem chuyển đổi số quốc gia có tính định hướng chiến lược phát triển. Đề án chuyển đổi số Việt Nam có sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân; có những lĩnh vực cần tập trung ưu tiên. Chính phủ chuyển đổi số để quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển, đưa dịch vụ tốt hơn đến người dân. Người dân cũng cần được khuyến khích tham gia chuyển đổi số vì chính bản thân mình. Mục đích cuối cùng của một chính phủ, một chế độ là xã hội ổn định, kinh tế phát triển. Người dân được chăm sóc cả về vật chất, tinh thần. Người dân được thụ hưởng văn hóa, văn minh, được phát triển giá trị bản thân và quay trở lại cống hiến cho xã hội, không chỉ là quê hương đất nước mà cả nhân loại. Phó Thủ tướng cho rằng, muốn chuyển đổi số, phải xác định được điểm mạnh, điểm yếu. Xã hội Việt Nam rất ổn định, nền kinh tế năng động, người dân lạc quan, tin vào tương lai. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng ta là tính công nghiệp, kỷ cương yếu; hợp tác yếu; thiếu tính kiên trì chiến lược đối với những kế hoạch, đề án cần có bước đi dài. Để thực hiện chuyển đổi số, đầu tiên là Chính phủ phải  hoạt động hiệu quả hơn, đất nước phát triển nhanh hơn, xã hội ổn định hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, phát huy quyền làm chủ của người dân tốt hơn. 

Năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia và để hiện thực hóa khát vọng  chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam cần nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa.

Hữu Văn
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ