Hà Nội dự kiến hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng học phí năm học 2022-2023
QPTĐ-Chiều 9-9, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Họp báo thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8/2022. Tại buổi họp báo, lãnh đạo các sở, ban, ngành của Thành phố đã thông tin về nội dung một số dự thảo Nghị quyết đang được dư luận quan tâm như: Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023; Quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội…
Hà Nội dự định hỗ trợ học phí cho một số đối tượng trong năm học 2022-2023. (Ảnh: Internet)
Chia sẻ khó khăn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19
Theo đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tại Nghị định số 81 ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các địa phương phải quy định mức học phí trong khung quy định của Chính phủ (mức thấp nhất trong khung học phí của Chính phủ cao hơn mức thu học phí của Hà Nội năm học 2021-2022).
Hiện nay, về cơ bản dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, kinh tế Thành phố đang từng bước phục hồi, ổn định. Tuy nhiên, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm giảm tác động do việc điều chỉnh học phí theo lộ trình của Nghị định số 81, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh học sinh và để đảm bảo an sinh xã hội, UBND Thành phố đã xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023. Trong đó, dự kiến đề xuất học phí học sinh phải đóng thực tế năm học 2022-2023 giữ nguyên như mức học phí phải đóng năm học 2021-2022 (bao gồm cả việc hỗ trợ 50% học phí). Phần chênh lệch so với mức học phí phải thực hiện theo lộ trình của Nghị định số 81, ngân sách Thành phố sẽ cấp bổ sung cho các đơn vị. Dự kiến ngân sách Thành phố phải hỗ trợ khoảng hơn một nghìn tỷ đồng cho năm học 2022-2023.
Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND thành phố khóa XVI, UBND Thành phố sẽ trình HĐND thông qua Nghị quyết này.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Thông tin tại buổi Họp báo, đồng chí Trương Việt Dũng, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội là địa phương có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp tương đối bao quát các ngành, lĩnh vực và liên tục có rà soát, điều chỉnh phân cấp để phù hợp với các quy định Trung ương mới ban hành đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Từ năm 2006 đến nay, HĐND Thành phố đã ban hành 02 Nghị quyết, UBND Thành phố ban hành 08 Quyết định về phân cấp quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội. Nhờ đó, việc phân cấp quản lý đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cấp trong bộ máy chính quyền địa phương; vừa tăng cường quyền hạn, trách nhiệm và tính tích cực, chủ động cho cơ sở, vừa bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền Thành phố, từng bước nâng cao năng lực bộ máy, trình độ cán bộ của các cấp. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, huy động tốt nhất mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các quận, huyện, thị xã. Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn Thành phố sẽ trình HĐND Thành phố thông qua tại Kỳ họp ngày 12/9/2022.
Được biết, từ đầu năm 2022, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản, tổ chức nhiều Hội nghị chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát tổng thể nhiều vòng việc phân cấp quản lý Nhà nước các lĩnh vực kinh tế-xã hội với tinh thần triển khai quyết liệt, đồng bộ. Từ đó, lấy ý kiến đóng góp, xây dựng Đề án với các mục tiêu, nguyên tắc đảm bảo đúng luật, khoa học, phù hợp với đặc thù của Thủ đô văn hiến và đô thị đặc biệt. Trong đó, tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai. Tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ. Hiện nay, toàn Thành phố có 1.884 thủ tục hành chính, trong đó, cấp Thành phố là 1.534 thủ tục, cấp huyện là 244 thủ tục, cấp xã là 106 thủ tục. Qua rà soát, tổng hợp, đề xuất dự kiến sẽ phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính.
Đức Trọng