A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội chăm lo phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

QPTĐ-Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với tâm tư nguyện vọng đồng bào các dân tộc; giải quyết tốt những yêu cầu bức xúc, thiết yếu đời sống vùng đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc nghèo, đời sống khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Thành phố đã bố trí 1.106,63 tỷ đồng, trong đó dành hơn 974 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới

Trên địa bàn Thành phố hiện có 13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực I, thuộc 4 huyện (Ba Vì có 7 xã, Thạch Thất có 3 xã, Quốc Oai có 3 xã, Mỹ Đức có 1 xã); có trên 108 nghìn người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống ở 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn Thành phố. Những năm qua, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của Thành phố đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có sự thay đổi rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm… được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện. Cụ thể, các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt gần 11%, thu nhập bình quân đầu người hằng năm đến nay đạt 55 triệu đồng/người/năm, có xã đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; 100% xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến nay, đã có 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố đạt chuẩn NTM. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các xã vùng dân tộc miền núi của Thành phố được duy trì ổn định. Đại bộ phận nhân dân phấn khởi, tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với các vùng khác trên địa bàn Thành phố, cần nhu cầu đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện nâng cao đời sống cho đồng bào, góp phần giảm nghèo bền vững, nhằm giảm dần khoảng cách giữa các vùng trên địa bàn Thành phố.

Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô được chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần.

 

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội. Đồng thời, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó 60% đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.

Tích cực chăm lo cho đời sống đồng bào dân tộc

Ngày 11-11-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 253 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030; trong đó đề ra 9 nội dung thực hiện để phát triển toàn diện kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo kế hoạch, tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng. Đến này, Thành phố đã dành hơn 974 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều công trình được đưa vào sử dụng góp phần không nhỏ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tiêu biểu phải kể đến là dự án xây dựng nhà văn hóa thôn Luồng Lặt (xã Yên Trung, huyện Thạch Thất) được hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 9-2022 và dự án xây mới Trạm Y tế xã Yên Bình, huyện Thạch Thất đã hoàn thành vào cuối năm 2022. Những công trình này không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người dân mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới chất lượng, hiệu quả ở địa phương.

Trong 15 năm qua, Thành phố đã dành trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm… cho các huyện, các xã vùng dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô mới đây, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII tiếp tục xác định công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn Thủ đô, nhất là việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chỉ đạo của Trung ương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở. Tổng mức vốn đầu tư thực hiện chương trình dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.647,702 tỷ đồng (cho 121 dự án); nguồn vốn sự nghiệp là 496,821 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các chương trình lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị lãnh đạo Thành phố, các sở, ngành, các quận, huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và kế hoạch của UBND Thành phố triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Hà An

 

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ