Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
QPTĐ-Kỷ nguyên mới vươn mình, phát triển, giàu mạnh của dân tộc Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là kỷ nguyên mà mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng.
Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình
Trong 7 định hướng chiến lược để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh định hướng chiến lược về kinh tế. Theo đó, tổng thể kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng liên tục từ khi thực hiện Cương lĩnh 1991, thường xuyên ở trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới, đưa Việt Nam từ nước thu nhập thấp trở thành nước thu nhập trung bình.
Dù vậy, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, nguy cơ kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khó tiệm cận với các nước đang phát triển vẫn đang hiện hữu. Tăng trưởng của Việt Nam từ năm 2021 đến nay chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu. Ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ chưa đem lại kết quả rõ nét; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, thiếu lao động trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ cao, phục vụ phát triển số.
Để đẩy lùi các nguy cơ này, Tổng Bí thư yêu cầu phải có đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân. Khởi xướng và thực hiện cách mạng chuyển đổi số. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển
Như vậy, đổi mới sáng tạo ra là một trong những động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy khả năng thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, nguồn nhân lực công nghệ, quỹ đầu tư, chuyên gia trong nước và quốc tế. Mục tiêu cuối cùng của việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế, xã hội. Vì vậy hệ thống hỗ trợ cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái tại địa phương, tại Trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài.
Kỳ vọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam
Thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam xếp hạng thứ 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu.
Theo đó, Việt Nam được ghi nhận là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013 và là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp, luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Từ năm 2017 đến nay, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 44 năm 2024. Kết quả đánh giá GII 2024 của Việt Nam có ba chỉ số đứng đầu thế giới, trong đó lần đầu tiên có chỉ số xuất khẩu hàng hóa sáng tạo. Bên cạnh đó, đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam có xu hướng phát triển tốt thể hiện qua chỉ số số thương vụ đầu tư mạo hiểm cải thiện từ thứ hạng 77 năm 2022 lên thứ hạng 50 năm 2024, Chỉ số số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ thứ hạng 54 năm 2021 lên vị trí 44 năm 2024.
Năm 2024, Startup Việt Nam khẳng định vị thế trong cạnh tranh khu vực khi hai công ty khởi nghiệp Việt Nam là Grac và Alternô đã xuất sắc lọt vào top 10 chung kết chương trình APAC Greenhouse Accelerator 2024, đánh dấu cam kết không ngừng của doanh nghiệp trong thúc đẩy các giải pháp thế hệ mới cho một tương lai bền vững. Công ty Grac mang đến các giải pháp quản lý chất thải hiệu quả và tiết kiệm, góp phần giảm phát thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, hợp tác với PepsiCo cho mục tiêu mở rộng hoạt động thu gom chai PET và lon nhôm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, quán quân APAC Greenhouse Accelerator 2024 là Alternô, được chọn từ 10 startup lọt vòng chung kết từ khắp các quốc gia trong khu vực APAC như Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Australia và Trung Quốc, nhờ cách tiếp cận đột phá trong việc giảm lượng khí thải carbon trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và sưởi ấm dân dụng thông qua năng lượng nhiệt. Với chiến thắng này, Alternô sẽ nhận khoản tài trợ 100.000 USD để tiếp tục phát triển và mở rộng giải pháp của mình.
Khởi nghiệp sáng tạo cần phải có sự chung tay, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng, người dân, doanh nghiệp; phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực chủ yếu, đặc biệt là thế hệ trẻ.
SONG HÀ