A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sôi nổi thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến “quốc kế, dân sinh”

 

QPTĐ-Trong Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV,  từ  ngày 3 đến 5-11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước. Trong ba ngày thảo luận tại Hội trường đã có hàng trăm đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu và tranh luận liên quan đến các vấn đề “quốc kế, dân sinh”. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, nêu ra nhiều vấn đề cấp bách của đời sống xã hội.

Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội chiều ngày 4-11. (Ảnh: Internet)

Bức xúc vấn đề sách giáo khoa lớp 1

Đề cập đến vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận-việc biên soạn sách giáo khoa, cụ thể là sách giáo khoa (SGK) lớp 1, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nêu rõ: SGK tiếng Việt ở một số bộ sách còn có sự thiếu trong sáng về ngôn ngữ, thiếu hệ thống logic và chưa khai thác từ kho tàng văn hóa dân gian của Việt Nam dẫn tới giáo viên vừa dạy, vừa điều chỉnh. Đây là một tình trạng trong thực tế và dẫn đến những dư luận không tốt.  “Là ĐBQH đang công tác trong ngành giáo dục, bản thân tôi thấy rất tiếc về sự cố này, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định phê duyệt sách làm đúng quy định, Hội đồng thẩm định quốc gia cho biết đã làm hết sức trách nhiệm và nhóm tác giả cho biết nội dung đưa vào SGK đã được chọn lọc và phù hợp”, ĐB Phạm Phương Thảo nói.

Đề cập đến vấn đề dư luận đang bức xúc về bộ SGK lớp 1, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) nêu vấn đề: “Muốn biên soạn bộ sách hoàn chỉnh thì trước hết phải có sẵn hoặc xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh nhưng chúng ta lại cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ có thể phá vỡ chỗ kia. Không riêng gì một bộ sách mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ điệu. Mà lỗi trong sách giáo khoa chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi nội dung chưa phù hợp”. Với quan điểm như vậy, ĐB Phạm Thị Minh Hiền chỉ rõ, đây là “lỗi quy trình thẩm định phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi đến khó tin và đùn đẩy trách nhiệm như một trận đá bóng không có trọng tài khi xảy ra sự cố thật đáng khó hiểu và không thể hài lòng cư xử”.

Giải trình làm rõ những vấn đề ĐBQH nêu về lĩnh vực giáo dục-đào tạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, tất cả ý kiến đóng góp đều rất tâm huyết, trách nhiệm, với mong muốn góp ý cho ngành giáo dục để có bộ SGK tốt, thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục. Phó Thủ tướng thừa nhận, “Bộ SGK đã được biên soạn nhưng vốn tiếng Việt của Nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn tùy theo cách dùng từ. Chỗ này cần phải được tiếp thu, giải thích một cách rất khoa học, để tiếp thu”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thấy sai sót và trách nhiệm thuộc Bộ, trong đó có trách nhiệm thuộc Bộ trưởng. Bộ trưởng cũng đang có bước chỉ đạo khá cương quyết, ví dụ đã thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định. “Việc này, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ trưởng nói riêng, Bộ nói chung phải hết sức lưu ý, vì những sai sót có thể tránh được thì chúng ta phải rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc”, Phó Thủ tướng chỉ rõ, “và trong các cuộc họp của Bộ, chúng tôi dùng từ là “nghiêm túc” và “nghiêm khắc” để quy trình biên soạn và thẩm định SGK những năm tiếp theo không để xảy ra tình trạng như vậy”.

Thủy điện làm "nóng" nghị trường

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ĐBQH lo lắng, băn khoăn trước việc phát triển thủy điện. Đăng đàn phản hồi các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Chúng ta có quy trình pháp lý rất quan trọng, nhất là việc quản lý việc đầu tư và đảm bảo hiệu quả của các dự án. Cụ thể, đây Luật đầu tư có báo cáo về kinh tế-kỹ thuật, bên cạnh đó là báo cáo đánh giá tác động môi trường và những nhân tố cơ bản để giúp cho các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư sẽ đánh giá xem những dự án đó có hiệu quả đầu và mức độ tác động như thế nào. Các dự án này phải thỏa mãn những giải pháp, biện pháp để khắc phục tác động tiêu cực.

Về ý kiến đại biểu Dương Trung Quốc về vấn đề các thủy điện nhỏ và vừa hết khấu hao dự án thì xử lý thế nào? Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đã có những quy định pháp luật trong Luật Xây dựng, Luật Điện lực hướng dẫn cụ thể, khi hết vòng đời của dự án thủy điện thì chủ đầu tư phải thực hiện đánh giá chất lượng hồ, đập hướng sử dụng hoặc phá bỏ. Về các dự án điện mặt trời thì đang xây dựng tiêu chuẩn về tấm pin năng lượng và xử lý khi hết thời hạn. Hiện nay, tất cả các chủ đầu tư phải xử lý pin quang điện.

Tranh luận với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh về vấn đề thủy điện, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: “Nếu phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mới sai vì cho mưa nhiều quá. Bộ trưởng cũng có nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch, khâu tổ chức thực hiện…thì e rằng chưa ổn”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó có lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập lụt. “Chúng ta làm nhiều đập thủy điện nó không vỡ đập thủy điện mà vỡ ở các chỗ khác. Nước dâng cao thì phải tìm đường thoát, như vậy sẽ trái quy luật tự nhiên và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng” - đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nói.

Tranh luận với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, nói về câu chuyện thủy điện thì cần bàn về câu chuyện của 40 đến 50 năm sau chứ không phải câu chuyện của hôm nay. Nếu ta không nhìn trước được thì chúng ta sẽ để lại di họa cho con cháu mai sau.

Còn theo quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, nói về thủy điện và sự tàn phá của nó trong đợt mưa lũ vừa rồi thì cần phải nhìn nhận khách quan. Bởi vai trò của thủy điện không chỉ đơn thuần là cung cấp điện năng mà góp phần vào trị thủy. Dẫn chứng cho việc này đại biểu Lê Thanh Vân nhắc đến vai trò trị thủy của đập thủy điện Sông Đà. Theo đại biểu Vân, mặt trái của thủy điện chính là sự lạm dụng trong đặt vị trí xây dựng của các dự án. Một số chủ nhà máy thủy điện đã không làm đúng chức năng của đập thủy điện điều tiết mức nước, lợi dụng để phá rừng để trục lợi. “Chúng ta không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

P.Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ