A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga-Mỹ: Chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh

 

QPTĐ-Tuần qua, giới quân sự thế giới lại một lần nữa nổi sóng trước thông tin, Không quân Mỹ đã thất bại trong vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh ARRW. Từ đó, có sự so sánh về thành quả của nền công nghiệp quốc phòng Nga và Mỹ trong công nghệ phát triển vũ khí siêu thanh. 

Mỹ đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. (Ảnh: Internet)

Theo đó, tại căn cứ Edwards, khu huấn luyện Point Mugu gần California (ngày 28/7), Không quân Mỹ tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu thanh AGM-183A  từ máy bay ném bom chiến lược B-52H, tấn công mục tiêu ngoài khơi Thái Bình Dương. Thông tin cho hay, tên lửa đã tách khỏi máy bay B-52H nhưng động cơ tên lửa không kích hoạt, vụ thử nghiệm không thành công. 

Đây là lần thứ 2 thử tên lửa siêu thanh AGM-183A, vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW), bị thất bại. Trước đó (4/2021), Không quân Mỹ thử nghiệm tên lửa AGM-183A nhưng không hoàn thành trình tự phóng, tên lửa vẫn nằm nguyên dưới cánh máy bay B-52H. 

Những thông tin phản hồi từ thao trường thử nghiệm vũ khí siêu thanh đã khiến các chiến lược gia phái diều hâu Mỹ ở Lầu Năm Góc và lưỡng viện Quốc hội bất an, khi Moskva liên tiếp đưa ra các thông số kỹ thuật an toàn, hiệu quả của các loại vũ khí siêu thanh đáng gườm đã và đang được trang bị trong quân đội Nga. 

Tại Thông điệp Liên bang năm 2018, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: Ngành Công nghiệp quốc phòng Nga đã sớm gặt hái thành công ngoài mong đợi. Sắp tới, quân đội Nga sẽ được biên chế những vũ khí hiện đại, tối tân không ngờ tới. 

Gần đây nhất, phát biểu tại Lễ Diễu binh nhân Ngày Hải quân Nga 25/7, Tổng thống V.Putin nói: Hải quân Nga có thể ra đòn tấn công không gì ngăn cản nổi.

Dường như lời cảnh báo trên của vị Tổng thống-Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Nga nói tới, chính là vũ khí siêu thanh trang bị cho bộ ba hạt nhân chiến lược.

Về vũ khí siêu thanh, giới chuyên gia quân sự thế giới thừa nhận, Nga đang giữ vị thế cường quốc số 1, bởi chính các chuyên gia Lầu Năm Góc cũng phải cay đắng thừa nhận: Ít nhất đến năm 2023, Mỹ mới có thể sở hữu vũ khí siêu thanh.

Nếu như năm 2019, Nga tự hào tuyên bố, bộ ba vũ khí Nga chưa có đối thủ trên thế giới bao gồm tên lửa Avangard, hệ thống phòng không S-400 và xe tăng T-14 Armata thế hệ mới, thì hiện giờ, Nga đã sản xuất hàng loạt hệ thống phòng không tiên tiến, hiện đại S-500, xe tăng T-14, T-15, T-90S cùng các tên lửa siêu thanh (đối không, đối đất, đối hạm), sẵn sàng gây thảm họa kinh hoàng cho đối thủ.

Dòng tên lửa được dư luận quan tâm nhiều nhất chính là Zircon (NATO gọi là SS-N-33), có thể tấn công với vận tốc Mach 7-9 (nhanh gấp 7 đến 9 lần tốc độ âm thanh), tấn công cả mục tiêu trên biển lẫn đất liền, từ khoảng cách hơn 1.000 km. Tên lửa Zircon được trang bị cho tàu nổi và tàu ngầm của Hải quân Nga.

Dòng tên lửa thứ 2 được các chuyân gia Mỹ nhắc đến nhiều là Kinzhal Kh-47M2, có tốc độ Mach-12, tấn công chính xác, tiêu diệt mục tiêu cách xa 3.000 km. Vũ khí siêu thanh này được trang bị cho tiêm kích đánh chặn MiG-31K, máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3M và tiêm kích tàng hình thế hệ 5: Su-57. 

Ngoài ra, tên lửa siêu thanh thế hệ mới thứ 3 đã phát triển thành công Kh-95 (tên lửa hành trình tầm xa), vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ của NATO, được trang bị cho máy bay ném bom chiến lược Tu-160M, Tu-22M đã hiện đại hóa. 

Tại Triển lãm Maks-2021 (Moskva tháng 7/2021 vừa qua), Nga bổ sung “sát thủ” diệt hạm Kh-59MK bay ở tốc độ cận âm thành tên lửa lưỡng tính, tiêu diệt các chiến hạm và mục tiêu trên đất liền (tên lửa Kh-59MKM), tầm bắn xa 285 km. Hiện, các biến thể của tên lửa Kh-59 được trang bị cho tiêm kích Su-30MK, cường kích Su-27, Su-24M4, Su-24M, Su-25.

Dòng tên lửa siêu thanh thứ 4, đang được cho là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Mỹ và NATO, là tên lửa hành trình siêu thanh Avangard (biên chế năm 2018), có tốc độ Mach-27, có khả năng cơ động trong khí quyển, chưa có bất kỳ loại tên lửa nào có khả năng đánh chặn. Theo RBTH, Avangard có sức công phá mạnh gấp 130 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản (8/1945).

Ông E.Mark, Giám đốc Trung tâm phân tích chính trị, quân sự Hudson Mỹ cho rằng: Avangard là một thành tố trong kho vũ khí đáng nể của Nga, trong đó có 528 tên lửa đạn đạo liên lục địa bố trí trên khắp đất liền và trên tàu ngầm, cũng như vũ khí hạt nhân do máy bay ném bom mang theo, quả là thứ vũ khí tối tân, lợi hại. “Chỉ với tên lửa Avangard, Nga có thể quyét sạch hệ thống phòng thủ của Mỹ và toàn bộ đồng minh phương Tây”-Chuyên gia E.Mark khẳng định. 

Cùng với đó, Nga trang bị cho quân đội tên lửa hành trình Burevestnik, tên lửa liên lục địa Sarmat (Quỷ Sa tăng), “rồng lửa” S-500. Năm nay, Hải quân Nga tiếp nhận 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân bao gồm tàu ngầm chiến lược Knyaz (Đề án 955A lớp Boorei-A), tàu ngầm đa nhiệm Novosibirsk (Đề án 855M, Yasen-M) và tàu ngầm đặc biệt Belgorod mang ngư lôi hạt nhân Poseidon (Đề án 09852).

Nga tuyên bố, đã phóng thử thành công và sẽ có cuộc thử nghiệm lần cuối đối với ICBM Sarmat vào cuối năm 2021. Sau đó, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat sẽ trực chiến, thay thế tên lửa R-36M2. Sarmat nặng 208,1 tấn, trọng tải đầu đạn gần 10 tấn, tầm bắn 18.000 km, mang đầu đạn hạt nhân có thể quyét sạch bang Taxas, Mỹ hoặc một diện tích bằng nước Pháp. 

Tàu ngầm năng lượng hạt nhân Belgorod (hạ thủy 4/2019) gia nhập Hạm đội Thái Bình Dương năm 2021, chiều dài 150m, lượng choán nước 23.860 tấn, mang theo 6 quả ngư lôi hạt nhân Poseidon-“ngày tận thế”. Các quả ngư lôi có sức công phá lên đến 100 megaton, tạo ra sóng thần, có thể thổi bay một nhóm tác chiến tàu sân bay đối phương, căn cứ hải quân hoặc các thành phố duyên hải. 

Tuy nhiên, Mỹ vẫn là cường quốc số 1 về quân sự toàn cầu. Với mức chi ngân sách quốc phòng khủng: 650-750 tỉ USD/năm (giai đoạn 2010-2021) và 752,9 tỉ USD (năm 2022), gấp 10-13 lần Nga, Mỹ đã đổ 2.000 tỉ USD đầu tư cho công nghệ siêu thanh, phát triển vũ khí mới giai đoạn 2020-2030, hòng giữ ngôi bá chủ quốc phòng toàn cầu, cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. 

  NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ