A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NATO cảnh báo, vũ khí hạt nhân Mỹ xuất hiện ở Đông Âu?

 

QPTĐ-Trong đại dịch Covid-19 toàn cầu, lò lửa xung đột vũ trang dường như nguội dần ở Trung Đông, Bắc Phi nhưng lại nóng như lên ở Lục địa già. Tiếp tục cuộc chiến cấm vận của phương Tây nhằm vào Nga từ sau sự kiện Crimea năm 2014, tại châu Âu bùng phát hàng loạt cuộc chiến ngoại giao, trừng phạt kinh tế, thậm chí đe dọa tấn công vũ trang nhằm vào nhau giữa Mỹ, phương Tây và Nga. Gần đây nhất, là hàng loạt các cuộc tập trận quân sự và mối đe dọa vũ khí hạt nhân. 

Ngày 20/11 vừa qua, nhiều tờ báo châu Âu đăng tải phát biểu của Tổng Thư ký NATO J.Stolenberg liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ tại Đức. NATO có thể rời kho vũ khí này sang các nước Đông Âu-Vị Tổng Thư ký NATO khẳng định. Đây được xem là một thách thức đối với Nga, hẳn Moskva sớm cảnh báo một động thái tương ứng. 

 NATO cân nhắc đưa vũ khí hạt nhân đến Đông Âu. (Ảnh: Internet)

Tại một hội nghị do Hiệp hội Đại Tây Dương của Đức và Học viện Chính sách an ninh Liên bang tổ chức, trong bối cảnh ở nước Đức ngày càng xuất hiện nhiều chính khách và tổ chức đưa ra khuyến nghị phản ứng, đòi loại bỏ kho vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ, ông J.Stolenberg lại khẳng định vai trò to lớn của NATO và vũ khí hạt nhân, trụ cột bảo đảm an ninh châu Âu, đối trọng với Nga.

“Tôi kỳ vọng rằng Đức sẽ tiếp tục tham gia chia sẻ hạt nhân vì nó rất quan trọng đối với châu Âu và đó là một khuôn khổ đa phương. Giải pháp thay thế cho việc chia sẽ hạt nhân của NATO là các thỏa thuận song phương khác nhau. Đức sẽ quyết định xem có vũ khí hạt nhân ở đất nước của bạn hay không nhưng giải pháp thay thế là chúng tôi sẽ có vũ khí hạt nhân ở các nước khác tại châu Âu, cũng như ở phía Đông nước Đức”. 

Trong bối cảnh hiện nay, Pháp và Anh đã cắt giảm đáng kể kho vũ khí Mỹ, chỉ còn Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ. Thời gian gần đây, “hầu hết các quốc gia châu Âu lo ngại việc triển khai vũ khí hạt nhân tầm trung trên lãnh thổ của mình”-Trung tâm Thông tin an ninh xuyên Đại Tây Dương có trụ sở tại Berlin nhận định.

Trước đó, thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của NATO cung cấp cơ sở pháp lý để triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ ở các nước thành viên phi hạt nhân của châu Âu như một phần trong khái niệm răn đe hạt nhân của liên minh quân sự này. 

Năm 2010, Nghị viện Đức thông qua một nghị quyết thúc giục chính phủ làm việc với Mỹ, dứt khoát việc chuyển toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi Đức. Đề nghị này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ B.Obama kêu gọi xây dựng một thế giới phi hạt nhân. 

Tiếp theo đó, nhiều năm nay, Đức chấm dứt việc tham gia chương trình sử dụng  chung vũ khí hạt nhân của Mỹ. Cùng với việc đòi loại trừ vũ khí hạt nhân tàng trữ trên lãnh thổ, dưới thời Tổng thống D.Trump, mối quan hệ Mỹ với Đức, Pháp và châu Âu có những rạn nứt, kể cả quan hệ Đức, Pháp với NATO? 

Vậy là, Tổng thống Mỹ D.Trump kế nhiệm ông B.Obama không những thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân toàn cầu mà đã đơn phương hủy bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), thay vì hợp tác để chuyển đi các quả bom hạt nhân, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, Mỹ đã và đang đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa và nâng cấp vũ khí hạt nhân trong các kho dự trữ chiến lược. Báo chí Mỹ đưa tin, tại Đức (8/2019), Quân đội Mỹ đã nâng cấp vũ khí hạt nhân B-61.

Nói về phản ứng của Nga, Tổng Thư ký NATO cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Nhưng miễn là những người khác có chúng, NATO cũng phải có chúng”. 

Trái ngược với Đức, Ba Lan và Romania-hai đồng minh thân cận của Mỹ, lại tỏ ra sốt sắng được triển khai lắp đặt, hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD), kể cả đón nhận chương trình sử dụng chung vũ khí hạt nhân của Mỹ. 

“Chúng ta đã có các bệ phóng tên lửa của Mỹ, có thể sử dụng vũ khí hạt nhân và việc mua máy bay tiêm kích tàng hình F-35 sẽ mang lại cơ hội kỹ thuật để tham gia chương trình tác chiến của NATO. Đã đến lúc đưa ra hành động chính trị mạnh mẽ để đảm bảo vũ khí hạt nhân của Mỹ xuất hiện ở Ba Lan”-Tờ Wpolityee đưa tuyên bố của một quan chức cấp cao Ba Lan. 

Trước việc Mỹ và NATO gia tăng hoạt động, diễn tập quân sự ở biển Đen, hậu thuẫn Quân đội Ukraine tấn công khu vực miền Đông Donbass đòi độc lập, kích động Ba Lan và các nước Baltic thái độ thù địch chống Nga; Moskva cảnh báo sẵn sàng đáp trả để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi âm mưu, hành động xâm phạm an ninh đất nước. 

Thư ký Báo chí Điện Kremlin đưa ra tuyên bố “lằn ranh đỏ” về việc NATO phát triển về phía Đông và cho rằng, cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đang chuyển dần sang phía Đông, cũng như ghi nhận các hành động khiêu khích vũ trang của NATO, Ukraine, buộc Nga phải có những biện pháp đáp trả. 

Cuối tháng 10 vừa qua, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov tuyên bố, cắt đứt quan hệ trao đổi thông tin giữa Nga và NATO và yêu cầu phái bộ thường trực NATO phải rời Moskva từ ngày 01/11, đáp lại việc NATO trục xuất các nhà ngoại giao Nga. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng S.Shoigu cho biết, những tháng qua. Quân đội Nga bổ sung biên chế nhiều loại vũ khí tối tân siêu hạng, không có đối thủ, có thể nói là “độc nhất vô nhị” như Thông điệp Liên bang của Tổng thống V.Putin. Đó là tên lửa siêu thanh Zircon, siêu tên lửa đạn đạo (ICBM): Sarmat, Yars, Avangrd; hệ thống tên lửa phòng thủ S-400, S-500, S-550; tàu ngầm Belgorod mang tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân; tàu ngầm không người lái mang ngư lôi Poseidon tạo ra sóng thần trên biển. 

Trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn An ninh thế giới (Canada, 20/11), Tướng D.Thompson, chỉ huy Lực lượng vũ trụ Mỹ thừa nhận, năng lực tên lửa siêu vượt âm của Mỹ không tiên tiến bằng vũ khí cùng loại của Nga và Trung Quốc. Đó là động lực để Lầu Năm Góc chạy đua vũ khí siêu thanh trong những năm tới. 

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ