A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga thử nghiệm bay phiên bản Su-57 nâng cấp

 

QPTĐ-Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất (UAC) của Nga mới công bố, phiên bản nâng cấp máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 đã bay thử nghiệm thành công lần đầu tiên ngày 21/10/2022 tại Trung tâm thử nghiệm bay Zhukovsky gần Moscow. Trong hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng Nga, UAC thuộc Tập đoàn nhà nước Rostec, chuyên hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp có công nghệ hiện đại của Nga. 

Su-57 là máy bay tiêm kích đa nhiệm thế hệ 5 của Nga được thiết kế để tiêu diệt mọi loại mục tiêu trên không, trên bộ và trên biển. Máy bay Su-57 được phủ vật liệu hấp thụ sóng ra-đa và có thiết kế tối ưu nhằm khả năng tàng hình trước thiết bị trinh sát điện tử. Su-57 là máy bay được cho là có thể cạnh tranh với máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-22, F-35 của Mỹ và J-20 Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga mới chỉ hoàn thành chế tạo 12 chiếc và dự kiến sẽ đưa vào trang bị 76 chiếc Su-57.

Theo thông tin công bố của Tập đoàn UAC, máy bay tiêm kích tàng hình Su-57 phiên bản nâng cấp bay thử nghiệm lắp đặt các thiết bị có tính năng tăng cường, hệ thống trí tuệ nhân tạo hỗ trợ phi công và khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí mới. Hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép máy tính trên máy bay Su-57 nâng cấp thực hiện nhiệm vụ điều khiển máy bay, giúp phi công tập trung vào các chức năng quan trọng. Máy bay Su-57 cũng có tính năng tự động hóa thông minh mức độ cao trong chiến đấu.

Trong tương lai, phi công máy bay Su-57 sẽ có thể điều khiển máy bay bằng chuyển động mắt hoặc giọng nói. Mặc dù một hệ thống như vậy sẽ rất phức tạp vì đồng tử của con người liên tục di chuyển trong vô thức. Hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện một số thao tác thay phi công, như điều khiển máy bay và chuẩn bị khai hỏa vũ khí. Rafael Suleimanove, phi công thử nghiệm của Phòng thiết kế Hãng Sukhoi đánh giá, hệ thống trí tuệ nhân tạo cho phép “Điều khiển máy bay Su-57 rất dễ chịu và thoải mái. Nó cho phép phi công thực hiện mọi thao tác trên không trung. Những khả năng này, cùng với trang bị vũ khí mạnh cho phép phi công thực hiện các nhiệm vụ tác chiến không đối không và không đối đất, trong mọi điều kiện thời tiết, ngày và đêm, ở bất kỳ vị trí nào. Tất cả những yếu tố đó khiến máy bay Su-57 trở thành một phương tiện chiến đấu đầy sức mạnh”. 

Theo thiết kế ban đầu, máy bay Su-57 được dự kiến trang bị động cơ Izdeliye 30, cho phép bay với tốc độ siêu thanh mà không cần sử dụng động cơ đốt sau tốn nhiều nhiên liệu. Tuy nhiên, trên thực tế máy bay Su-57 lắp đặt động cơ NPO Saturn Product 117, được phát triển từ động cơ phản lực đốt sau AL-41F-1S, trang bị trên  máy bay tiêm kích thế hệ 4++ Su-35. Động cơ Izdeliye 30 sẽ tăng lực đẩy và hiệu suất nhiên liệu của máy bay Su-57, đồng thời giảm trọng lượng và các yêu cầu bảo dưỡng. Động cơ Izdeliye 30 được thử nghiệm bay lần đầu tiên vào ngày 5/12/2017. Sau đó, động cơ này đã trải qua quá trình bay thử nghiệm chuyên sâu. 

Trường Giang
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ