Vì sao Nga cấm xuất khẩu xăng, dầu diesel?
QPTĐ-Thị trường dầu mỏ toàn cầu lại bị một cú sốc khi Chính phủ Nga (ngày 21/9) bất ngờ ban hành lệnh cấm tạm thời việc bán xăng và dầu diesel sang các nước. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức nhằm bình ổn thị trường trong nước. Tuy nhiên, lệnh trên loại trừ thương vụ với 4 quốc gia Liên minh Kinh tế Á-Âu (Liên Xô cũ) bao gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan. “Các hạn chế xuất khẩu tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu trong nước, từ đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng”-Thông báo của Điện Kremlin cho hay: “Biện pháp này sẽ ngăn chặn xuất khẩu bất hợp pháp nhiên liệu xe máy”.
Toa xe bồn dùng để vận chuyển dầu và nhiên liệu.
Ảnh: RIA Novosti
Thông tin từ Bộ Năng lượng Nga cho biết: Những tháng gần đây, thị trường Nga rơi vào tình trạng thiếu bất thường xăng và dầu diesel. Giá nhiên liệu bán buôn trong nước tăng vọt, dù giá bán lẻ bị giới hạn dưới mức giá trần để kiểm soát lạm phát. Có thể, đây là cơ hội cho thương nhân đẩy mạnh buôn lậu xăng, dầu qua biên giới. Cũng bởi thiếu tạm thời nguồn cung và giá nhiên liệu tăng, nông dân Nga gặp khó khi thời vụ thu hoạch lúa mỳ đã đến.
Ngoài ra, giá bán buôn nhiên liệu tăng còn do tác động từ các sản phẩm từ dầu trên thị trường quốc tế tăng; đồng ruble Nga yếu đi so với đồng USD Mỹ (100 ruble đổi lấy 1 USD, so với năm 2021, 1 USD/60-65 ruble). Và còn có những tác động nội tại, do các hoạt động bảo trì nhà máy lọc dầu, tắc nghẽn giao thông đường sắt, hoạt động xuất khẩu Nga bị ảnh hưởng do xung đột Nga-Ukraine kéo dài 18 tháng qua cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây. Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, kể từ tháng 2/2023; đồng thời áp giá trần lên dầu thô của Moskva.
Tuy vậy, bất chấp các lệnh cấm vận trên của phương Tây, Nga tuyên bố, không bán dầu cho bất cứ quốc gia nào áp trần giá dầu hoặc không thanh toán mua bán dầu, khí bằng đồng ruble (nội địa và kỹ thuật số) của Nga. Tổ chức LSEG đưa ra con số, nếu như năm 2022, Nga xuất khẩu 4,82 triệu tấn xăng, gần 35 triệu tấn dầu diesel thì năm nay đã cắt giảm sản lượng đi qua đường biển khoảng 30% xuống còn 1,87 triệu tấn. Đó là con số thống kê thương vụ với châu Âu, bởi Moskva đã chủ động chuyển nguồn cung dầu, khí đốt giá rẻ sang châu Á, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ.
Nga chủ động các biện pháp phối hợp với Tổ chức OPEC và đối tác (do Nga và Arab Saudi dẫn dắt) để giữ giá dầu không chạm đáy, nhằm cạnh tranh, đối trọng với công nghệ khai thác dầu đá phiến của các công ty Mỹ cũng như các giải pháp khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Nhà Trắng đưa ra. Hiện, Arab Saudi và Nga vẫn dựa vào nguồn thu ngân sách chính từ khai thác dầu mỏ, trong đó Arab Saudi có tham vọng đầu tư, phát triển khủng trong những năm tới. Đó là lý do khiến quốc gia giàu có vùng Vịnh này, ngày càng có xu hướng gần Nga, xa Mỹ?
Trên thực tế, OPEC+ đã thành công trong việc quản trị thị trường dầu mỏ toàn cầu. Thị trường dầu thô thế giới tăng giá liên tục trong 6 tuần qua, kể từ tháng 8/2023 sau khi OPEC+ tuyên bố, cắt giảm 1,3 triệu thùng dầu/ngày và kéo dài đến hết 3 tháng cuối năm 2023, thay vì dừng cắt giảm trong tháng 10. Nếu tính tổng cộng toàn khối OPEC+ thì số lượng cắt giảm những tháng qua lên đến 3,66 triệu thùng/ngày so với năm ngoái, tương đương với 3,6% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Tuần qua, giá dầu Brent và WTI tiếp tục phục hồi sau lệnh cấm xuất khẩu xăng, dầu của Nga; giao dịch đạt mốc 93,26 USD/thùng và 90,82 USD/thùng (tương đương tăng 0,94% và 1,29%), dự báo sẽ chạm mốc và vượt 100 USD/thùng vào cuối năm nay do thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Quan điểm đa phương hóa quan hệ của Nga đã giúp Moskva nhanh chóng gia tăng vị thế, phát triển. Hội nghị Thượng đỉnh BRICS-15 vừa kết thúc thành công ở Brazil (22-24/8) đã nâng số thành viên từ 5 (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi) lên 11, trong đó có các cường quốc dầu mỏ như Arab Saudi, UAE, Iran; khiến Nga như “hổ mọc thêm cánh”. Sau Syria, đến lượt Iraq-quốc gia sản xuất dầu thô lớn thứ 2 của Tổ chức OPEC (chỉ sau Arab Saudi), mở rộng hợp tác năng lượng, an ninh và quân sự với Nga, khiến Moskva bật đèn xanh cho 2 tập đoàn dầu mỏ: Gazprom và Lukoil đổ 13 tỉ USD đầu tư vào nước này.
Tháng 8 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo, sau sự sụt giảm 2,1% GDP năm 2022, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023. Đây là dấu hiệu phát triển, sức sống thần kỳ của Moskva trước các lệnh cấm vận khắc nghiệt nhất của Mỹ và phương Tây lên hơn 11.000 thực thể, kể từ sự kiện Crimea năm 2014. Bởi phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế nhưng không thể đoạn tuyệt với nguồn khoáng sản và các sản phẩm độc quyền của Nga.
Mấy năm qua, Moskva bán 1,7 tỉ USD sản phẩm hạt nhân cho các công ty ở Mỹ và châu Âu; riêng dầu mỏ doanh số khoảng 250-300 tỉ USD (giai đoạn 2020-2023). Thế giới không thể từ bỏ nguồn cung năng lượng, lương thực, phân bón từ Nga, trong khi Moskva nhanh chóng thích nghi quá trình nội địa hóa nhiều hàng kim loại sản phẩm bao gồm cả vũ khí, đạn dược tăng 30% trong năm 2022 nhờ sự hợp tác của Trung Quốc, Ấn Độ và đồng minh.
Trong “Báo cáo tài sản toàn cầu hằng năm” của Ngân hàng UBS Group tại Thụy Sĩ công bố: Năm 2022, Nga có thêm 600 tỉ USD và số lượng triệu phú cũng tăng lên; trong khi Mỹ bị “bốc hơi” 5.900 tỉ USD và các nước Bắc Mỹ, châu Âu bị “nghèo đi” 10.900 tỉ USD. “Tính đến cuối năm 2022, Nga vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ 5 thế giới”-Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định.
“Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (ngày 12/9 vừa qua), Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố: “Tôi biết rằng, dự trữ vàng, ngoại hối trị giá 300 tỉ USD của Nga đang bị đóng băng nhưng chúng tôi đã kiếm được gấp đôi số đó”. Phương Tây đã thất bại sau các phi vụ âm mưu tịch thu tài sản của Nga, chỉ khiến các ngân hàng châu Âu mất niềm tin trầm trọng. “Một số quốc gia, chủ yếu là phương Tây, đang phá hủy hệ thống quan hệ tài chính, thương mại và kinh tế toàn cầu. Họ ưu tiên cho tầng lớp tinh hoa mà không phải toàn thể nhân loại hay phát triển thế giới đa cực”.
Trong tháng qua, xảy ra hai vụ đảo chính quân sự ở châu Phi: Niger và Gabon-“sân sau” của Pháp, là hồi chuông báo động sự tan rã của chủ nghĩa đơn cực, khiến phương Tây quan ngại về sự thu hẹp nguồn cung tài nguyên đất hiếm, kim loại quý phát triển công nghệ cao tên lửa, vũ trụ không gian.
Hà Ngọc