A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế giới đối mặt với thập niên nguy hiểm, khó đoán

 

QPTĐ-Phát biểu tại Diễn đàn Valdai ở thủ đô Moskva (ngày 27/10), Tổng thống Nga V.Putin cảnh báo: “Chúng ta đang đứng trước một ranh giới lịch sử: Phía trước có thể là thập niên nguy hiểm, khó đoán nhưng đồng thời cũng quan trọng nhất kể từ sau Thế chiến II. Thời kỳ lịch sử của nền thống trị không phân chia của phương Tây đối với các vấn đề thế giới sắp kết thúc”. 

Tổng thống Nga V.Putin phát biểu tại Diễn đàn Valdai. (Ảnh: Internet)

Theo Tổng thống Nga, ở thời điểm này, tất cả các quốc gia đều có quyền lựa chọn con đường phát triển của riêng mình. Phương Tây và khối quân sự NATO phát triển thành viên Đông tiến, kích động cuộc chiến ở Ukraine nhằm gây hỗn loạn khắp thế giới. Đó là “trò chơi nguy hiểm, đẫm máu và bẩn thỉu. Gieo gió sẽ gặp bão!”-Tổng thống V.Putin nhấn mạnh. 

Diễn đàn Valdai là sự kiện thường niên ở Nga được tổ chức lần đầu vào năm 2004. Từ diễn đàn này, Điện Kremlin có cơ hội bày tỏ các quan điểm về đối ngoại, an ninh toàn cầu, mối quan hệ với phương Tây và NATO. 

Tại Diễn đàn Valdai 2022, Tổng thống V.Putin cho biết: Tháng 12 năm ngoái, Nga đưa ra quan ngại an ninh cần giải quyết nhằm tránh cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng Mỹ và NATO đã gạt đề xuất đó sang một bên. Moskva cũng cảnh báo, NATO mở rộng về phía Đông là mối đe dọa nghiêm trọng, cần phải chấm dứt, tuy nhiên, đề nghị này đã bị bác bỏ. Vậy là, chính phương Tây đã buộc Nga không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Ông chủ Điện Kremlin khẳng định, Nga không coi phương Tây là kẻ thù và Nga cũng không phải là kẻ thù của phương Tây, mặt khác, Moskva không chấp nhận việc các nước này kìm hãm Nga. “Chúng tôi đã thử thiết lập quan hệ với phương Tây và NATO, chúng tôi muốn làm bạn với họ. Nhưng nước Nga chỉ nhận lại các phản hồi tiêu cực. Họ chỉ muốn làm nước Nga suy yếu, dễ bị tổn thương”. 

Tổng thống V.Putin cho biết thêm: Mỹ sử dụng đồng đô la làm vũ khí, trong khi phương Tây lạm dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để đối phó với Nga. Nhưng những nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm làm sụp đổ nước Nga đã thất bại, Nga đã thích ứng với thực tế mới. Nga đã và đang chống chịu được các đòn cấm vận của phương Tây mặc dù các biện pháp đó đã gây không ít khó khăn cho Moskva. 

Sau sự kiện Crimea và xung đột Ukraine, phương Tây đã đóng băng tài sản, áp lệnh trừng phạt đối với 1.239 cá nhân, 116 công ty Nga, trong đó có Tổng thống, Thủ tướng, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng như một số ngân hàng, nhà sản xuất vũ khí lớn. 

Nga đã hứng chịu các lệnh trừng phạt mạnh mẽ nhất từ phương Tây hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Là một siêu cường về nhiên liệu hóa thạch nhưng Nga không còn khả năng xuất khẩu than sang châu Âu cũng như mất 90% doanh số bán dầu và sản phẩm hóa dầu cho khối EU. 

Tuy vậy, lạm phát ở Nga đã giảm xuống mức 13,5% sau khi đạt đỉnh ở mốc 17,83% (4/2022), trong khi lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu là 10%, Đức 10,9%, Hà Lan 17,1%, Latvia 22,4%, Lithuania 22,5% do cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. 

Tổng thống Nga dành nhiều thời gian nói về học thuyết quân sự của Moskva, kể cả trường hợp Moskva buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân. “Vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân”, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ, tấn công cơ sở hạ tầng của Nga hoặc sự tồn tại của Nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hay vũ khí thông thường.

Tổng thống V.Putin dự báo, sớm hay muộn, phương Tây sẽ phải ngồi lại đối thoại bình đẳng với Nga. “Tôi luôn tin vào sức mạnh của lẽ thường. Tôi tin rằng, sớm hay muộn, các trung tâm mới của thế giới đa cực và phương Tây sẽ phải bắt tay vào một cuộc đối thoại bình đẳng về tương lai chung”. 

Tổng thống Nga chỉ ra rằng, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng vũ khí hạt nhân ném xuống Nhật Bản (8/1945) mà không có bất kỳ sự cấp thiết nào về quân sự. “Chúng tôi không cần một cuộc tấn công hạt nhân ở Ukraine. Nó vô nghĩa cả về mặt chính trị và quân sự”. Tuy nhiên, ông V.Putin cảnh báo: “Chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, khi đó vẫn còn nguy cơ sử dụng”. 

Ngày 26/10, tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo cơ quan tình báo của một số nước thuộc Liên Xô cũ, Tổng thống V.Putin  cho biết, Nga nắm được kế hoạch sử dụng “bom bẩn” của Ukraine. Bom bẩn sử dụng thuốc nổ thông thường có tẩm chất phóng xạ, có thể phát tán đám mây bức xạ với bán kính vài km sau khi phát nổ.

Trong tháng qua, Nga, Mỹ và NATO đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn xung quanh dư luận, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine? 

Tổng thống Mỹ J.Biden cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ năm 1962. Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg tuyên bố, bất kỳ hành động nào của Nga nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine đều dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng” cho Moskva. Tổng thống Ukraine V.Zelensky nhận định, cảnh báo sử dụng vũ khí hạt nhân của ông V.Putin “không phải là một lời nói suông, mà có thể trở thành sự thật”.

Trong tuần qua, NATO tổ chức tập trận hạt nhân thường niên tại khu vực Tây Bắc châu Âu (từ 17-30/10), có 14/30 nước tham gia. Mỹ điều pháo đài bay B-52 tham gia diễn tập mang tên Steadfast Noon. 

Đáp lại, Nga tổ chức diễn tập lực lượng hạt nhân chiến lược mang tên Grom-2022 (Sấm sét-2022) kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu của hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. 

Bộ Quốc phòng Nga (26/7) công bố hình ảnh bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars (Con trai của quỷ Satan) trong diễn tập Grom-2022. RS-24 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, là biến thể của dòng tên lửa Topol-M, trọng lượng phóng 49 tấn, có thể mang từ 4-6 đầu đạn hạt nhân 300 kiloton, tầm bắn tối thiểu 2.000 km, tối đa 11.000 km, có đủ sức hủy diệt mọi mục tiêu của đối phương. 

Trước đó, Nga tuyên bố, đưa tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28 Sarmat vào biên chế. RS-28 có sức hủy diệt khủng khiếp, có thể xóa sổ một khu vực bằng diện tích bang Texas (Mỹ) hoặc nước Pháp. 

HÀ NGỌC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ