A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mất kiểm soát lực lượng vũ trang thông thường ở châu âu

QPTĐ- Sau bùng phát từ lò lửa Trung Đông, không khí chính trị ở châu Âu lại nóng rực bởi thông tin về tình hình xung đột Nga-Ukraine, một số quốc gia thành viên NATO đưa chuyên gia đến giúp chính quyền Kiev và gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus tuyên bố, đình chỉ Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).

Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu.

                       Ảnh: Internet

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) bao gồm 32 nước. Thổ có tiềm lực quân sự, quốc phòng lớn thứ 2 trong khối, sau Mỹ. Tại căn cứ quân sự trên đất Thổ, có kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ. Trong khi Belarus là nước láng giềng, đồng minh chiến lược của Nga, đang triển khai lực lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Erdogan (ngày 5/4) ký sắc lệnh chấm dứt thực thi Hiệp ước CFE, có hiệu lực kể từ ngày 8/4. “Thỏa thuận này đã không còn ý nghĩa kể từ khi Nga rút khỏi hiệp ước vào tháng 11/2023”-Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ O.Keceli nói.

Cùng ngày 5/4, Tổng thống Belarus A.Lukashenko tuyên bố, dừng việc tham gia Hiệp ước CFE, sau khi ký dự luật trình Quốc hội đình chỉ hiệp ước này. “Việc đình chỉ tham gia Hiệp ước CFE của Belarus sẽ ảnh hưởng đến cán cân quyền lực và an ninh trên toàn khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, đồng thời gửi tín hiệu đến các nước phương Tây rằng, Minsk có ý định trở thành một chủ thể quân sự tích cực trong khu vực”-Chuyên gia quân sự Belarus Alexander nhận định.

CFE là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng của châu Âu, được 16 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 6 thành viên Tổ chức Hiệp ước Warsaw, đứng đầu là Liên Xô, ký kết năm 1990 nhằm giảm căng thẳng giữa hai khối quân sự, mục đích là ngăn chặn những xung đột mới xuất hiện ở khu vực sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Mục tiêu chính của hiệp ước này là giới hạn số lượng xe tăng, xe chiến đấu, máy bay, pháo binh mà mỗi bên có thể triển khai giữa bờ biển Đại Tây Dương và dãy núi Ural.

CFE cũng quy định giới hạn trong việc triển khai các lực lượng vũ trang thông thường trên lục địa châu Âu và thiết lập các cơ chế để kiểm tra. Thỏa thuận này, sau đó đã được sửa đổi, phản ánh sự kiện Liên Xô tan rã cũng như khối NATO mở rộng về phía Đông vào năm 1990-1991. Năm 1999, một thỏa thuận đã được ký kết về việc điều chỉnh CFE, đặt ra giới hạn cho các nước và vùng lãnh thổ nhất định, chứ không phải các khối.

Do có những biến động chính trị châu Âu và thay đổi hệ thống tư tưởng chính trị ở mỗi nước, nhiều thành viên NATO từ chối phê chuẩn phiên bản điều chỉnh của CFE, dẫn đến việc Nga đình chỉ hiệp ước này vào năm 2007. Tháng 11/2023, Nga rút hoàn toàn khỏi Hiệp ước CFE với lý do, Quốc hội nhiều nước phương Tây không phê chuẩn hiệp định. Tiếp đến năm 2014, diễn ra sự kiện Crimea và xung đột Nga-Ukraine năm 2022, các quốc gia phương Tây gia tăng áp lệnh cấm vận nhằm vào Nga, thực hiện chính sách thù địch với Moskva, hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Moskva cho rằng, Mỹ đã và đang triển khai hệ thống phòng không ở châu Âu, bệ phóng mang cả chức năng phòng thủ và tấn công, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của hiệp định. Năm 2020, Mỹ tuyên bố đình chỉ Hiệp ước CFE. Thật ra, CFE không phải là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng duy nhất bị đình chỉ do bất đồng ngày càng gia tăng giữa Nga và Mỹ.

Năm 2019, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) Nga-Mỹ ký kết năm 1987, cấm các tên lửa trên mặt đất với tầm bắn từ 500-5.500 km. Nga tuyên bố từ bỏ hiệp ước này vào năm 2023, sau khi hai bên cáo buộc nhau vi phạm. Nhà Trắng muốn kéo Trung Quốc cùng Nga và Mỹ tham gia ký kết một hiệp ước mới về vũ khí hạt nhân.

Bắc Kinh kiên quyết từ chối với lý do, Trung Quốc sở hữu quá ít số đầu đạn hạt nhân so với Nga và Mỹ. Bắc Kinh tuyên bố chương trình hiện đại hóa quân đội PLA đến năm 2035, tăng cường lực lượng không quân, hải quân; thúc đẩy công nghệ mới, phát triển tên lửa hành trình tốc độ cao và trí tuệ nhân tạo.

Tiếp đó, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST, tháng 5/2020) bao gồm 35 quốc gia thành viên trong đó có Nga, Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu ký năm 1992, cho phép các bên thực hiện chuyến bay trinh sát không vũ trang, giám sát trên lãnh thổ của nhau, nhằm công khai, minh bạch về thông tin quân sự. Nửa năm sau (11/2020), Nga cũng rút khỏi hiệp ước này.

Trước đó, Mỹ và các đồng minh NATO trì hoãn việc thực thi các nghĩa vụ theo Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1996 và được 187 nước ký kết nhưng chưa có hiệu lực bởi 8 trong số 44 quốc gia có vũ khí hạt nhân hoặc có tiềm năng chế tạo vũ khí hạt nhân chưa phê chuẩn. CTBT là hiệp ước đa phương cấm tất cả các vụ thử hạt nhân, dù là vì mục đích hòa bình hay dân sự.

Hiện, Nga và Mỹ còn ràng buộc bởi Hiệp ước Kiểm soát vũ khí hạt nhân mới (New START), sau khi Tổng thống J.Biden nhậm chức (1/2021) đã kịp gia hạn thêm 5 năm, hết thời hạn năm 2026. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn hiệu lực giữa hai cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ.

New START giữa Nga và Mỹ  được Tổng thống Nga D.Medvedev và Tổng thống Mỹ B.Obama ký kết năm 2010, có hiệu lực từ tháng 2/2011, quy định hai bên giảm một nửa số bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược và giới hạn số đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai xuống còn 1.550. Theo giới chuyên gia, Nga và Mỹ đang sở hữu 90% số vũ khí hạt nhân toàn cầu và chỉ cần khởi động một phần nhỏ số vũ khí đó cũng đủ hủy diệt trái đất!

Hiện, châu Âu lâm vào nguy cơ “rơi tự do”, mất kiểm soát các lực lượng vũ trang thông thường khi những quốc gia cuối cùng tuyên bố từ bỏ Hiệp ước CFE, sau khi Mỹ và các thành viên NATO hủy bỏ hiệp ước này kể từ ngày 7/12/2023. NATO kỳ vọng, tạm hoãn thực thi nghĩa vụ với CFE sẽ giúp họ tăng cường năng lực răn đe và khả năng phòng thủ của liên minh.

NHẬT MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ