A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình yêu Người lính biển

 

“Có những mùa Xuân con nhỏ còn thơ

 Anh ra đi rụt rè nhìn lại 
Đứa trẻ lớn lên gom từng thương nhớ 
Gửi cánh buồm lạc mất chẳng ai hay…”

 

 

Vợ chồng Trung tá Lê Xuân Nam.


Tết Canh Tý đang đến rất gần. Trong khi mọi người tất bật chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm bên gia đình, người thân thì rất nhiều người vợ có chồng là bộ đội đang công tác ở Trường Sa vẫn lặng lẽ một mình gánh vác công việc của gia đình để chồng yên tâm canh giữ vùng biển, vùng trời bình yên của Tổ quốc. 

 

 

Hậu phương Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh.

 

Trong những chuyến công tác Trường Sa, tôi có dịp gặp gỡ, quen biết cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và Nhà giàn DK1. Qua tâm sự, thăm hỏi, nghe các anh chia sẻ về cuộc sống ở Trường Sa cũng như chuyện tình cảm khi phải “yêu xa” mỗi khi Tết đến, Xuân về. Mùa Xuân này, Trung tá Lê Xuân Nam, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/16, người có gần 30 năm tuổi quân sẽ ở lại trực Tết. Anh Nam quê gốc ở Hoằng Thái, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, sau 3 năm học ở Trường sĩ quan Lục quân 2, anh được điều về Tiểu đoàn DK1.

 

Cuối năm 1994, anh bắt đầu làm nhiệm vụ tại Nhà giàn. Từ đó đến nay, anh đã đón hơn 20 cái Tết giữa ngàn khơi. Anh chia sẻ: “Tết năm nào tôi cũng nửa mong về đón Xuân cũng gia đình nửa lại muốn ở lại cùng anh em vì tôi coi Nhà giàn cũng như nhà mình, anh em, đồng đội như ruột thịt. Hiểu được khó khăn, vất vả cũng như tâm tư tình cảm của lính trẻ nên tôi thường xuyên nêu gương, tích cực động viên, khích lệ để mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ”.


Theo Trung tá Lê Xuân Nam, để ngày Tết đủ đầy, các anh phải chuẩn bị lương thực thực phẩm, rau xanh trước khoảng 1 tháng. Lợn anh em nuôi được mấy con nên đủ thịt lợn ăn Tết và làm bánh chưng, làm giò, còn gạo nếp và lá dong sẽ được cung cấp từ tàu ra thay quân và tàu cấp hàng Tết. Bộ đội trên Nhà giàn năm nào cũng đón Tết đủ hương vị như ở đất liền. Trong đêm Giao thừa, bộ đội đọc thơ, bình báo tường, hái hoa dân chủ, thi hát… Đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tất cả cán bộ, chiến sĩ tập trung tại Phòng Hồ Chí Minh để cùng nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua sóng truyền hình. Những ngày Tết, mọi người gọi điện về nhà nói chuyện với vợ con, chúc Tết người thân. 


Nhắc đến gia đình nhỏ của mình, anh Nam cho biết: “Vợ tôi là Lương Thị Thu, hiện đang là giáo viên Anh Văn ở Trường Trung học cơ sở Phước Thắng, phường 11, thành phố Vũng Tàu. Tôi được hai cháu, cháu lớn Lê Ngọc Hà đang học đại học năm thứ 4 ở trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Cháu thứ 2 là Lê Nam Anh  đang học lớp 9, cùng trường với mẹ. Các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, vâng lời mẹ. Tôi quen nhà tôi trong đợt nghỉ phép, gặp tại nhà một người bạn. Từ ngày lấy nhau, tôi không có nhiều thời gian cho vợ và con. Nhưng tôi rất tin tưởng hậu phương của mình. Cô ấy luôn biết cảm thông, chia sẻ, chấp nhận thiệt thòi để nuôi dạy con cái lớn khôn. Ở ngoài này, tôi thường xuyên gọi điện về động viên vợ và các con”.


Có thể thấy, trái tim của nhà giáo và người chiến sĩ luôn đồng cảm, luôn đặt tình yêu Tổ quốc là thiêng liêng cao quý nhất. Một trường hợp khác chúng tôi muốn nhắc đến đó là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Khánh, Phân đội trưởng Phân đội Bộ binh xe tăng đảo Trường Sa. Vợ anh là chị Lê Thị Kim Oanh, giáo viên Trường Tiểu học Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Chị là giáo viên dạy nhạc nên hát rất hay. Anh chị quen nhau trong một buổi giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân tại đơn vị. Ngay từ giây phút đầu tiên, cả hai đã để lại nhiều ấn tượng cho nhau.  Sau buổi tối hôm đó, hai người thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Tình cảm cứ thế phát triển dần lên, anh chị tìm hiểu rồi yêu nhau và nên duyên vợ chồng vào năm 2010. Lấy nhau hai năm, sinh được một cháu trai, đơn vị cử anh đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. 


Gác lại hạnh phúc riêng tư, anh Khánh tạm xa gia đình lên đường làm nhiệm vụ. Đây cũng là khoảng thời gian, chị Oanh mới thấu hiểu hết những khó khăn khi ở một mình. Trao đổi qua điện thoại, chị thổ lộ cùng tôi, đó không chỉ là sự cô đơn, trống vắng, thiếu thốn về tình cảm vợ chồng mà gia đình bên nội, bên ngoại của chị cũng ở xa nên bất cứ việc gì chị cũng phải tự lập, xoay xở, để đối nội, đối ngoại và các mối quan hệ ngoài xã hội. Dù vất vả khó khăn thế nào mình cũng luôn tự động viên phải cố gắng, mà không cho phép mình gục ngã. Mình phải là hậu phương vững chắc để cho anh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả bảo vệ Tổ quốc. 


Được biết, anh Khánh quê ở xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Còn chị Oanh quê ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Anh chị lấy nhau xong phải đi thuê nhà để ở một thời gian dài. Tính đến Tết này, anh Khánh đã có gần 5 năm công tác ngoài đảo, trong đó 4 năm đón Tết ở Trường Sa. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, chị Oanh có may mắn được hai lần cùng đoàn thân nhân đi thăm cán bộ, chiến sĩ đóng quân tại quần đảo Trường Sa vào các năm 2015, 2019.

 

Chị chia sẻ: Ngay từ ngày nhỏ, Anh Bộ đội Cụ Hồ luôn là hình ảnh đẹp, là thần tượng đối với thiếu niên, nhi đồng nói chung và đối với cá nhân chị nói riêng. Tình cảm chị dành cho bộ đội là sự trân quý, kính trọng, những bài hát ca ngợi người lính luôn được chị yêu thích cho tới tận bây giờ. Bản thân chị sinh ra trong gia đình truyền thống có ông nội, ba cũng đều là bộ đội nên chị vẫn ước mơ sau này lớn lên lấy chồng là bộ đội. Hai lần đến Trường Sa, lần nào chị cũng thấy xúc động. Kỷ niệm chị nhớ nhất là đêm giao lưu văn nghệ, được đứng hát dưới cột mốc chủ quyền, có sự cổ vũ nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ. 


Khi về đất liền, chị càng dành tình yêu cho biển đảo quê hương nhiều hơn. Tình yêu đó được chị truyền lại cho học trò trong những giờ lên lớp, bằng những câu chuyện về Trường Sa, về chủ quyền biển đảo của đất nước, để tiếp thêm tình yêu biển, đảo cho các em học sinh. Đặc biệt, những bài hát chị thể hiện về Trường Sa cũng giàu cảm xúc hơn. Hiện nay, cuộc sống của chị tương đối ổn định. Anh chị tích cóp đủ tiền mua được một mảnh đất và xây được một ngôi nhà nhỏ. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như nhà trường luôn tạo điều kiện cho những gia đình có chồng công tác ở Trường Sa. Bản thân chị luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2019 chị được Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp huyện.


Có thể thấy, chính sự nỗ lực, cố gắng của những người ở hậu phương đã giúp cho các anh yên tâm công tác. Nơi hậu phương của các anh, không chỉ có gia đình mà còn có biết bao người dân đất Việt luôn hướng về Trường Sa, mong các anh chắc tay súng để bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi xin được mượn lời hát trong bài “Mùa Xuân lính biển” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp để thay cho lời kết của bài: “Có những mùa xuân ta chẳng gần nhau/ Em và anh nối đôi bờ biển rộng/ Chỉ có niềm tin cho tình yêu nương náu/ Em giữ bờ anh giữ biển mênh mông”.

 

Hồng Thư

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội