A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh nghiệm trong huấn luyện và quản lý tư tưởng bộ đội 

Bài 1: Vai trò trung tâm của cán bộ phân đội

QPTĐ-Công tác huấn luyện và quản lý bộ đội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là hai thành tố cấu thành một mặt công tác, là tiền đề và hệ quả hỗ trợ cho nhau phát triển. Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, có nhiều sáng tạo, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301.

Năng “hội chẩn để bắt đúng bệnh” 

Lý giải về các hiện tượng vi phạm kỷ luật của bộ đội, khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị của Bộ Tư lệnh đều thống nhất cho rằng, việc tổ chức duy trì chế độ nền nếp trong huấn luyện, chế độ ngày, tuần còn lỏng lẻo, nhất là ngày nghỉ, giờ nghỉ; việc tổ chức các phong trào thi đua chưa tốt, đây là kẽ hở để bộ đội vi phạm kỷ luật. Nguyên nhân có nhiều song nguyên nhân cơ bản, chủ yếu vẫn là vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp trung đội, đại đội quản lý duy trì chưa chặt chẽ, chưa gương mẫu, không tích cực bám nắm bộ đội. Một trong những khó khăn trong công tác huấn luyện và quản lý bộ đội mà cán bộ thường gặp, theo như Trung úy Nguyễn Thanh Quyết, Trung đội trưởng Trung đội 6, Đại đội 10, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 cho biết: “Trong huấn luyện, những nội dung bộ đội khó tiếp thu nhất như, tính năng, tác dụng của một số loại vũ khí, trang bị và kỹ thuật chiến đấu bộ binh, nhưng chúng tôi có nhiều phương pháp giúp bộ đội hiểu nhanh, dễ nhớ. Nhưng trong quản lý bộ đội, khó khăn nhất vẫn là nắm, quản lý tư tưởng bộ đội”. 

Tìm hiểu thực tiễn tại các đơn vị, chúng tôi thấy có hai nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong huấn luyện và quản lý bộ đội. Một là, nếu cán bộ không thường xuyên bám nắm bộ đội, sẽ sinh ra chủ quan trong duy trì, quản lý, giáo dục bộ đội. Hai là, với đội ngũ sĩ quan trẻ mới ra trường, vẫn còn những hạn chế nhất định, như thiếu tính cụ thể, tỉ mỉ; thiếu kinh nghiệm bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, nắm tư tưởng bộ đội, nên khi gặp tình huống khó khăn, phức tạp là bế tắc và không xử lý được. Thượng úy Lê Văn Thọ, Đại đội trưởng, Đại đội 2, Tiểu đoàn Công binh 544 cho biết: “Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nên khó khăn nhất trong huấn luyện quản lý bộ đội hiện nay là nắm được diễn biến tư tưởng bộ đội theo chiều hướng phức tạp, nếu cán bộ trung đội trưởng mới ra trường của đơn vị không kiên trì trong giáo dục thuyết phục bộ đội, thì không nắm bắt kịp thời tư tưởng sẽ bị động dẫn đến hậu quả khó lường”. Cùng chung quan điểm trên, Thượng tá Phạm Minh Tuấn, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn 2, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh cho biết: “Học viên của đơn vị ở trường rất ngoan, nhưng mỗi khi được đi phép hoặc nghỉ hè, nghỉ lễ, tết theo quy định, khi trở lại đơn vị là có thái độ, tư tưởng rất khác. Do tác động của mặt trái cuộc sống, nếu cán bộ các cấp không sâu sát, không thực hiện “4 cùng” với bộ đội để kịp thời nắm bắt tư tưởng sẽ vi phạm kỷ luật ngay”.  

Qua khảo sát ý kiến 480 cán bộ tại 18 đầu mối đơn vị của Bộ Tư lệnh cho thấy, nguyên nhân dẫn đến hạn chế về chất lượng của đội ngũ cán bộ huấn luyện hiện nay, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường chiếm tỷ lệ 46%; yếu về tính bao quát, sâu sát, cụ thể, tỷ mỉ là 44%, cá nhân chưa tự giác học tập, rèn luyện, bồi dưỡng là 69%. Điều này lý giải tại sao nhiều đơn vị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu rất tốt, song đơn vị không đạt VMTD do có nhiều vụ việc như ý thức chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ không nghiêm.

Nêu gương là “liều thuốc đặc trị” 

Bám sát đời sống bộ đội để huấn luyện và quản lý tư tưởng là kinh nghiệm được Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thắng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 rất tâm đắc: “Bám bộ đội không có nghĩa là đi theo chiến sĩ suốt cả ngày lẫn đêm, mà quan trọng là kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường trong sinh hoạt của từng cán bộ, chiến sĩ để có biện pháp xử lý. Cán bộ cấp trung đội, đại đội sâu sát, gần gũi bộ đội, việc gì cũng xắn tay làm cùng bộ đội thì tự nhiên huấn luyện và quản lý bộ đội sẽ hiệu quả ngay. Ngược lại, nếu cán bộ cấp trung đội, đại đội cố tình đưa mình vào cấp trung gian, đi giày đen bóng loáng, điện thoại lướt web, chỉ tay 5 ngón cho bộ đội làm việc thì chất lượng sẽ thấp và bị động về tư tưởng”. 

Cán bộ Tiểu đoàn Thiết giáp 47 cho chiến sĩ mượn điện thoại gọi về gia đình trong ngày nghỉ.

“Một tấm gương sáng còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, điều đó rất đúng với đội ngũ cán bộ Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, lời nói đi đôi với việc làm, sự giáo dục, thuyết phục hiệu quả tăng lên khi cán bộ luôn mẫu mực trong mọi hoạt động. Theo Đại úy Trần Trọng Vương, Đại đội trưởng, Đại đội 3, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 chia sẻ: “Để bộ đội chấp hành tốt kỷ luật, thì đội ngũ cán bộ phải nêu gương. Ví dụ, để bộ đội không uống rượu, hút thuốc thì cán bộ phải thực hiện trước. Để bộ đội chấp hành nghiêm các chế độ trong ngày, tuần thì cán bộ cũng không được dậy muộn, đến muộn và về sớm. Vì thế, đội ngũ cán bộ chúng tôi không chỉ gương mẫu, trách nhiệm trong quản lý, chỉ huy, giáo dục bộ đội, mà còn phải luôn mẫu mực, tiên phong trong chấp hành các chế độ, lễ tiết tác phong, xưng hô chào hỏi đúng điều lệnh quy định. Đó chính là “mệnh lệnh” để chiến sĩ học tập và làm theo”. Thực tế tìm hiểu ở Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, chúng tôi được biết, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị không có vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, vi phạm thông thường giảm dưới 0,2%, không vi phạm an toàn giao thông. Đây chính là sự phản ánh chính xác về sự gương mẫu, sâu sát của cán bộ trong huấn luyện và quản lý bộ đội. 

Nói về kinh nghiệm trong huấn luyện và quản lý bộ đội của đơn vị, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính ủy Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 cho rằng: “Nhân tố con người là quan trọng nhất, vì đây không chỉ là kinh nghiệm thực tế, mà còn đúng với lý luận về công tác huấn luyện và quản lý bộ đội. Nên trong huấn luyện, ngoài việc lựa chọn những cán bộ có kinh nghiệm, phương pháp tốt để tham gia huấn luyện, nhất là huấn luyện chiến sĩ mới, đơn vị còn làm tốt việc trang bị kỹ năng giải quyết tình huống nhạy cảm, phức tạp về tư tưởng bộ đội cho đội ngũ cán bộ cấp đại đội, trung đội; trong đó, tập trung giáo dục bồi dưỡng về tác phong, chuẩn mực của người quân nhân cách mạng, gương mẫu, đặc biệt chú trọng hai chữ “trực tiếp” với bộ đội. Vì nếu cấp trung đội mà quan liêu hoặc che giấu khuyết điểm, thì cấp trên sẽ bị “lạc hướng” ngay từ khâu đầu trong quản lý bộ đội, sẽ không hiệu quả”.

NGUYỄN VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ