“Yêu ghét - giặc nội xâm” trong công tác cán bộ
QPTĐ-Nói về công tác cán bộ, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc” bởi công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, phải biết cách lựa chọn, sử dụng và không ngừng bồi dưỡng cán bộ để cái vốn quý đó ngày càng to lớn lên theo yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng. Tuy nhiên, do tư tưởng nhất thân, nhì quen, yêu ghét thiếu khách quan, cảm tính của một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và cả tổ chức đảng, nên dẫn đến việc điều động, đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ sai quy trình, nguyên tắc, gây bất bình, tạo dư luận xấu trong xã hội, làm phai nhạt niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đây chính là mầm mống sinh ra “giặc nội xâm”, cần phải nhận diện, đấu tranh loại bỏ.
Tiêu cực từ tấm bình phong đúng “quy trình”
Chúng ta không khó để nhận ra các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, như: Chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm người thân, người nhà... được núp bóng dưới danh nghĩa đúng “quy trình”, lí do là có đủ tiêu chí về năng lực, phẩm chất đạo đức, bằng cấp học vị để bổ nhiệm. Vậy nên, không ít người đứng đầu đã bất chấp nguyên tắc, quy định để lạm quyền thực hiện công tác cán bộ theo ý của riêng mình. Điển hình chỉ trong 6 tháng, ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai của ông Nguyễn Nhân Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đã kinh qua 3 vị trí lãnh đạo tại Bắc Ninh khiến cho dư luận xôn xao, Ban Tổ chức Trung ương phải có văn bản yêu cầu cấp có thẩm quyền tỉnh Bắc Ninh bám sát các quy định, phân tích đánh giá kỹ lưỡng, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong bố trí cán bộ. Đấy là chưa kể lợi dụng quyền hạn của mình trước khi về hưu, một số cán bộ lãnh đạo đã bổ nhiệm hàng loạt người thân quen vào các vị trí cao hơn.
Thực tế cho thấy, vẫn còn có tổ chức Đảng, chính quyền sắp xếp, bố trí lãnh đạo, quản lý không dựa vào năng lực, sở trường mà chỉ dựa vào các mối quan hệ thân quen, gia đình, bè phái, cục bộ mà dân gian thường ví von “tiền tệ, hậu duệ, quan hệ…”. Đặc biệt, một số nơi lợi dụng chủ trương trẻ hóa cán bộ để bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý quá “non” kinh nghiệm, yếu cả về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như uy tín, khả năng quản lý, điều hành. Nhiều cán bộ mới ra trường, làm việc ở cơ quan, đơn vị chỉ vài năm, vì mối quan hệ nào đó mà được bố trí giữ các chức vụ cao. Vậy nhưng khi được hỏi về những điều bất hợp lý trong công tác cán bộ, không ít lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đơn vị đó đều có câu trả lời là “đúng quy trình”. Chính từ tấm bình phong “quy trình” này, mà nhiều người tài, người tốt không có cơ hội được sử dụng, đề bạt tương xứng với trình độ, năng lực, cống hiến của họ. Người có tài, có đức muốn phấn đấu, cống hiến thì cũng không còn chỗ, bị các phần tử cơ hội chèn ép, chen ngang, cô lập. Nguy hại hơn, tình trạng này sẽ làm méo mó mối quan hệ trong nội bộ các tổ chức và tác động tiêu cực đến việc xây dựng chính quyền liêm chính. Hậu quả là phát triển nạn chạy chức, chạy quyền, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “nhất thân, nhì quen, yêu ghét”; không sử dụng người có đức, có tài; làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Công tác đánh giá, nhận xét, bổ nhiệm cán bộ được ví như cho người ta mặc áo, nếu như mặc một chiếc áo quá chật, sẽ dẫn đến bức bối, khó chịu và rất dễ rách, ngược lại nếu mặc chiếc áo quá rộng, thì dù vải có tốt, màu có đẹp đến đâu thì cũng rúm ró, khó nhìn. Công tác cán bộ cũng vậy, khi đánh giá, nhận xét, bổ nhiệm phải thấu đáo, khách quan, không phải cứ “thấy đỏ là chín”, nếu bổ nhiệm cán bộ vào vị trí vượt trình độ, khả năng thì cũng giống như người mặc chiếc áo quá rộng, không biết mặc thế nào cho đẹp, cho vừa, nhìn chỗ nào cũng rúm ró, do năng lực hiểu biết về chính sách, chế độ thiếu đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc đánh giá không đúng thực tiễn, thiếu biện pháp xử lý kịp thời, khiến cho nhân dân mất niềm tin, đồng thời tạo sơ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng kích động, chống phá. Đây chính là biểu hiện suy thoái tiêu cực mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ: “Cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện, còn nhiều sơ hở; đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng”.
Chăm lo vun trồng mới nảy mầm “hạt giống đỏ”
Muốn xây dựng Đảng, trước hết phải từ công tác cán bộ, nên lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, Người coi đó là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền Nhà nước. Bác cho rằng: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”. Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”.
Do đó, để xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương, cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Đây là yêu cầu quan trọng để thực hiện Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ, bảo đảm công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, khách quan, công tâm, lựa chọn đúng người có đủ phẩm chất, năng lực theo tiêu chuẩn quy định. Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, thể hiện sự kết hợp đúng đắn chế độ tập thể lãnh đạo với phát huy trách nhiệm cá nhân, thực hiện dân chủ với tập trung; phải cụ thể hóa mạnh mẽ nguyên tắc tập trung dân chủ thành quy chế, quy định nhằm bảo đảm thực hiện chặt chẽ quy trình của công tác cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy cao độ, thực chất dân chủ, đoàn kết trong Đảng. Cùng với đó, là đổi mới phương pháp đánh giá, nhận xét cán bộ, bởi vì, đánh giá, nhận xét cán bộ là khâu tiền đề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để làm tốt và nâng cao chất lượng các khâu khác trong công tác cán bộ. Vậy nên, đòi hỏi phải công tâm, khách quan, đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể; phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo chính. Việc đánh giá cán bộ phải toàn diện cả đức và tài, chú trọng phẩm chất chính trị và năng lực công tác chuyên môn, khắc phục tình trạng đánh giá chung chung, cảm tính, chủ quan, coi bằng cấp, học vị cao hơn phẩm chất, năng lực.
Vì vậy, muốn xác định cụ thể, chính xác người làm tốt với người làm chưa tốt, thì cấp ủy, người đứng đầu khi thực hiện việc đánh giá phải đề cao tinh thần trách nhiệm, không câu nệ, không nể nang, trù úm. Bởi lẽ, chỉ người đứng đầu là người giao việc, phân công nhiệm vụ và kiểm tra, đánh giá được tiến độ, chất lượng, tinh thần, thái độ phục vụ của từng người thuộc thẩm quyền sử dụng. Mọi người trong cùng cơ quan sẽ tham gia đóng góp về tinh thần trách nhiệm, thái độ, sự hợp tác trong thực hiện nhiệm vụ, tinh thần xây dựng đơn vị để cấp ủy, người đứng đầu tham khảo trong quá trình đánh giá, phân loại và bản thân người được đóng góp tiếp thu, điều chỉnh. Cho nên, phải thực hiện triệt để các giải pháp phòng, chống căn bệnh quan liêu, hình thức trong đánh giá, nhận xét, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Có như vậy mới phát hiện, chăm lo bồi dưỡng được người có tài, có đức để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
NGUYỄN HỮU NAM