A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xóa bỏ “chủ nghĩa cá nhân” trong môi trường Quân đội theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

QPTĐ-Nói về tác hại của “chủ nghĩa cá nhân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân đối với Đảng. “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định là hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đối với Quân đội ta cũng vậy, nếu như quân nhân mà sa vào “chủ nghĩa cá nhân”, sẽ khiến cho chúng ta ngại gian khổ, khó khăn, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Do đó, cần phải thường xuyên nhận diện, để đấu tranh loại bỏ là yêu cầu tất yếu, khách quan để tăng cường sức mạnh cho quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là liều huốc đặc trị chống chủ nghĩa cá nhân.

Biểu hiện và những tác hại của “chủ nghĩa cá nhân”

Về bản chất sâu xa của “chủ nghĩa cá nhân” Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đó là sản phẩm của xã hội người bóc lột người, dựa trên chế độ tư hữu; là sự đối lập giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, đặt quyền lợi của cá nhân lên trên quyền lợi tập thể. Vì vậy, trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của mình, Bác đã chỉ ra các loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa là: Bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều); bệnh cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Cụ thể là: Bệnh nể nang, đó là đồng chí mình mắc khuyết điểm, lẽ ra phải kỷ luật với một hình thức tương xứng, nhưng vì cảm tình nên chỉ phê bình qua loa cho xong chuyện. Thậm chí có nơi còn che đậy cho nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể: “Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”. Bệnh kéo bè, kéo cánh, cục bộ, bản vị: Đối với “căn bệnh” này, Bác đã dùng từ “cánh hẩu” trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền. Bè cánh được lôi kéo từ những người có họ hàng, là bà con, cháu, chắt, thân tín, thậm chí mở rộng ra là người cùng xóm, cùng quê; rồi “chén chú chén anh”, tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người dù có tốt, có tài, nhưng không “hẩu” xuống để “tiêu diệt”, để cát cứ, thao túng; “Ai hợp với mình  thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”. Bệnh cá nhân, đây là loại bệnh mà người mắc bệnh có khi được đánh giá là có “đức”, “hiền lành”, luôn luôn biết “đoàn kết”,… những người này thông thường trong cuộc họp, hội nghị, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, được lòng hết cả mọi người. Nếu có nói thì “khiêm tốn” nói bên ngoài, nói ở quán nước hoặc nơi nhậu nhẹt, chơi bời, thậm chí chờ bên nào có xu hướng “thắng” thì giơ tay ủng hộ. Rồi luồn cúi, đi “cửa sau”, thưa bẩm, vâng, dạ, xun xoe, nịn bợ. Những người này khi đã đạt mục đích “leo lên” rồi bắt đầu nịnh trên, nạt dưới, kéo bè, kéo cánh. Bệnh hữu danh vô thực: “Làm việc không thiết thực, không tự chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch”. Bệnh tham lam: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”. Bệnh lười biếng: Thực chất của bệnh lười biếng là đối lập với đức “cần”. Lười biếng biểu hiện ở sự thỏa mãn với sự học, kiến thức vốn có của mình, “Làm biếng học hỏi, làm biếng suy nghĩ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách để trốn tránh”. Bệnh tham ô: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô… Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Nó có hại đến công việc cải thiện đời sống nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng.

Như vậy, tác hại của “chủ nghĩa cá nhân” là tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh; không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ; vì thiếu đạo đức cách mạng, nên phạm phải nhiều sai lầm, làm mất nhân cách con người, uy tín của cán bộ, đảng viên; chủ nghĩa cá nhân là một trong ba nguy cơ đối với Đảng cầm quyền hiện nay.

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là liều thuốc đặc trị

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng. Về cơ bản đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, một bộ phận đảng viên nói chung, trong Quân đội nói riêng vì lợi ích cá nhân, có những biểu hiện phai nhạt bản chất cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sa sút ý chí phấn đấu, ngại khó, ngại khổ, đùn đẩy trách nhiệm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội… ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội. Vì vậy, để làm theo lời Bác dạy, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28/12/2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội ta cần đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, trong đó, tập trung thực hiện tốt việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý chí đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Quân đội cần thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về rèn luyện đạo đức cách mạng, quyét sạch “chủ nghĩa cá nhân”; nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về bản chất, biểu hiện và tác hại của “chủ nghĩa cá nhân”; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, ý thức, thái độ của cán bộ, đảng viên, hạ sĩ quan, binh sĩ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ, chức trách được giao. Đồng thời cùng với đó, là nâng cao chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng. Cần thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng; nâng cao chất lượng các hình thức sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt tự phê bình và phê bình, sinh hoạt học tập ở cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng các cấp. Tiếp tục quán triệt, thực hiện chặt chẽ Hướng dẫn số 12 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Kết luận số 38 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đặc biệt là Nghị quyết số 21 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt và thực hiện tốt Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong công tác kiểm tra, giám sát.

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, cần phát huy tính tích cực, tự giác, nêu gương trong tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thiết nghĩ mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội cần phải nhận thức sâu sắc, bản thân phải luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên, học dưới, hỏi trên, nâng cao trình độ lý luận, phương pháp tác phong công tác sâu sát, khoa học; thường xuyên thực hiện nghiêm túc chế độ phê bình và tự phê bình, như “rửa mặt hàng ngày” mà Bác đã căn dặn, để từ đó phát huy ưu điểm, thế mạnh, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; đồng thời, phải quyết tâm thực hiện cho bằng được phương châm “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tá CN, Đinh Thị Ngọc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ