A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sâu sát, nắm bắt, chủ động định hướng tư tưởng bộ đội

Bài 3: Chủ động quản lý, phòng ngừa kỷ luật từ xa 

QPTĐ-Cán bộ các cấp bám sát đời sống bộ đội, nắm chắc sở trường, khả năng của từng chiến sĩ, chủ động phân loại đối tượng để có phương pháp giáo dục, quản lý, rèn luyện, ngăn ngừa vi phạm kỷ luật từ sớm, từ xa. Đây chính là kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trong rèn luyện, quản lý bộ đội.

Đọc báo trong giờ nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 544. 

Theo Thiếu tá Đỗ Văn Hiếu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103: “Thời gian qua, đơn vị đạt được kết quả cao trong công tác tư tưởng chính là nhờ Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn đã bám sát quan điểm chỉ đạo của trên, thực hiện tốt các bước trong công tác tư tưởng. Cụ thể là quan tâm, chăm lo đến đời sống tâm lý của bộ đội. Đây chính là biện pháp quan trọng để tiến hành công tác tư tưởng của đơn vị”. Cũng theo Thiếu tá Đỗ Văn Hiếu thì đời sống tâm lý của bộ đội hết sức phong phú, các hiện tượng tâm lý như đang vui bỗng nhiên đột ngột trầm lắng, hay kết quả thực hiện nhiệm vụ tốt bỗng nhiên thấp, chất lượng kém… là biểu hiện của tâm lý ảnh hưởng lớn đến tư tưởng bộ đội. Quan tâm đến diễn biến tâm lý, dù là biểu hiện nhỏ nhất cũng sẽ nắm được tư tưởng của bộ đội. Qua trao đổi trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ ở các Tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chúng tôi thấy có nhiều ý kiến thống nhất cho rằng: Nếu cán bộ không hiểu tâm lý bộ đội thì khó mà nắm bắt và dự báo được tư tưởng bộ đội, như vậy, cán bộ đơn vị sẽ luôn trong thế bị động.

Ví dụ, trường hợp của Trung sĩ Phí Trọng Hiếu, chiến sĩ Báo vụ, Đại đội thông tin 2, Tiểu đoàn Thông tin 610, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hiếu nhận thức khá đầy đủ về chức trách nhiệm vụ của mình, sống vui vẻ, hòa nhập và luôn gương mẫu chấp hành nghiêm nền nếp, chế độ của đơn vị, được cấp trên và đồng đội tín nhiệm. Nhưng đến khi nhận được tin con bị ốm, bỗng nhiên Hiếu trầm lắng, ít nói chuyện. Quan sát thấy biểu hiện tâm lý khác thường của Hiếu, Thượng úy Tạ Văn Trường, Chính trị viên Đại đội Thông tin 2 đã tích cực nắm bắt diễn biến tâm lý của Hiếu. Cùng với đó, anh thường xuyên gần gũi, chia sẻ với Hiếu, nhất là những lúc Hiếu thực hiện nhiệm vụ độc lập một mình. Và trong một lần kiểm tra gác đêm vào ca gác của Hiếu, sau một hồi hỏi han tâm sự, Thượng úy Tạ Văn Trường biết được Hiếu đang có ý định bỏ đơn vị về nhà thăm con bị ốm. Như vậy, nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng đến tư tưởng của Hiếu xuất phát từ yếu tố tâm lý, như: Nhu cầu được về nhà chăm sóc con ốm, cũng như muốn thể hiện vai trò trách nhiệm của người cha, người chồng đối với vợ con mình… Trường hợp này nếu chỉ giáo dục, định hướng đơn thuần thì hiệu quả không cao. 

Đại úy Vũ Huy Hùng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Thông tin 610 cho biết thêm: “Để giải quyết tư tưởng của Hiếu, đơn vị rất chú trọng đến tâm lý đối tượng, đơn vị đã tạo điều kiện cho Hiếu liên lạc thường xuyên với gia đình để nắm tình hình sức khỏe của con, rồi chỉ huy cũng gọi điện hỏi thăm, phối hợp cùng gia đình động viên Hiếu yên tâm công tác. Chúng tôi dành nhiều thời gian để gặp gỡ trực tiếp, tâm sự, chia sẻ động viên Hiếu. Từ đó, Hiếu đã hiểu ra và yên tâm công tác, khi tư tưởng ổn định trở lại Hiếu cũng công nhận rằng, chính tình cảm, sự quan tâm của cán bộ đã giúp được bản thân giải tỏa được tâm lý bi quan, chán nản”. Như vậy, có thể thấy, khi chiến sĩ bỗng dưng buồn chán, tư tưởng nặng nề bí bách, thì không ai khác chính là đồng đội, chỉ huy là những chỗ dựa tinh thần, bàn tay nhân ái để nâng họ đứng vững trước khó khăn.

Tiểu đoàn Trinh sát 20 tổ chức các trò chơi trong ngày nghỉ tạo tâm lý thoải mái cho bộ đội.

Qua tìm hiểu thực tiễn ở các đơn vị cho thấy, các vụ việc vi phạm kỷ luật của bộ đội thường xảy ra vào thời điểm tâm lý bộ đội hụt hẫng, bi quan, chán nản, như: Bố mẹ ốm đau hoặc bị mất, con ốm đau, người yêu bỏ… gây ra tổn thương tâm lý. Biểu hiện khá phổ biến của chiến sĩ bị tổn thương tâm lý là sự lo âu và chán nản kéo dài, ngại tiếp xúc với chỉ huy và với bạn bè, tỏ ra không vừa lòng với mọi thứ; ăn không ngon, ngủ không tròn giấc, rất nhạy cảm với thông tin xung quanh, hay những câu nói của người khác về mình, cáu gắt thất thường. 

Do đó, để chiến sĩ không có cơ hội nảy sinh những biểu hiện, hành động tiêu cực và vi phạm kỷ luật, chúng tôi thấy kinh nghiệm hay mang lại hiệu quả thiết thực ở các Tiểu đoàn trực thuộc là cán bộ đơn vị đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trên cương vị, chức trách được giao, thực sự gần gũi, sâu sát bộ đội; nắm chắc diễn biến tư tưởng bộ đội. Cùng với đó, là quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần bộ đội, thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; đồng thời, thường xuyên tạo môi trường đoàn kết, gắn bó cán-binh, coi chiến sĩ như những người thân trong gia đình, là người đồng chí, người bạn thân thiết. Đó là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa các vụ việc vi phạm kỷ luật ngay từ sớm, từ xa.

NGUYỄN VĂN TUÂN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ