A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sâu sát, nắm bắt, chủ động định hướng tư tưởng bộ đội

Bài 1: Bám sát bộ đội, kịp thời định hướng

QPTĐ-Tư tưởng con người rất khó nắm bắt. Tư tưởng tiêu cực của quân nhân thường tích tụ trong một quá trình, một thời gian nhất định chứ không phải là một hiện tượng đột xuất, ngẫu nhiên. Do vậy, yêu cầu bám sát đời sống bộ đội để nắm bắt, quản lý tư tưởng, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường trong sinh hoạt và học tập của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, có biện pháp xử lý phù hợp là yếu tố then chốt, quyết định đến khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị. 

Cán bộ Đại đội Thông tin 1, Tiểu đoàn Thông tin 610 đăng ký trích ngang thông tin chiến sĩ mới về đơn vị.

Sử dụng nhiều “kênh”, tăng cường dự báo

Đây chính là một trong những biện pháp nắm bắt tư tưởng bộ đội mang lại hiệu quả cao ở các Tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. Đại úy Vũ Huy Hùng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Thông tin 610 tâm sự: “Nắm và giải quyết tình hình tư tưởng bộ đội, chúng tôi sử dụng tổng hợp các biện pháp, các “kênh” thông tin. Trong đó, chú trọng nắm chắc chất lượng chính trị của từng cán bộ, chiến sĩ thông qua hồ sơ quân nhân. Đối với chiến sĩ sau khi huấn luyện tân binh về đơn vị công tác, yêu cầu cán bộ các cấp phải nắm chắc chất lượng, tư tưởng của chiến sĩ qua hồ sơ, qua cán bộ ở đơn vị cũ; quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời đối với những chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt, như: Mồ côi cha hoặc mẹ; chiến sĩ đã có vợ, con; có bố, mẹ ốm đau, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; chiến sĩ trình độ văn hóa, nhận thức còn hạn chế. Từ đó, chúng tôi chỉ đạo cán bộ từ cấp tiểu đội trở lên, rồi Tổ chiến sĩ bảo vệ, Tổ Ba người, Tổ Tư vấn Tâm lý-Pháp luật thường xuyên theo sát bộ đội, chủ động tâm sự, kịp thời phát hiện những diễn biến tư tưởng của chiến sĩ để có hướng giải quyết”. 

Được biết, ngoài việc nắm thông tin qua “kênh” hồ sơ, gia đình, mối quan hệ bạn bè của quân nhân, thì đăng ký sổ trích ngang là một biện pháp rất quan trọng, mỗi cán bộ khung từ cấp Tiểu đội đến Đại đội đều có sổ tay cá nhân để đăng ký, ghi chép lại những đặc điểm riêng của từng chiến sĩ, từ đó, tiện theo dõi, nắm chắc và kịp thời xử lý các biểu hiện tư tưởng nảy sinh. Đại úy Dương Văn Huy, Chính trị viên Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn Trinh sát 20 nêu kinh nghiệm: “Khi tiếp nhận chiến sĩ về đơn vị, cán bộ các cấp từ Tiểu đội đến Đại đội phải nắm được hoàn cảnh gia đình, năng khiếu, sở trường, nguyện vọng, sử dụng nickname trên mạng xã hội zalo, facebook, đặc biệt chú ý đến những chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ đó chúng tôi đối chiếu với hồ sơ quân nhân, các thông tin của gia đình để nắm phân loại tư tưởng, đồng thời, có kế hoạch giúp đỡ chiến sĩ nhanh chóng hòa nhập với môi trường đơn vị”. 

Nhờ sử dụng nhiều “kênh” thông tin mà chỉ huy Tiểu đoàn 610 kịp thời biết được trường hợp Binh nhất Trần Đức Trọng, chiến sĩ Tiểu đội 4, Trung đội 3, Đại đội Thông tin 2, sau khi kết thúc huấn luyện chiến sĩ mới về đơn vị công tác ít nói chuyện, tâm trạng hay lo âu, buồn chán, sống biệt lập. Trong học tập, huấn luyện, sinh hoạt hàng ngày, Trọng thường không tập trung, kết quả thực hiện nhiệm vụ thấp. Thỉnh thoảng vào các giờ thể thao buổi chiều, Trọng không tham gia, chỉ ngồi một mình, khi cán bộ bắt gặp hỏi lí do, trả lời không cụ thể. Chỉ huy Tiểu đoàn đã chỉ đạo cán bộ Đại đội và Trung đội thường xuyên quan tâm đến việc ăn, ngủ, vui chơi, hoạt động cá nhân của Trọng, đồng thời, phân công cán bộ, đảng viên, trực tiếp là đồng chí Trung đội trưởng gặp gỡ, giáo dục riêng, động viên Trọng tích cực tham gia các hoạt động phong trào của đơn vị. Được cán bộ Tiểu đội, Trung đội gần gũi động viên, giúp đỡ hàng ngày, dần dần Trọng đã tự tin, an tâm tư tưởng công tác, tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể, còn là “cây văn nghệ” của đơn vị.

Cán bộ Tiểu đoàn Trinh sát 20 giới thiệu cho chiến sĩ về lịch sử truyền thống  Quân đội và đơn vị.

Gần gũi, sẻ chia với bộ đội

Hiện nay, chiến sĩ ở các Tiểu đoàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đều có hai đối tượng chiến sĩ huấn luyện năm thứ nhất và thứ hai. Đặc điểm tâm lý chung của chiến sĩ năm thứ nhất thường có tâm lý e ngại khi tham gia phát biểu ý kiến trong sinh hoạt tập thể, nhất là những gì liên quan đến tiêu chuẩn, chế độ, phân công nhiệm vụ... Hơn nữa, cùng sinh hoạt học tập, rèn luyện trong một môi trường giữa hai đối tượng chiến sĩ cũ và mới dễ dẫn đến xảy ra mất đoàn kết. Để giải quyết bài toán này, các đơn vị đã kiên trì áp dụng nhiều biện pháp, như tiến hành sinh hoạt chung, riêng từng đối tượng, tăng cường đối thoại dân chủ để tăng sự tự tin cho chiến sĩ. Cụ thể như: Khi chỉ huy Đại đội tiến hành sinh hoạt với chiến sĩ thì cán bộ Trung đội không tham gia, chỉ huy Tiểu đoàn tiến hành sinh hoạt, cán bộ Đại đội cũng không được dự. Qua các buổi sinh hoạt như vậy, đội ngũ hạ sĩ quan, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới đã mạnh dạn hơn khi bày tỏ tâm tư nguyện vọng, tâm lý bộ đội không còn căng thẳng, khoảng cách giữa chiến sĩ cũ với chiến sĩ mới cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn. 

Theo Đại úy Lê Huy Ngọc, Chính trị viên Tiểu đoàn Công binh 544: “Công tác tư tưởng là nghệ thuật cảm hóa con người nên đối với bộ đội, mình phải coi họ thực sự như người thân của mình, thường xuyên quan tâm, gần gũi, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bộ đội. Chỉ có sự gần gũi mới tạo được niềm tin, từ đó phát hiện được các vấn đề tư tưởng nảy sinh để xử lý kịp thời, giúp bộ đội luôn yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. Đối với đội ngũ cán bộ Tiểu đoàn chúng tôi, yêu cầu phải thực sự mẫu mực trong lời nói và việc làm, giúp đỡ chiến sĩ bằng thái độ chân thành, tạo dựng mối đoàn kết gắn bó cán binh, giữa chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới. Vì vậy, thời gian qua, Tiểu đoàn không có hiện tượng mất đoàn kết hay quân phiệt, cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật”.

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ