Không thể coi nhẹ tham nhũng vặt!
QPTĐ-Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 20/5) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Cảnh Chân, cựu cán bộ Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai 7 năm tù về tội: “Môi giới hối lộ”; 9 bị cáo khác chịu cao nhất từ 9-13 năm tù về tội: Đưa hối lộ”. Theo đó, các bị cáo in logo có các số: “68”, “Garage Thành Đô”, “xe chở hàng”-một dạng “logo xe vua”, bán cho chủ xe, tài xế giá 2,5-3 triệu đồng/logo, làm mật hiệu qua chốt kiểm soát Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông các tuyến đường: Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Bán hàng chục ngàn logo, các bị can thu về hàng chục tỉ đồng, hưởng lợi bất chính 1,3-1,6 tỉ đồng/người; họ khai, đưa hối lộ từ 477 triệu đồng đến gần 5 tỉ đồng cho 78 cán bộ Cảnh sát giao thông?
Tuy nhiên, Cơ quan điều tra không chứng minh được người nhận tiền nên bỏ lọt can phạm: “Nhận hối lộ”, trong khi đã xử kẻ môi giới hối hộ, đưa hối lộ? Vụ án cảnh báo, không thể coi nhẹ tham nhũng vặt (một vài triệu đồng/lượt), bởi góp gió thành bão, tổng số tiền sẽ lên chục tỉ, trăm tỉ đồng theo ngày tháng! Đó là chưa kể, sự tha hóa đạo đức cán bộ, công chức giao thông, người chiến sĩ công an nhân dân?
Cuối tháng 1/2022, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, bắt 4 cán bộ cục này và 2 người môi giới, đưa hối lộ, trong đó có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974) và Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980). Theo đó, các bị can thông đồng, trục lợi trong việc xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Vậy, động cơ nào đã hối thúc, đưa đẩy các cán bộ trẻ kia phạm tội? Khi cả thế giới chung tay dập đại dịch Covid-19, lại nảy sinh tiêu cực, công chức Việt làm tiền công dân Việt, họ ăn chặn mồ hôi, xương máu của đồng bào mình thì hình ảnh Việt Nam sẽ ra sao trong con mắt bạn bè quốc tế?
Trong tháng 5 này, Cơ quan điều tra tỉnh Long An khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5/6 bị can vụ án Tịnh thất Bồng Lai, trong đó có Cao Thị Cúc (sinh năm 1960) và Lê Tùng Vân (sinh năm 1932) về tội: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Theo đó, Cúc và Vân đã lợi dụng việc làm từ thiện, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu sống loạn luân, gây bất ổn tình hình an ninh, xã hội địa phương.
Năm qua, dư luận Thái Bình đặc biệt quan tâm đến vụ khởi tố, bắt tạm giam vợ chồng Đường “Nhuệ”-đại gia bất động sản, cầm đầu nhóm giang hồ xã hội đen. Tháng 11/2021, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình xử vụ “Cưỡng đoạt tài sản”, tuyên phạt Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”, sinh năm 1970) 15 năm tù; Nguyễn Thị Dương (vợ Đường, sinh năm 1980) 8 năm tù; tổng hình phạt Đường và Dương phải chịu là 22 năm và 12 năm 6 tháng tù. Các bị cáo khác bị phạt từ 8-13 năm tù, bởi ăn chặn tiền dịch vụ tang lễ. Từ năm 2017 đến tháng 4/2020, vợ chồng Đường-Dương chỉ đạo đàn em bắt các đơn vị kinh doanh dịch vụ hỏa táng phải nộp 0,5 triệu đồng/1 ca, chiếm đoạt 2,4 tỉ đồng.
Hay như vụ bắt giam Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh An Giang “bảo kê” trùm buôn lậu, rửa tiền Mười Tường; vụ Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) Phạm Hồng Hà bị bắt về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xôn xao dư luận về khối tài sản khủng của ông này?
Thế mới hay, không thể coi nhẹ tham nhũng vặt! Và đừng bao giờ bỏ qua các vụ tiêu cực, bởi tích tiểu thành đại trong khi ngày ngày các quan tham cứ bòn xương, hút máu dân lành, gây bức xúc dư luận!
NHẬT KIỀU