A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ giả

QPTĐ-Câu chuyện về Nguyễn Quốc Chiêm, sinh năm 1998, quê Ninh Thuận, tạm trú phường 15, quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh giả làm bác sĩ nội trú đã gây xôn xao dư luận trong thời gian qua. 

Nguyễn Quốc Chiêm từng theo học trường Cao đẳng chuyên ngành Y sĩ đa khoa, niên khóa 2016-2018, đã nghỉ học và chưa tốt nghiệp. Tháng 8/2021, trước tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng, Trung tâm Y tế quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có quyết định về việc điều động, phân công nhân sự, hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại khu cách ly tập trung và điều trị Covid-19 ở trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM, Nguyễn Quốc Chiêm có tên trong danh sách tình nguyện viên phục vụ khu cách ly. Sau đó, Khiêm lại nhận mình là bác sĩ nội trú Đại học Y dược TP.HCM, ra y lệnh điều trị cho các F0 như bác sĩ thực sự và ký nhiều văn bản như Báo cáo tử vong của các ca F0 tại khu cách ly; giấy chuyển tuyến điều trị ca F0... Trong đó ghi rõ chức danh “Bác sĩ điều trị Ths. Bs Nguyễn Quốc Khiêm”, kèm chữ ký. Khiêm cũng khoe những giấy khen chứng minh mình là bác sĩ Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, trước nguy cơ bị phát hiện, Khiêm đã lấy lý do cá nhân, xin nghỉ và rời khỏi khu cách ly.

Vụ việc giả làm bác sĩ, mà lại là bác sĩ điều trị trong khu cách ly giữa những ngày cao điểm của dịch Covid-19 đã khiến sự việc trở nên rất nghiêm trọng. Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế TP.HCM, Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy khẩn trương xác minh, làm rõ thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về trường hợp giả bác sĩ nêu trên. Công an TP.HCM đã phối hợp cùng Công an quận 12  kiểm tra, xác minh thông tin, tiếp tục làm việc với cá nhân, tổ chức có liên quan; làm rõ động cơ, mục đích của đối tượng Nguyễn Quốc Khiêm và củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngay từ khi vụ việc được phát hiện (đầu tháng 10/2021), Nguyễn Quốc Khiêm đã được Đại học Y dược TPHCM và Quận 12 mời lên làm việc và anh ta đã nhận sai: “Em sai rất lớn vì đã mạo danh, làm cho mọi người mất lòng tin về em. Em đã không còn làm gì liên quan tới ngành nữa. Mong tất cả mọi người bỏ qua để em làm lại cuộc sống và kinh doanh”. Người này cũng thừa nhận việc làm giả giấy khen có logo của Bệnh viện Chợ Rẫy và một bảng điểm của Đại học Y dược với mục đích là để “đánh bóng tên tuổi” (!)

Vụ việc Nguyễn Quốc Khiêm giả danh sinh viên và lọt vào khu cách ly, sau đó “tự xưng” thành thạc sĩ, bác sĩ, trực tiếp ra y lệnh, điều hành hoạt động khám chữa bệnh đối với bệnh nhân Covid-19 là một “lỗ hổng” lớn trong công tác quản lý, tổ chức và sử dụng nhân sự hỗ trợ (nhất là lực lượng học sinh, sinh viên) trong công tác phòng chống dịch ở quận 12 TP.HCM. Việc Nguyễn Quốc Khiêm dễ dàng lọt vào đội ngũ sinh viên tình nguyện chống dịch, sau đó giả danh là bác sĩ đã phản ánh một thực tế là công tác quản lý, tổ chức nhân sự rất lỏng lẻo, mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát dữ dội, khiến công việc trở nên quá tải, nhưng để một người giả mạo dễ dàng lọt vào tổ chức, dễ dàng thao túng cả bộ máy khám chữa bệnh tại khu cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19 là rất nguy hiểm. Chưa nói là người này có âm mưu mờ ám gì, chỉ nói đến sự háo danh, dám liều lĩnh ký y lệnh điều trị cho người bệnh trong khi không hề có chuyên môn là đe dọa đến tính mạng người bệnh…

Sẽ có rất nhiều bài học kinh nghiệm qua vụ việc nghiêm trọng kể trên, nhưng một bài học nhãn tiền như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã từng nói là tránh chủ quan khi chưa có dịch và khi có dịch lại phải rất bình tĩnh, sáng suốt, tránh lơ là mất cảnh giác…vẫn còn rất bổ ích trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.

Nguyễn Hữu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ