A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững

 

QPTĐ-Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kỳ vọng sẽ định vị được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành Nông nghiệp và người nông dân. Mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới. Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế-xã hội; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Xây dựng và phát triển nông nghiệp sinh thái thân thiện với môi trường. (Ảnh: Internet)

Nông nghiệp xanh, nông thôn hiện Đại và nông dân văn minh

Chiến lược nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông-lâm-thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông-lâm-thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Ngành Nông nghiệp sẽ đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Với nông dân thì kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các câu lạc bộ là mô hình tốt đã được khẳng định thì cần thúc đẩy phát triển hơn. 

Chiến lược đã đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác. Theo đó, phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn từ loại hình, quy mô... được kỳ vọng là giải pháp tạo việc làm, thu hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng lực lượng nông dân chuyên nghiệp sẽ cần có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và các yêu cầu mới của thị trường. Tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân và dân cư nông thôn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp

Chuyển đổi số được xem là thang thuốc hiệu quả trong xây dựng nông nghiệp nông thôn bền vững tại Việt Nam. Chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam. Hệ thống dữ liệu số trong nông nghiệp sẽ giúp kết nối giữa bên mua và bên bán, mở rộng thị trường đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thông tin khách quan, cập nhật đầy đủ để hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh. 

Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển nông nghiệp thông minh, tạo ra các nông sản chất lượng cao. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm "thay da đổi thịt" nông nghiệp trong nước. Sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp. Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn. 

Trong trồng trọt, đã ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData) thông qua các sản phẩm công nghệ số như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong lĩnh vực lâm nghiệp đã dùng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm nghiệp và lâm sản, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghệ internet kết nối vạn vật, chuỗi blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngoài ra, còn dùng phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh để quản lý việc áp dụng an toàn sinh học, tiêm phòng, thức ăn tại cơ sở chăn nuôi; giúp ngành chức năng quản lý về tình hình tiêm phòng, theo dõi được trang trại bị lây nhiễm dịch bệnh, việc xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm và việc hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra...

Trong nuôi trồng thủy sản thì ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, lai tạo các giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu đựng tốt với môi trường; công nghệ trí tuệ nhân tạo trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước, quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. 

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là cách làm nông nghiệp khác đi dựa vào dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số chính là chìa khóa để giúp người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Với công nghệ số, sẽ kết nối trực tiếp người sản xuất với người tiêu dùng qua sàn giao dịch điện tử, loại bỏ khâu trung gian giúp giá cả nông sản ổn định, khó bị thao túng; thu nhập dữ liệu về giá cả nông sản trên thị trường, cập nhật giá với tần suất hàng ngày.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ