A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp

QPTĐ-Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, các loại thiết bị, máy móc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở nên phổ biến. Các loại thiết bị, máy móc này được chế tạo và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Vì vậy, ứng dụng AI ngày càng được quan tâm trong sản xuất nông nghiệp. AI giúp năng suất cây trồng được tăng lên, cây trồng được khỏe mạnh hơn, kiểm soát sâu bệnh và các điều kiện trồng trọt; AI giúp tổ chức dữ liệu cho nông dân, giải quyết khối lượng công việc lớn và cải thiện một loạt các nhiệm vụ liên quan đến nông nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm.

Tại Việt Nam, ứng dụng AI trong nông nghiệp vẫn còn khá mới mẻ nhưng đang rất thu hút sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như doanh nghiệp, nông dân vì những ưu thế, lợi ích mà nó mang lại so với nông nghiệp truyền thống. Việc đẩy mạnh ứng dụng AI trong nông nghiệp ở Việt Nam sẽ giúp người nông dân, hợp tác xã phân tích, giám sát và dự đoán các tác động khác nhau của môi trường liên quan đến năng suất và chất lượng cây trồng. Ứng dụng AI hỗ trợ người nông dân có những giải pháp về sản xuất phù hợp, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp.

Trước sự bùng nổ ứng dụng AI trên phạm vi toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/QÐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, trong đó có nội dung: Thúc đẩy và phát triển các ứng dụng AI trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong thực tế, một số mô hình ứng dụng Hệ thống quản lý điều khiển nông trại quy mô lớn bằng AI cho tái canh cà phê của Netafim Việt Nam đã giúp nông dân trồng cà phê đạt năng suất 5 tấn/ha ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên, tăng 300% so với phương pháp truyền thống. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần giảm chi phí cho cà phê tái canh, nâng cao lợi nhuận sản xuất.

Nâng cao nhận thức về ứng dụng AI trong nông nghiệp

Ngày 23/3/2023, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chủ trì tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong nâng cao năng suất nông nghiệp”. Hội thảo được tổ chức nhằm phân tích, đánh giá thực tiễn về điều kiện và hiện trạng của nền nông nghiệp Việt Nam, từ đó cung cấp thông tin tham mưu để cơ quan quản lý có thẩm quyền xây dựng các chính sách phù hợp; kết nối và thu hút các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ AI trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Mục tiêu là giúp kết nối và thu hút các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà nông nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nông nghiệp, tạo hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ, thay đổi tư duy, kịp thời có kế hoạch cụ thể thúc đẩy và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nhằm thông minh hóa, tự động hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo quy trình sản xuất, xuất xứ minh bạch, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đặt trong bối cảnh xu hướng số đang dịch chuyển nền kinh tế. Theo đó, "vùng nông thôn sẽ là nhân tố thúc đẩy giai đoạn bùng nổ tiếp theo của nền kinh tế số". Hiện, tỉ lệ sử dụng Internet ở nông thôn tăng đáng kể, có khoảng 77% người dân nông thôn kết nối Internet, trong đó có 91% lên mạng hằng ngày.

Để áp dụng thành công các công nghệ mới như AI trong nông nghiệp, nông dân Việt Nam cần được đào tạo để sử dụng và hiểu rõ các công nghệ này. Điều này đặc biệt quan trọng vì nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thay đổi khí hậu, giá cả nguyên liệu tăng cao và cạnh tranh trong thị trường toàn cầu. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm về thực tiễn ứng dụng AI vào trong hoạt động sản xuất, như ứng dụng AI vào truy xuất nguồn gốc trong sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, giải pháp ánh sáng và điều khiển ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp thông minh, giải pháp đánh giá sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo, hệ thống quản lý, điều khiển nông trại lớn bằng trí tuệ nhân tạo.

Ứng dụng AI trong nông nghiệp tại Hà Nội

Hệ thống tưới nước tự động trong sản xuất rau an toàn.
                                                                                                                  Nguồn: Internet

Hiện nay, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã sử dụng công nghệ AI trong sản xuất nông nghiệp, lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G. Hệ thống này cập nhật được tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa…, giúp nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả.

Ông Hoàng Văn Vị (thị trấn Chúc Sơn) chia sẻ: Được Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tập huấn kiến thức canh tác theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gia đình tôi đã xây dựng 2.200m2 nhà lưới kết hợp với lắp đặt hệ thống tưới phun tự động để trồng rau. Để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thì chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng các hộ dân có thể sử dụng từ 3 đến 4 năm. Hiện, sản phẩm rau của gia đình được Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn bao tiêu với giá ổn định 8.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Việc ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại hiệu quả, nhưng vẫn còn “nút thắt” cần tháo gỡ, như: Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, vùng nuôi, dữ liệu chuỗi ngành hàng; hạ tầng thiết bị cũ, thiếu đồng bộ, phân tán. Cùng với đó, giá cả phần cứng và phần mềm cho các hệ thống AI đang rất cao; trình độ, nhận thức của người nông dân còn hạn chế.

Để nông dân có thể tiếp cận được các công nghệ mới, cần có sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ từ Nhà nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, mới có thể đầu tư được hệ thống AI và rô bốt tự động hóa, các dịch vụ tư vấn; hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận các công nghệ mới.

Các cơ quan quản lý xây dựng các chính sách phù hợp; kết nối và thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nông dân, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng AI trong sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, cải tiến thông minh hóa, tự động hóa, khép kín quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Song Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ