A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xét xử tội tham nhũng liệu có quá nhẹ?

QPTĐ- Tuần qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang trả lời kiến nghị cử tri liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng. Cử tri hai địa phương này đề nghị “kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng”, “quy định khung hình phạt các hành vi tham nhũng ở mức độ nặng hơn”.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời kiến nghị cử tri.

Ảnh: Internet

Theo cử tri, tệ tham nhũng đã xảy ra ở các cấp, các ngành, từ bộ, ngành Trung ương đến các địa phương, được xem là vấn nạn, là “quốc nạn”, “giặc nội xâm”. Đảng, Nhà nước đã thể hiện tư tưởng chỉ đạo kiên quyết, triệt để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cuộc đấu tranh này còn nhiều gian nan, gay go, khốc liệt. Dường như, vẫn còn kẽ hở luật pháp trong hoạt động tư pháp, xét xử? Và nếu, luật không nghiêm, không đủ sức răn đe sẽ dẫn đến nhờn luật, “hy sinh đời bố củng cố đời con”, họ sẵn sàng đi chuyến tàu vét để kiếm mớ tiền.

Ví như, bị cáo nhận hối lộ hàng trăm ngàn USD, hàng triệu USD, tương đương với hàng tỉ đồng, chục tỉ đồng, họ không thể nuốt trôi do bị điều tra, bị bắt giam, bị kết án tù, chỉ cần nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt hoặc 3/4 số tiền đó, là được áp dụng tình tiết giảm nhẹ; thậm chí, bị cáo chỉ bị tuyên vài năm tù, trong khi khung hình phạt là 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình? Vài năm tù, chỉ tương đương với kẻ cắp ăn trộm cái xe máy hay vô tình xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người?

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trả lời, khẳng định, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã quy định khá đầy đủ về xử lý người có hành vi tham nhũng, tùy mức độ, có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Một số hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự, người vi phạm có thể bị tù chung thân hoặc tử hình.

Tháng đầu năm 2024, các cơ quan điều tra, xét xử đưa thông tin cập nhật về một số vụ đại án tham nhũng, án kinh tế lớn. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đỗ Hữu Ca (Thiếu tướng, cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng) tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhận 35 tỉ đồng “chạy án”, trong vụ án 26 công ty ma, mua bán hóa đơn trái phép hơn 6.000 tỉ đồng.

Ngày 24/2, C02 Bộ Công an đề nghị truy tố ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Công ty Tân Hiệp Phát) và Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích (đều là con gái ông Thanh) tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” chiếm đoạt hơn 1.048 tỉ đồng. Cùng ngày 24/2, C02 đề nghị truy tố 51 bị can, cầm đầu là ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hưởng lợi bất chính 723 tỉ đồng, chiếm đoạt hơn 3.620 đồng của nhà đầu tư.

Theo kế hoạch, ngày 6/3, Cục Thi hành án Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành cưỡng chế thi hành phần dân sự liên quan đến Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba bị tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) phải bồi thường hơn 2.445 tỉ đồng cho 4.929 người bị hại. Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (5/3) xử sơ thẩm bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo, tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”…; trong đó, bà Lan chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng, bà Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra Ngân hàng) nhận hối lộ 5,2 triệu USD.

Thế mới hay, các vụ đại án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi đã, đang được triển khai khẩn trương, nghiêm khắc, đúng pháp luật, thu hồi cao nhất số tài sản bị chiếm đoạt. Lưới trời lồng lộng, không có lối thoát cho tội phạm tham nhũng, bất kể đó là ai! 

LINH AN

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ