A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lũ đầu mùa

 

QPTĐ-Từ ngày 16/4, mưa lớn đã xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc. Trong bản tin vừa phát đi lúc 21h hôm đó, Trung tâm Khí tượng-Thủy văn quốc gia cho biết, 6 giờ qua khu vực vùng núi Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20-30mm. Dự báo vùng núi Bắc bộ sẽ tiếp tục có mưa, mưa vừa đến mưa to và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn.

Cầu treo duy nhất vào xã Bản Hồ, Lai Châu bị lũ quét đánh sập hoàn toàn (Ảnh: Quốc Hồng).

Tuy nhiên, vào khoảng 3 giờ sáng ngày 17/4, một trận lũ ống bất ngờ làm hàng chục ngôi nhà và tài sản của người dân ở thôn Nậm Điệp, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai bị bùn đất tràn vào. Lũ ống ập đến quá nhanh, lại đúng vào lúc người dân đang ngon giấc, nên nhiều người không kịp trở tay. Điều đáng tiếc là đã có ít nhất 3 người tử vong do lũ cuốn trôi. Ngay trong buổi sáng 17/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài cùng đoàn công tác của tỉnh Lào Cai và huyện Văn Bàn đã xuống khu khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ ống để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các nạn nhân, đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ; triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở, kiểm tra, rà soát nơi ở an toàn của người dân, đặc biệt là khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để ứng phó khi có tình huống. 

Ngoài Lào Cai, đợt mưa từ 16-17/4 còn gây thiệt ở nhiều nơi. Mưa lớn còn làm đổ nhà dân ở xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai), nhưng rất may là không có thiệt hại về người. Tại tỉnh Gia Lai, mưa dông, lốc, sét làm hư hại 12 căn nhà tại huyện Chư Sê. Mưa lớn cũng đã làm nhiều tuyến đường Hà Nội bị ngập sâu, giao thông bị ách tắc cục bộ. Mưa dông cũng đã làm nhiều cây xanh bị gãy đổ tại quận 12 và quận Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh). Đợt mưa trong các ngày 16-17/4 tuy không lớn, nhưng do mưa liên tục trong nhiều giờ liền lại diễn ra trên diện rộng từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến vùng  đồng bằng Bắc bộ, khiến nhiều địa phương bị ngập úng, có nơi đường giao thông bị bùn lấp, ngập úng sâu. Đặc biệt là hiện tượng lũ ống xuất hiện trong lũ ngay trong đợt mưa đầu mùa đã gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân là mối lo và cũng là dự báo về tình hình mưa lũ bất thường năm nay. 

Hàng năm, các sự kiện thiên tai về khí tượng-thủy văn của Việt Nam như áp thấp, bão, hoàn lưu, mưa lớn, lũ lụt thường xảy ra vào cuối năm, nhiều thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thương vong cho con người, vật nuôi, tài sản, cơ sở hạ tầng, môi trường diễn ra khắp cả nước, đặc biệt là miền Trung Việt Nam. Riêng trong năm 2020, miền Trung Việt Nam đã hứng chịu đến 5 đợt lũ, (còn được gọi là lũ chồng lũ, lũ lịch sử). Khởi đầu từ đầu tháng 10 và kéo dài đến đầu tháng 12/2020, những đợt mưa lớn liên tiếp và trên diện rộng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế của Bắc Trung bộ, một phần Nam Trung bộ gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên…khiến nhiều địa phương tại miền Trung bị ngập lụt, sạt lở đất gây thiệt hại to lớn về người và tài sản của nhân dân, đường sá, cầu cống bị lũ cuốn trôi, nhiều nhà dân bị chìm trong biển nước, địa bàn các địa phương bị chia cắt, không điện, không nước sạch, hệ thống thông tin liên lạc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

Bước sang năm 2021, người dân hy vọng năm mới tác động của mưa lũ sẽ giảm bớt, nhưng đợt mưa đầu mùa đã cho thấy tính chất phức tạp, thất thường, trái quy luật của thời tiết cùng với những thiệt hại do mưa lũ có thể đến từ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào…

PV
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ