A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam quyết tâm thực hiện tốt sứ mệnh thúc đẩy và bảo đảm quyền con người

 

QPTĐ-Ngày 11/10/2022, tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Điều đó thể hiện sự tín nhiệm và coi trọng của đông đảo bạn bè quốc tế cũng như tin tưởng Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy, bảo đảm quyền con người trên phạm vi toàn cầu.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Niềm tin của cộng đồng quốc tế

Ngay sau khi Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã chúc mừng và tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt sứ mệnh của mình tại diễn đàn lớn nhất về thúc đẩy và bảo đảm quyền con người.

Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Banglades, ông Shahriar Alam đã chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam về kết quả bầu cử. Cùng là quốc gia trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc dịp này, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Banglades kỳ vọng, Việt Nam và Banglades sẽ tiếp tục hợp tác hơn nữa để đóng góp nhiều hơn tại Hội đồng Nhân quyền thời gian tới.

Còn Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang khẳng định: Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của ASEAN nên sự kiện này không chỉ là tin vui với Việt Nam mà còn là tin vui, niềm tự hào cho cả khu vực Đông Nam Á. Việc Việt Nam trúng cử Hộ đồng Nhân quyền khẳng định sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người ở trong nước cũng như những đóng góp tích cực của Việt Nam cho khu vực và quốc tế như tại Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) hay trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việc Việt Nam liên tiếp trúng cử vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc cho thấy vị thế và uy tín của các nước ASEAN đang gia tăng. Tiếng nói của Việt Nam cũng đại diện cho các nước đang phát triển không ngừng đóng góp và thể hiện vai trò tại các diễn đàn đa phương. Sự kiện này đã một lần nữa khẳng định tiếng nói của các nước như chúng ta được cộng đồng quốc tế lắng nghe và ghi nhận.

 Là người đã gắn bó với Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua, khi nhận được thông tin về việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền, ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) đã đánh giá cao sự kiện này. Theo ông Daviot, Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách đúng đắn về phát triển kinh tế, về xóa đói giảm nghèo, cho đến gần đây là các chính sách khí hậu và vai trò của Việt Nam không ngừng được củng cố trong nhiều năm qua, với việc trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới, nhiều lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và giờ đây tiếp tục là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc.

Nhân chuyến thăm Việt Nam, ngày 12-10, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã có cuộc gặp gỡ với báo chí tại Hà Nội. Tại cuộc gặp, ông Daniel Kritenbrink đã chúc mừng Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Ông cũng hy vọng Việt Nam, với tư cách một thành viên quan trọng của hội đồng, sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy và giải quyết các thách thức về nhân quyền.

Bà Caitlin Wiesen, Nguyên trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người là công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được ASEAN tín cử là đại diện duy nhất tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Theo bà Caitlin Wiesen, đó là sự ghi nhận những thành tựu mà Chính phủ Việt Nam đạt được trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch Covid-19. 

Đặc biệt, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres chúc mừng Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng khẳng định, Việt Nam là một trong những thành viên không thể thiếu của Liên hợp quốc, đã, đang và sẽ có những đóng góp ý nghĩa cho công việc chung của Liên hợp quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu, vì hòa bình và phát triển trên thế giới.

Thành viên tích cực, trách nhiệm

Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người-cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới-là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc. Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu. Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027 cho biết: Việt Nam tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc  với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Bảo đảm tất cả các quyền cho tất cả mọi người”. Đây sẽ là kim chỉ nam cho các hoạt động của Việt Nam trong nhiệm kỳ 2023-2025. Trước hết, Việt Nam sẽ làm tốt trách nhiệm thành viên của cơ quan giám sát thực hiện nhân quyền của Liên hợp quốc, nghiêm túc thực hiện và vận động các nước thực hiện cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV. Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người, đóng góp tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc trên cả ba trụ cột hòa bình-an ninh, phát triển và quyền con người. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác để đạt được các ưu tiên đề ra, nhất là bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đại dịch, xung đột vũ trang, chống sử dụng vũ khí hạt nhân…

Trả lời báo chí về những định hướng và ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền sắp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Thế và lực mới của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới cùng với những chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn và kinh nghiệm tích lũy từ việc đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Bảo an và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong các nhiệm kỳ trước đây là những nền tảng rất quan trọng để chúng ta vững tin thực hiện các trọng trách trong Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền, thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng Nhân quyền, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân và mọi quốc gia, dân tộc đều thụ hưởng thành quả phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại ở phía sau.

Phương Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ