QPTĐ- Nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước coi con người là trung tâm của các chính sách kinh tế-xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI). Từ quốc gia có HDI ở mức thấp vào đầu những năm 1990, Việt Nam đã trở thành nước có HDI ở mức cao năm 2019. Đặc biệt, theo một báo cáo mới được công bố hôm 14/3 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có HDI cao.
Việt Nam luôn nỗ lực cải thiện chỉ số phát triển con người.
Chỉ số phát triển con người
Trong phát triển kinh tế-xã hội, các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận rõ, con người không chỉ là nguồn lực, là quy mô, tiềm lực của nền kinh tế, mà còn là mục tiêu, kết quả và là trung tâm của sự phát triển bền vững. Với ý nghĩa quan trọng đó, trong hoạch định cũng như đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước, phát triển con người luôn được chính phủ các nước xác định là một trong những chỉ tiêu đặc biệt quan trọng.
Theo UNDP, phát triển con người là quá trình làm tăng khả năng lựa chọn của mỗi người cũng như mức độ đạt được phúc lợi của họ. Trong đó, sự lựa chọn cốt yếu là trường thọ, khỏe mạnh, được học hành và được tận hưởng mức sống tử tế; đồng thời, được bảo đảm về nhân quyền và bình đẳng về chính trị. Để đo lường sự phát triển con người, năm 1990 UNDP đã đề xuất và khởi xướng tính HDI. Báo cáo phát triển con người (HDR) đầu tiên đã được UNDP biên soạn năm 1990 và công bố năm 1991. Trong báo cáo của mình, UNDP đưa ra khái niệm HDI. Theo đó, HDI là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: Sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh); tri thức (thể hiện qua chỉ số giáo dục) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập quốc gia bình quân đầu người). HDI nhận giá trị từ 0 đến 1.
Trong những năm 1990-2010, Báo cáo phát triển con người của UNDP giới thiệu chỉ số tổng hợp HDI được tính theo phương pháp bình quân cộng giản đơn ba chỉ số thành phần, bao gồm: Chỉ số sức khỏe (Isức khỏe), Chỉ số giáo dục (Igiáo dục) và Chỉ số thu nhập (Ithu nhập) với công thức tính: HDI = (Isức khỏe + Igiáo dục + Ithu nhập)/3.
Sau một thời gian áp dụng, phương pháp tính HDI từng bước được hoàn thiện. Từ năm 2010 đến nay, chỉ số tổng hợp HDI vẫn tính từ 3 chỉ số thành phần, nhưng có một số thay đổi về chỉ tiêu đầu vào sử dụng trong tính toán các chỉ số thành phần và công thức tổng hợp HDI từ các chỉ số thành phần với một số thay đổi. Công thức tính chỉ số tổng hợp HDI chuyển từ bình quân cộng giản đơn 3 chỉ số thành phần sang bình quân nhân giản đơn.
HDI nhận giá trị trong khoảng từ 0 đến 1. HDI đạt tối đa bằng 1, thể hiện trình độ phát triển con người ở mức lý tưởng; HDI tối thiểu bằng 0, thể hiện xã hội không có sự phát triển mang tính nhân văn. Căn cứ giá trị HDI, UNDP đã đưa ra Bảng xếp hạng phát triển con người của các quốc gia theo 4 nhóm: Nhóm 1, đạt mức rất cao với HDI lớn hơn hoặc bằng 0,800; nhóm 2, đạt mức cao với lớn hơn hoặc bằng 0,700 và nhỏ hơn 0,800; nhóm 3, đạt mức trung bình với HDI lớn hơn hoặc bằng 0,550 và nhỏ hơn 0,700; nhóm 4, đạt mức thấp với giá trị HDI nhỏ hơn 0,550.
Với phương pháp tính như vậy, HDI có ý nghĩa là chỉ tiêu kinh tế-xã hội tổng hợp nên có khả năng phản ánh đầy đủ hơn động thái và thực trạng kinh tế-xã hội theo không gian và thời gian. Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng nhận rõ con người không chỉ là nguồn lực, mà hơn thế còn là mục tiêu của sự phát triển. Với ý nghĩa quan trọng đó, trong hoạch định cũng như đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước, HDI được xác định là một trong những chỉ tiêu chủ yếu. HDI không chỉ tính theo phạm vi quốc gia, vùng lãnh thổ mà còn tính cho các địa phương hoặc nhóm dân cư, nhằm phản ánh trình độ phát triển con người của từng địa phương hoặc bộ phận dân cư trên địa bàn của một quốc gia, vùng lãnh thổ.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng HDI vẫn chưa phản ánh được mọi khía cạnh kinh tế-xã hội, đặc biệt là mặt chất của sự phát triển. Chính vì vậy, sử dụng chỉ tiêu HDI thường đi cùng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác.
Cải thiện HDI ở Việt Nam
Những năm trở lại đây, nhờ những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, chất lượng dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, HDI của Việt Nam đã liên tục tăng từ 0,682 điểm (năm 2016) lên 0,687 điểm (năm 2017); 0,693 điểm (năm 2018); 0,703 điểm (năm 2019); 0,706 điểm (năm 2020); 0,703 (2021). Đặc biệt, trong bảng xếp hạng HDI năm 2022, Việt Nam đã tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên vị trí 107, tiếp tục nằm trong số các quốc gia đang phát triển có chỉ số HDI cao.
Đó là kết quả của những chính sách đúng đắn, hiệu quả và nỗ lực vượt bậc của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19 và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của người dân Việt Nam.
Trưởng Đại diện thường trú của UNDP Ramla Khalidi cho biết: Việt Nam vẫn là quốc gia có mức phát triển con người cao trong suốt những năm khó khăn của đại dịch Covid-19. Phát triển con người tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của đất nước và chúng tôi đã thấy những kết quả đáng kể trong những thập kỷ qua. Việt Nam xếp thứ 91/166 quốc gia về Chỉ số Bất bình đẳng Giới, chỉ số xem xét sự bất bình đẳng trên 3 khía cạnh sức khỏe sinh sản, trao quyền và thị trường lao động. “Việt Nam đã làm tốt ở một số khía cạnh, như tiếp cận giáo dục và tham gia lực lượng lao động, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại sự phân công lao động theo giới với những công việc ổn định hơn, được trả lương cao dành cho nam giới và phụ nữ vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong vai trò lãnh đạo trong Chính phủ, Quốc hội và trong khu vực tư nhân”- bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Có thể thấy, chỉ số phát triển con người Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên HDI của Việt Nam vẫn còn đứng ở thứ bậc thấp. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6 (còn khoảng cách khá xa so với Xin-ga-po, Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Thái Lan); đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh năm 2022 theo xếp hạng của UNDP.
Trước những thực trạng trên, để đạt được mục tiêu cải thiện chỉ số phát triển con người duy trì ở nhóm có chỉ số cao và thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, đòi hỏi Việt Nam phải có một hệ thống các giải pháp đồng bộ và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; đặc biệt là các giải pháp về nâng cao chất lượng đời sống cư dân, tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục bởi các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người.
Theo đó, trong lĩnh vực kinh tế, cần đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô và phương thức quản lý nhà nước; đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, gắn tăng trưởng kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng. Có giải pháp vĩ mô ổn định giá trị đồng nội tệ, kiềm chế lạm phát. Nâng cao thu nhập thực tế của dân cư cũng như sức mua tương đương trong so sánh quốc tế nói chung và quy đổi GNI bình quân đầu người tính Chỉ số thu nhập cấu thành HDI nói riêng.
Ngoài ra, yếu tố năng suất lao động, thu nhập của người dân, quy mô nền kinh tế, tổng sản phẩm quốc gia cũng rất khó để có thể tăng trưởng bền vững trong khi chất lượng giáo dục, đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực không theo kịp với sự phát triển của kinh tế, do vậy, cần có những quyết sách mạnh mẽ cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo. Có như vậy, Việt Nam mới có thể thu hẹp khoảng cách phát triển con người với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Cùng với đó, để cải thiện chỉ số phát triển con người, Việt Nam cần nâng cao chất lượng y tế, trong đó tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở và y tế gia đình. Trong lĩnh vực giáo dục, cần nhanh chóng khắc phục tình trạng số năm đi học kỳ vọng đang ở mức thấp và tăng chậm hiện nay. Cần khắc phục những hạn chế của các chỉ số này, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo. Tăng tỉ lệ người lao động đang làm việc qua đào tạo, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ, nhất là kinh tế số… Đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, phát triển giáo dục và đào tạo về mặt số lượng sẽ giúp nâng số năm đi học bình quân của người dân, có tác động trực tiếp đến việc cải thiện HDI. Khi chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên sẽ giúp đạt được những mục tiêu xa hơn, bền vững hơn đối với sự tiến bộ cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Nhờ đó, cải thiện trình độ phát triển con người một cách bền vững hơn, chất lượng hơn.
PHƯƠNG LINH