A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không cho phép xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam

 

QPTĐ-Những năm qua, trong các báo cáo thường niên, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) luôn có những nhận xét, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan, thậm chí xuyên tạc, bóp méo vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam. Năm nay cũng không ngoại lệ, ngày 3-5 vừa qua, RSF đã ra cái gọi là “Báo cáo tự do báo chí năm 2022”, trong đó xếp Việt Nam đứng thứ 174/180 quốc gia. Ăn theo cái báo cáo này, một số trang tiếng Việt ở hải ngoại thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, RFA, VOA... và những trang mạng xã hội của các tổ chức phản động, chống phá Việt Nam thi nhau đưa tin, viết bài xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí được bảo đảm.

Những luận điệu xuyên tạc

Đưa tin về việc RSF ra cái gọi là “Báo cáo tự do báo chí năm 2022”, BBC giật tít: “Tự do báo chí: RSF tiếp tục xếp Việt Nam trong 10 nước tệ nhất”. Bên cạch việc đưa tin RFS xếp Việt Nam, từ vị trí 175 (năm 2021), được xếp vị trí 174 trên 180 nước vào năm nay, BBC cũng không quên bình luận: “Tuy nhiên đáng chú ý là Việt Nam lại có số lượng nhà báo, nhà hoạt động bị ngồi tù vì viết bài trên mạng xã hội lại rất lớn (41) so với các nước thuộc ASEAN khác như Indonesia (1), Thái Lan (2), Campuchia (3) và Lào (5)”. Trang tiếng Việt này cũng không quên xuyên tạc bản chất vụ việc xét xử đối tượng Phạm Đoan Trang về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. BBC còn viện dẫn những thứ được gọi là “Giải tự do truyền thông”, “Giải thưởng Homo Homini”, giải thưởng của chính RSF… cho đối tượng Phạm Đoan Trang như để minh chứng cho việc không có tự do báo chí ở Việt Nam.

Giống như BBC, RFA cũng đưa tin đậm nét về cái gọi là “Báo cáo tự do báo chí năm 2022” của RSF. Trang tin này giật tít: “Việt Nam xếp gần cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2022”. RFA còn đưa ra các chỉ số cụ thể như, “chỉ số chính trị ở hạng 173, chỉ số kinh tế xếp hạng 176, chỉ số lập pháp 172, chỉ số xã hội 170 và chỉ số an ninh 170...”. Trong một bài viết liên quan, RFA giật tít: “Tự do báo chí ở Việt Nam "rất ổn định ở nhóm chót bảng xếp hạng"”. Trong bài viết này, RFA dẫn báo cáo của RSF xuyên tạc rằng: “Các phương tiện truyền thông chính thống của Việt Nam bị Đảng Cộng sản kiểm soát chặt chẽ khiến nhiều phóng viên và blogger độc lập bị bỏ tù”; “Bộ máy đàn áp của Nhà nước bỏ tù tất cả nhà báo xuất phát từ xã hội dân sự, chẳng hạn như Báo Sạch, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, hay bà Phạm Đoan Trang, người được trao Giải Tự do Báo chí RSF năm 2019”... 

RFA còn lấy ý kiến của một số đối tượng phản động đang sống lưu vong ở nước ngoài như Nguyễn Gia Quốc, Trịnh Hữu Long. Và dĩ nhiên, những đối tượng này lại có cơ hội để xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam. 

Ngoài ra, RFA còn trắng trợn xuyên tạc rằng: “Ngoài đàn áp những người làm truyền thông độc lập, Bộ máy kiểm duyệt còn thực hiện một số biện pháp khác để hạn chế Tự do báo chí ở Việt Nam, ví dụ như trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách "chống lưng" cho việc lan truyền tin giả, hay định hướng dư luận bằng những thông tin “giật gân””…

Còn VOA thì đưa tin: “Việt Nam tiến 1 bậc trên Chỉ số Tự do Báo chí dù bỏ tù thêm nhiều nhà báo”. Trang tin này còn cho rằng: “Dù tiến hơn một bậc so với những năm trước đó, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia tồi tệ nhất trên thế giới, tức danh sách đỏ của bảng chỉ số, gồm những nước có tình hình báo chí “rất tồi tệ””. VOA bình luận, “việc Việt Nam “nhích” một bậc trên bảng Chỉ số của RSF không phản ánh đúng thực tế về “tình trạng tự do báo chí tồi tệ” ở Việt Nam”…

Liệu những nhận xét, đánh giá, thống kê của RSF hay những bài viết, phân tích, bình luận của BBC, RFA hay VOA có phản ánh thực chất, khách quan vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam? Hay đây chỉ là những chiêu trò của các thế lực thù địch với Việt Nam, cố tình xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Việt Nam. Điều đó không khó để nhận ra khi quy chiếu thực tiễn đời sống báo chí ở Việt Nam với quan điểm của cộng đồng quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966 về tự do báo chí.

Tự do báo chí ở Việt Nam: Sự thật không thể phủ nhận

Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966 nêu rõ về quyền tự do báo chí:

1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tuỳ theo sự lựa chọn của họ.

3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,

b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng.

Như vậy, bên cạnh quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, còn bị hạn chế bởi quy định là: Không được vi phạm “quyền, uy tín cá nhân” (người khác); không được làm tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng. Nói cách khác, quyền tự do nói chung, tự do báo chí, ngôn luận nói riêng của mỗi người là thiêng liêng, là quan trọng, nhưng không có nghĩa là vì những quyền đó mà người ta có thể làm gì cũng được. Vấn đề là con người sống trong một cộng đồng xã hội, vì thế, tự do của mỗi con người cụ thể không thể tách rời tự do của cả cộng đồng. Hơn thế nữa, chính sự tự do của mọi người, của cả cộng đồng là điều kiện bảo đảm cho tự do của mỗi người. Vì thế, những quyền tự do của mỗi người không thể không bị hạn chế bởi pháp luật nhằm bảo đảm cho tự do của những người khác, bảo đảm lợi ích chung cho cả cộng đồng. 

Nhưng với mục đích kích động, chống phá Việt Nam, các tổ chức trên chỉ nêu, nhấn mạnh các quyền tự do làm báo, tự do ra báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí mà không đề cập đến quyền được bảo vệ một cách công bằng, đạo đức trên báo chí, truyền thông. Họ cũng cố tình không nhắc đến vai trò của pháp luật trong điều chỉnh hoạt động báo chí phục vụ cho mục đích chung, hài hòa của xã hội và phúc lợi của nhân dân.

Ở Việt Nam, các quyền về con người trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp, đạo luật gốc, có giá trị pháp lý cao nhất. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016,  Luật An ninh mạng năm 2018... Vì vậy, không có việc bắt giữ nhà báo nếu họ không vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam. Những con số mà RSF đưa ra như Việt Nam hiện đang giam giữ 41 nhà báo sau song sắt; hay theo VOA dẫn số liệu của Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ) cho rằng Việt Nam vào năm ngoái cầm tù 23 nhà báo chỉ vì họ dám nói ra sự thật… thực chất là những tội phạm hình sự, đã xâm phạm các quan hệ xã hội mà pháp luật hình sự bảo vệ. Trong đó, các đối tượng bị xử lý hình sự mà một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí, các phần tử phản động, cơ hội chính trị gọi là “nhà báo” chính là những tội phạm có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.

Tự do báo chí ở Việt Nam không chỉ được quy định trong Hiến pháp, pháp luật mà còn được khẳng định trong thực tiễn cuộc sống. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử); có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 40.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo. Và mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới. Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2020 cho biết, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng, chiếm 70% dân số. Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày.

Thực tiễn sinh động của đời sống báo chí Việt Nam là chứng cứ vững chắc, khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Vì vậy, chúng ta không cho phép RSF hay bất cứ tổ chức nào xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam.

Đức Minh
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ