A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hòa hợp dân tộc tạo sức mạnh phát triển đất nước

 

QPTĐ-30/4/1975 là ngày đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc chiến tranh vệ quốc, cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và các thế lực phản động, tay sai, đưa giang sơn thu về một mối. Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc để khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước. Sau 46 năm, vết thương chiến tranh đã “liền da, liền thịt”; nhân dân được hưởng trọn niềm vui, hạnh phúc trong hòa bình, thống nhất. Vậy nhưng, đâu đó vẫn còn những tiếng nói lạc lõng, hằn học, khơi dậy hằn thù, phủ nhận chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Chương trình nghệ thuật Xuân quê hương 2021. (Ảnh: Internet)

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân dân ta mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước được thống nhất. Trong dịp này, một số công chức làm việc cho chính quyền tay sai Sài Gòn và người dân do bị bọn tay sai tuyên truyền đã rời bỏ đất nước, di tản, sinh sống ở nước ngoài. Trong những năm qua, do thiếu thông tin chân thực ở trong nước, do bị tuyên truyền xuyên tạc nên đã có không ít người nhận thức sai lầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta nói chung, về hòa hợp, hòa giải dân tộc nói riêng, dẫn đến kỳ thị với chế độ xã hội và Nhà nước ta. 

Cùng với đó là một số phần tử phản động, cơ hội chính trị luôn xuyên tạc chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Chúng ra sức rêu rao rằng: Hòa hợp, hòa giải dân tộc chỉ là “cái bẫy” của cộng sản để thực hiện những mục tiêu nhất thời..., không thể có hòa hợp, hòa giải dân tộc nếu còn chế độ cộng sản. Thậm chí chúng còn “lái” khái niệm hòa hợp, hòa giải dân tộc sang “hòa hợp” với những “người bất đồng chính kiến”...

Thực chất, hòa hiếu, hòa hợp dân tộc chính là truyền thống nhân nghĩa, nhân văn có từ lâu đời của dân tộc ta. Lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời kỳ nào cũng có những kẻ ăn ở hai lòng, gặp thế gian nan thì trở cờ theo giặc, nhưng với sự nhân văn “đánh người chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, dân tộc ta luôn có cách hành xử độ lượng, bao dung với đối tượng này khi họ nhận thấy được sai lầm của mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, 5 ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài, nhưng ngắn dài đều hợp ở nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác. Nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ, có như thế mới thành đoàn kết. Có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang”.

Cho tới ngày nay, hòa giải, hòa hợp dân tộc luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết số 36-NQ/TW và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Nghị quyết nêu rõ: “Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”. Văn kiện trình tại Đại hội XIII cũng nêu tới vấn đề “hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập ở nước sở tại”.

Thực hiện Nghị quyết 36, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đề ra Chương trình hành động của mình để triển khai, khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống và tạo nên xung lực quan trọng trong việc gắn kết hoạt động của các cơ quan chức năng với công tác vận động kiều bào như Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình với nhiều nội dung chính từ công tác thông tin, tuyên truyền; các biện pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó hơn nữa với quê hương, đất nước; phát huy tiềm năng tri thức của người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy tiềm năng của người Việt Nam ở nước ngoài trong hợp tác kinh tế, đầu tư, kinh doanh… Bộ Ngoại giao cũng có Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36 với những nội dung rất cụ thể. 

Các hoạt động tập hợp, vận động, gắn kết kiều bào ở trong và ngoài nước ngày càng có nội dung phong phú và hình thức đa dạng hơn như tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm đất nước dịp Quốc khánh, Quốc giỗ Vua Hùng, trại hè cho thanh niên, sinh viên kiều bào... Nổi bật trong thời gian gần đây là các chương trình Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo; dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, tổ chức đại lễ cầu siêu… Thông qua những chương trình mang tính thực tế, nhiều cá nhân kiều bào trước kia còn nặng định kiến nay đã thay đổi nhận thức, chính kiến và có những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước. 

Đất nước ta đang bước vào thời cơ, vận hội mới. Vận hội ấy đòi hỏi sự chung tay xây dựng vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất. Đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài, mỗi người nêu cao tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương nòi, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để cùng nhau hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc.

Phương Minh
 


Tính đến tháng 10/2020, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Mặc dù chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2020 vẫn ở mức cao, ước đạt 15,7 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới (theo Ngân hàng thế giới). Trong năm 2020, kiều bào đã quyên góp số tiền mặt lên tới 35 tỷ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước; quyên góp, ủng hộ hơn 40 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hóa, vật phẩm qua các hội đoàn của người Việt ở nước ngoài nhằm hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ