A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam chủ động, tích cực trong thực thi Công ước CAT

Bài 1: Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tra tấn

Công ước CAT là một trong 9 điều ước cốt lõi của Liên hợp quốc về quyền con người, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết số 39/64 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26/6/1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Đây là một trong những điều ước quốc tế, đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc. Công ước thể hiện ý chí của nhân loại, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử, hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.

Với mong muốn bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người và quyền công dân, ngày 28/11/2014, tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước. Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào ngày 05/2/2015 và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào ngày 07/3/2015.

QPTĐ- Việt Nam đã đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam, đặc biệt là triển khai, thực hiện nghiêm túc Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (viết tắt là Công ước chống tra tấn hoặc Công ước CAT). Điều này khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, đồng thời thể hiện rõ là thành viên có trách nhiệm trong thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Việt Nam thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tra tấn là một nội dung đặc biệt quan trọng trong Công ước CAT. Điều 2, Công ước CAT quy định: Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện các biện pháp lập pháp, hành pháp, tư pháp, hoặc các biện pháp hiệu quả khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên bất cứ khu vực lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của mình.

Hoàn thiện chế định pháp lý

Trên cơ sở nghiên cứu kỹ các khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn (Ủy ban CAT), Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để tăng cường thực thi hiệu quả Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban CAT trên phạm vi toàn quốc. Trong kỳ báo cáo, Việt Nam ban hành 56 luật và các văn bản quy phạm pháp luật, để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng như: Luật Thi hành án Hình sự 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020; Luật Cư trú năm 2020;  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2021; Luật Cảnh sát cơ động năm 2022; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022… 

Để triển khai thi hành các luật, Việt Nam tiếp tục ban hành hơn 100 văn bản hướng dẫn nhằm chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bồi thường thiệt hại.

Để phòng trừ tra tấn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Việt Nam đã ban hành 34 văn bản triển khai thi hành, trong đó đáng chú ý là: Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi; Quy chế về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.

Đặc biệt, Việt Nam đã ban hành 9 văn bản triển khai thi hành việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự; hàng trăm văn bản triển khai thi hành về thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự; khám chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ; đặc xá; khiếu nại, tố cáo; bào chữa, trợ giúp pháp lý; bồi thường thiệt hại; quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ, công chức và viên chức; dân chủ ở cơ sở; cải cách tư pháp và cải cách hành chính, tiếp cận thông tin.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Đối với các biện pháp hành chính, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ. Việt Nam đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia công khai các thủ tục hành chính, thiết lập hệ thống phản ánh kiến nghị qua đường dây nóng, ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch trực tuyến… hạn chế việc người dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, góp phần ngăn ngừa các hành vi liên quan đến tra tấn, sách nhiễu của cán bộ nhà nước.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025 “100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế-xã hội”. Việt Nam đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để quản trị tốt quốc gia nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành của Chính phủ và các cơ quan chính quyền các cấp; cung cấp cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ công, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng truy cập ở khắp mọi nơi; thực hiện một Chính phủ hiện đại, hiệu quả và minh bạch. 

Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã có những thành tựu quan trọng như: Cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; thực hiện Cổng dịch vụ công quốc gia; Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan là kênh cung cấp thông tin thống nhất và tập trung trên môi trường mạng…

Việt Nam đã thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tại 04 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở; thiết lập hệ thống phản ánh kiến nghị qua đường dây nóng, đặc biệt là đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm.

Bảo đảm nguyên tắc độc lập trong xét xử của Tòa án

Trong lĩnh vực tư pháp, Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tại cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc để xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, trong đó có quyền không bị tra tấn. Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó xác định “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” là một trong ba trọng tâm cần thực hiện.

Việt Nam đã xây dựng mô hình phòng điều tra thân thiện để giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi và xâm hại người dưới 18 tuổi. Mô hình “Phòng điều tra thân thiện” được thiết kế, trang trí tương tự phòng làm việc, tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, giúp nạn nhân bớt mặc cảm, lo sợ.  Đến nay, Việt Nam đã thiết lập 33 phòng điều tra thân thiện tại Cục Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân và Công an 30 địa phương.

Đặc biệt, Việt Nam nỗ lực bảo đảm hơn nữa việc độc lập xét xử của Tòa án, quyền được xét xử công bằng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; đồng thời thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; triển khai thực hiện hàng nghìn lớp giáo dục pháp luật, lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ, lớp dạy nghề, lớp truyền thông, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV, AIDS cho hàng chục nghìn lượt phạm nhân hàng năm… Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2022, Việt Nam đã tổ chức 2.255 lớp giáo dục pháp luật cho 713.856 lượt phạm nhân; 153 lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 3.688 lượt phạm nhân, cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho 685 lượt phạm nhân; 237 lớp dạy nghề cho 7.539 lượt phạm nhân; 660 lớp truyền thông, chống tác hại của ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho 142.147 lượt phạm nhân…

PHƯƠNG LINH

 

 

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ