A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nền tảng tư tưởng của Đảng-“Mạch nguồn” của mọi thắng lợi

QPTĐ- Thực tế lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội trong thế kỷ XX và khoảng hai thập niên đầu thế kỷ XXI, tiêu biểu đó là thắng lợi: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975... Kết quả ấy là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; của việc giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối, nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin; gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tinh thần đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết quốc tế thủy chung, trong sáng... và cùng với đó còn có một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó chính là lý luận và tư tưởng của Đảng.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2020).

Tư tưởng của Đảng-“mạch nguồn” soi đường giành thắng lợi
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất ấn tượng với bài thơ “Chú bé liên lạc” của nhà thơ Tố Hữu, trong đó có đoạn: “Một hôm nào đó/Như bao hôm nào/Chú đồng chí nhỏ/Bỏ thư vào bao/Vụt qua mặt trận/Đạn bay vèo vèo/Thư đề “Thượng khẩn”/ Sợ chi hiểm nghèo!”... thế rồi “Bỗng lòe chớp đỏ/Thôi rồi, Lượm ơi!/Chú đồng chí nhỏ/Một dòng máu tươi”... và “Lượm ơi, còn không?”.

Sau này đọc và được trực tiếp gặp những nhân chứng trong tác phẩm “Những thiếu niên Thủ đô quyết tử”, tôi càng thấm thía câu chuyện của những thiếu niên Thủ đô lúc bấy giờ-các em là những “vệ út” tuổi còn rất nhỏ, có hoàn cảnh khác nhau, có người mới chỉ 11, 12 tuổi nhưng đã có “chí lớn”, không chịu tản cư, trốn ở lại Hà Nội làm liên lạc, dẫn đường, truyền tin, truyền lệnh, sát cánh chiến đấu cùng Trung đoàn Thủ đô ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược.

Rồi những dịp công tác tại Nghĩa trang Trường Sơn-Ngã ba Đồng Lộc; Đường 9-Khe Sanh, Thành cổ Quảng Trị..., đứng giữa nghĩa trang quốc gia trong chiều tà, tiếng gió vi vút từ bốn bề, nhìn hàng hàng ngôi mộ chưa có tên, ngôi mộ tập thể của các anh hùng, liệt sĩ, trái tim tôi chợt rung lên, nghèn nghẹn. Ở đó có sự khâm phục, biết ơn nhưng có cả sự xót xa vô hạn.

Chúng ta đã biết, Vĩ tuyến 17, đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải (tỉnh Quảng Trị) là những địa danh gắn liền một giai đoạn lịch sử đất nước bị chia cắt. Trong cuộc chiến 81 ngày đêm, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá. Khi bình luận về số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành cổ Quảng Trị, báo chí phương Tây thời bấy giờ ước tính, khoảng 328.000 tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945... Ác liệt tới tận cùng của sự sống thế nhưng bom đạn không làm sờn lòng những chiến sĩ quân giải phóng. Các anh vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không rời trận địa, người này ngã xuống, người khác lại thay chỉ với khát vọng mãnh liệt, niềm khát khao hòa bình, thống nhất. 

Sau này khi viết về khúc tráng ca ấy, chiến sĩ Lê Bá Dương đã viết lên những cảm xúc làm lay động biết bao trái tim người con đất Việt: "Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm".

Bác Hồ đã từng khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Những em nhỏ, những chàng trai, cô gái đang tuổi xuân thì, họ đều có hoài bão, có ước mơ về cuộc sống, về tương lai tươi sáng, thế nhưng họ lại không ngại để “máu trộn bùn non”, không ngại hy sinh để đất nước trường tồn.

Vậy điều gì để mỗi người dân đất Việt lại “thấm đẫm” sự kiên cường đến nhường đó? 

Ánh sáng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là mạch nguồn soi đường, để mỗi người thấy được rằng, dân tộc, đất nước “là nơi dân mình đoàn tụ”, nơi có em thơ, mẹ già và những người thân yêu đang sống, nếu họ không đứng lên cầm súng, không đứng lên chiến đấu thì những người thân yêu ấy sẽ chết. 

Ngay trong Tết Đinh Hợi năm 1947, để cổ vũ tinh thần chiến đấu quên mình vì nước của các đội Cảm tử quân Thủ đô, ngày 27/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các chiến sĩ Cảm tử quân Thủ đô, trong đó có đoạn thế này: "Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”.

Bởi mỗi con người Việt Nam được hun đúc từ truyền thống “dám đánh, biết đánh và quyết thắng” của cha ông như trong “Bình Ngô đại cáo” từng viết: “Đánh một trận, sạch không kình ngạc/Đánh hai trận, tan tác chim muông”.

Bởi con người Việt Nam có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc. 

Bảo vệ nền tảng tư tưởng-“mạch sống” cho đường lối của Đảng
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch, phản động luôn xác định chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận là "mũi đột phá", là "vũ khí lợi hại” trong chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam; chúng tấn công trực diện cả về lý luận và thực tiễn; coi đây là con đường ngắn nhất dẫn tới sự xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ XHCN. 

Chúng chống phá bằng nhiều chiêu thức tinh vi, thâm độc, bôi nhọ nền tảng tư tưởng của Đảng theo những luận điệu xuyên tạc, thậm chí đánh tráo khái niệm; phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội và công an; đẩy mạnh thủ đoạn chống phá mới, đó là: Tìm cách đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đưa ra những luận điệu lập lờ giữa hai mặt tích cực và tiêu cực, giữa tư tưởng XHCN và TBCN..., làm cho nhân dân hoài nghi, mất phương hướng, không phân biệt được đúng-sai. Và thật đáng buồn, thời gian qua có không ít đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng đã tự chuyển hóa, vi phạm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; độc đoán, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước...

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có la bàn để mà chỉ hướng". Công cuộc phát triển đất nước đã chứng minh, nhờ có lý luận "soi đường" mà cách mạng Việt Nam đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng-nhiệm vụ sống còn, quyết định sự thành công của cách mạng nước ta-trước “cuộc chiến không khói súng”, hơn bao giờ hết, mỗi tập thể, người dân đất Việt cần chủ động nghiên cứu sâu sắc hơn bản chất cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về con đường đi lên CNXH của nước ta; nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nâng cao bản lĩnh chính trị; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì; kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trước các vấn đề xã hội, tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh không gian mạng... Làm tốt những điều đó góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; làm thất bại mọi âm mưu chống phá của kẻ thù; cùng chung tay xây dựng đất nước trường tồn, phát triển, có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu như khi sinh thời Hồ Chủ tịch từng mong ước.

TRẦN HIỀN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ