Đừng thấy bóng mình trên tường mà tưởng lớn
QPTĐ-Bàn về động từ “ngộ nhận” nói chung, có thể hiểu đơn giản là lầm tưởng, nhận thức sai về một vấn đề nào đó, từ đó có thể dẫn đến những hành động sai trái. Những người “ngộ nhận về bản thân mình” cũng vậy, luôn tự đánh giá trình độ, năng lực của mình cao hơn mọi người, đề cao cái tôi cá nhân, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, xem người khác thấp kém, chỉ như “chuối cuối buồng”. Điều đáng buồn là, hiện tượng này đã và đang tồn tại trong một phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), khiến cho nền tảng của sự đoàn kết trong tổ chức Đảng bị rệu rã, xô lệch, do thui chột động lực phấn đấu.
Tranh minh họa: Internet
Hậu quả khi “cái tôi” vượt quá “cái tầm”
Sau hội nghị bầu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, thấy bạn tôi có vẻ không vui, tôi hỏi thì bạn tâm sự: “Ai có danh hiệu này sẽ được xét duyệt nâng lương trước thời hạn. Nên ai cũng cạnh tranh. Cả năm mình phấn đấu cống hiến, đóng góp cho cơ quan bao nhiêu việc, thế lại không được. Mấy ông phấn đấu nhì nhằng, nhưng giỏi lấy lòng mọi người thì lại được”. Nghe bạn kể, tôi liên hệ với một số câu chuyện khác và thấy, có một phận CB, ĐV luôn tự cho mình giỏi giang hơn người khác không phải cá biệt mà khá phổ biến. Hẳn chúng ta đã quá quen với những câu nói, như: “Vắng mình một tí là cơ quan loạn cả lên”. Hay thậm chí có những CB, ĐV phẩm chất năng lực yếu kém bị tổ chức cho nghỉ sớm, khi thấy đồng chí của mình có năng lực thực sự phát triển lên cao vẫn không thừa nhận, cho rằng “mình còn ở lại sẽ còn làm to hơn… ”. Thông thường xét về mặt tâm lý, con người ta thường có xu hướng đánh giá về năng lực theo cách cảm tính hơn là logic.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc CB, ĐV thích đi theo khuynh hướng so sánh, đánh giá bản thân mình cao hơn năng lực thực tế, đề cao “cái tôi” cá nhân, tự xem “ta là giỏi nhất”, nếu gặp được vài kẻ bợ đỡ tung hô, ca tụng sẽ rơi vào ngộ nhận, tự huyễn hoặc bản thân, coi mình là số 1 và dần trở nên ngông nghênh, hống hách, không quan tâm đến giá trị của người khác, quên đi trách nhiệm của mình với tập thể, cộng đồng. Họ quên rằng, tất cả sự vật hiện tượng luôn có sự vận động, biến đổi không ngừng, không phải hôm qua ta làm tốt rồi thì hôm nay sẽ làm tốt hơn, không phải hôm qua vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu như bản thân không tích cực học tập, nghiên cứu, không giành tâm huyết trách nhiệm để thực hiện và cống hiến. Bởi vì, năng lực của mỗi người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, phần lớn do công tác, do được tôi luyện, được sàng lọc, rèn giũa và thử thách qua thời gian trong những môi trường khác nhau của xã hội, qua thực tiễn các loại công việc khác nhau được giao phó mà khẳng định, tạo nên.
Vì vậy, đối với CB, ĐV có tư tưởng “ngộ nhận” đề cao giá trị của bản thân mình, thì càng nguy hiểm hơn. Vì “đảng viên đi trước”, thế mà khi có đôi chút hiểu biết, đôi chút thành công là tự cao, tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người và cho rằng những việc mình làm, những lời mình nói đều đúng và bắt mọi người phải làm theo, là rất nguy hại. Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền cao hơn hết thảy, định đoạt mọi việc, coi đó như một giang sơn riêng, trở thành những “ông vua, ông quan” uy quyền. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập, cảnh báo về hiện tượng tha hóa quyền lực “cá cậy vây, cua cậy càng” của một bộ phận CB, ĐV.
Chính từ hành vi này sẽ làm cho CB, ĐV trượt dài sang những hành vi suy thoái khác như: Quan liêu, xa dân, độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ, so bì, tị nạnh, bệnh thành tích, phô trương, không chịu học tập, rèn luyện, tự quyết và tham nhũng. Cụ thể là thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo xử lý nhiều vụ án quan trọng có liên quan đến CB, ĐV. Trong số các vụ án nói trên, có không ít vụ là do CB, ĐV có cái tôi quá lớn vượt quá cái tầm, ngang nhiên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cậy mình có một ít thành tích là “lên mặt dạy đời”, trở nên ngông cuồng, không giữ kỷ luật, tự cho mình cái quyền tự quyết định tất cả, đứng trên cả luật pháp, dẫn đến phạm tội, như: Vụ Phan Văn Anh Vũ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lôi kéo, tha hóa cán bộ và đã phạm nhiều tội nghiêm trọng như: Làm lộ bí mật Nhà nước; Lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản. Hay Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thời gian qua… Đây là căn nguyên sinh ra bệnh cá nhân chủ nghĩa có hại cho Đảng và có hại cho chính bản thân CB, ĐV.
“Tự soi, tự sửa” để vượt lên chính mình
Vì sao CB, ĐV phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tu dưỡng, tự điều chỉnh, tu thân, tự vượt lên chính mình. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu có một chút công trạng gì mà tự cao, tự đại, coi người ta không ra gì, thế là sai, thế là cái ruột nhỏ, ví như cái cốc, một giọt nước đổ vào thì tràn hết”. Như vậy, “tự soi”, “tự sửa” là một giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện trên. Do đó, để xây dựng thái độ, động cơ tu dưỡng, rèn luyện đúng đắn cho đội ngũ CB, ĐV, trước hết các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ CB, ĐV, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc học tập, tự tu dưỡng và rèn luyện là những đòi hỏi khách quan về tiêu chuẩn của người CB, ĐV. Đặc biệt là phải giáo dục cho CB, ĐV nhận thức sâu sắc rằng, phẩm chất đạo đức cách mạng và trình độ năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn phải trải qua quá trình học tập, rèn luyện thường xuyên, liên tục, nghiêm túc và bền bỉ như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Đồng thời, đổi mới nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nêu cao tính đấu tranh tự phê bình và phê bình, duy trì sinh hoạt phải bảo đảm thực hiện đúng phương pháp, nghiêm túc, không nể nang, không “dĩ hòa vi quý”, không thêm cũng không bớt và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá và phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, mềm dẻo, khéo léo để CB, ĐV có khuyết điểm nhận ra khuyết điểm của mình, có thái độ đúng đắn để tiếp thu các ý kiến phê bình, đề ra cách khắc phục khuyết điểm. Cùng với đó, là nhận xét, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng phải thật sự khách quan, dân chủ, công khai và đúng thực chất, không bao che, không phiến diện, thành kiến cá nhân, làm hạn chế sức chiến đấu của tập thể.
Chúng ta đều biết, câu thành ngữ “vắng mợ thì chợ vẫn đông” của ông cha ta là nhằm muốn trao truyền, dạy bảo thế hệ hậu thế một triết lý sống là đừng bao giờ xem bản thân mình là trung tâm của vũ trụ, nên mới dùng hình ảnh chợ để phê phán những người tự cao luôn cho mình là quan trọng. Chỉ những người khiêm tốn, biết lắng nghe và tôn trọng mọi người thì lại nhận được sự yêu quý từ rất nhiều người. CB, ĐV cũng vậy, điều mà quần chúng nhân dân cần, là ở cái tài, cái đức, cái tâm, cái tầm, chứ không phải là đề cao cái tôi cá nhân, ra oai, hách dịch. Và thực tế đã chứng minh, ở bất kỳ lĩnh vực nào, muốn nâng cao uy tín, thì người CB, ĐV phải thường xuyên nâng cao trình độ năng lực. Vì chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính là thước đo năng lực của người CB, ĐV. Nên mỗi CB, ĐV phải coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là chế độ, quy định bắt buộc. Không học tập và rèn luyện sẽ bị tụt hậu, đào thải, không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn. Học tập phải được coi là nghĩa vụ, là khát vọng, niềm say mê, nguồn vui để làm việc và làm người CB, ĐV tốt. Bên cạnh đó, là phải biết nâng niu, trân trọng, khuyến khích những thành tích những ý tưởng, giải pháp của đồng chí, đồng nghiệp mình, để cùng chung tay, góp sức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có như vậy mới góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
NGUYỄN VĂN TUÂN