A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”- liều thuốc đặc trị “Chủ nghĩa cá nhân” trong môi trường Quân đội

Bài 1: Nhận diện những nguy hại nảy sinh từ “chủ nghĩa cá nhân”

QPTĐ-Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và “chủ nghĩa cá nhân” là hai trạng thái đối lập có quan hệ loại trừ nhau, có thể cùng tồn tại trong một quân nhân, hay một nhóm quân nhân. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp tích cực để làm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương, gia đình, truyền thống vẻ vang của Quân đội, phẩm chất, nhân cách của người quân nhân cách mạng được nhân lên và lan tỏa. Chống “chủ nghĩa cá nhân” là biện pháp chủ động để Quân đội ngăn chặn, loại bỏ những quan điểm, suy nghĩ, hành động tiêu cực có thể nảy sinh trong cán bộ, chiến sĩ.

Tích cực xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng hùng mạnh, giữ vững phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”.

Không phải bây giờ chúng ta mới nhận ra tác hại của “chủ nghĩa cá nhân”, mà cách đây 62 năm, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 12 năm 1958 đã chỉ ra, muốn xây dựng đội ngũ đảng viên có đạo đức cách mạng, thì phải loại bỏ trong tiềm thức, cách sống hằng ngày của họ là cái tôi “chủ nghĩa cá nhân”. Bởi theo Người “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”. 

Hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường; trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt. Một số cán bộ, đảng viên trong quân đội đã ít nhiều có biểu hiện sa vào “chủ nghĩa cá nhân”. Mặc dù lượng nhỏ lẻ, chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh, phẩm chất, uy tín Bộ đội Cụ Hồ; gây mất đoàn kết và làm giảm sức mạnh của tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội. Như trong Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật đã chỉ rõ: “Một số cán bộ, chiến sĩ chưa thực sự yên tâm công tác, nảy sinh tư tưởng khi nhận nhiệm vụ khó khăn gian khổ, nơi vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo dẫn đến thoái thác nhiệm vụ, đảo ngũ, tìm mọi cách để tác động nhằm chuyển vùng, chuyển ra…; bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tiêu cực thực dụng băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình; phát ngôn chưa mang tính xây dựng, chỉ thấy mặt tiêu cực, chưa thấy hết mặt tích cực. Trong đấu tranh tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm; dĩ hòa vi quý, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, tính toán thiệt hơn, làm việc cầm chừng, không sâu sát cơ sở và bộ đội. Việc nhận diện các biểu hiện, tác hại của chủ nghĩa cá nhân có nơi còn lúng túng mơ hồ hoặc coi đó chỉ có ở bên ngoài Quân đội, dẫn đến không đề ra được các giải pháp căn bản để ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống”.

Nhìn lại chặng đường lịch sử phát triển, trải qua 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Quân đội ta đã lập nên nhiều chiến công vang dội trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, viết nên bản chất tốt đẹp “Trung với Đảng/hiếu với dân/sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội/nhiệm vụ nào cũng hoàn thành/khó khăn nào cũng vượt qua/kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Và thực tiễn đã chứng minh, cán bộ, chiến sĩ quân đội ta khi đối mặt với kẻ thù ngoài mặt trận, dù gian khổ, hy sinh, mất mát, song vẫn luôn giành thắng lợi. Bởi vì, nguồn cội tạo nên sức mạnh của quân đội, chính là phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, mà trong môi trường đó, chủ nghĩa cá nhân luôn được triệt tiêu và loại bỏ. 

Chúng ta đều biết, tư tưởng con người rất khó nắm bắt, nhất là tư tưởng tiêu cực, lối sống ích kỷ thực dụng của “chủ nghĩa cá nhân” vô cùng phức tạp trong nhận diện, khó khăn và đau đớn trong đấu tranh, vì đó là những thói hư, tật xấu tồn tại ngay trong chính bản thân mỗi người, trong đồng chí, đồng đội, ở chính tập thể, cơ quan, đơn vị mình. Do vậy, yêu cầu cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần bám sát đời sống bộ đội để nắm bắt, quản lý tư tưởng, chọn đúng các dấu hiệu cụ thể đang nảy sinh có biện pháp xử lý phù hợp là yếu tố then chốt, quyết định đến khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị. 

Vì vậy, yêu cầu khách quan hiện nay là phải xóa bỏ triệt để tận gốc “chủ nghĩa cá nhân” trong môi trường quân đội là hết sức cần thiết và cấp bách, nhưng đòi hỏi phải có hướng đi, cách làm thận trọng, tránh nóng vội, chủ quan, nhưng cũng không tuyệt đối hóa khi áp dụng các biện pháp một cách rập khuôn, máy móc. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tổng thể các hoạt động của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi quân nhân. Phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn đúng, trúng khâu đột phá vào thực tiễn của đơn vị mình bằng việc làm cụ thể và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì theo phương châm “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau” tạo sự lan tỏa sâu rộng, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ mọi suy nghĩ và hành động cá nhân chủ nghĩa, đặt lợi ích cá nhân lên trên, lên trước lợi ích của tập thể, làm ảnh hưởng xấu đến truyền thống, bản chất uy tín của Quân đội và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và từng quân nhân. 

Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Vì thực tế như trong Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương đã nêu: “Việc nhận diện các biểu hiện, tác hại của chủ nghĩa cá nhân có nơi còn lúng túng mơ hồ hoặc coi đó chỉ có ở bên ngoài Quân đội, dẫn đến không đề ra được các giải pháp căn bản để ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống”. Cho nên, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ chính là tạo được “bức tường thành” ngăn ngừa một cách hiệu quả quá trình hình thành “chủ nghĩa cá nhân”. Vì nếu như cán bộ, chiến sĩ được chăm lo, bồi dưỡng, trang bị các kiến thức cần thiết, nhất là độ vững vàng về chính trị, đạo đức, lối sống thì nhất định sẽ ngăn chặn và đẩy lùi được sự xâm nhập của  “chủ nghĩa cá nhân” len lỏi trong đời sống hàng ngày.

(Còn tiếp)

 NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ