A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tắm khuya và các vấn đề về sức khỏe

QPTĐ-Tắm là hoạt động sinh hoạt hàng ngày giúp vệ sinh cơ thể sạch sẽ và thư giãn sau một ngày dài học tập, làm việc... Tuy vậy, tắm khuya trước khi đi ngủ có thể giúp bạn thoải mái nhưng lại dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như sau:

Tắm khuya gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Khó đi vào giấc ngủ: Tắm nước nóng hoặc nước lạnh trước khi đi ngủ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ. Nguyên nhân được giải thích là do cơ thể bình thường sẽ nghỉ ngơi, thư giãn tốt hơn khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường một chút, khi đó bạn sẽ dễ đi vào giấc ngủ và sẽ có được một giấc ngủ ngon. Tắm nước nóng trước khi đi ngủ làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến cơ thể bị rối loạn dẫn đến khó ngủ, mất ngủ.

Ảnh hưởng xấu đến tim: Tắm nước nóng làm tăng nhiệt độ cơ thể, làm nóng cơ thể dẫn đến tăng huyết áp và gây căng thẳng cho tim. Căng thẳng tim có thể làm cho bạn thức trằn trọc cả đêm, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.

Dễ tăng cân: Tình trạng tắm khuya và tắm sau khi ăn là một trong những nguyên nhân làm cho bạn dễ tăng cân. Điều này được giải thích là do tắm sau khi ăn làm rối loạn hệ tiêu hóa, dẫn đến tăng cân. Quá trình tiêu hóa thức ăn cần tăng lưu lượng máu đến dạ dày, tuy nhiên tắm sau khi ăn sẽ làm máu lưu thông đến các cơ quan khác của cơ thể, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa.

Ảnh hưởng xấu đến mái tóc: Tắm đêm và đi ngủ khi mái tóc còn ướt làm da đầu bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng đến mạch máu. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến chứng đau đầu kinh niên. Không những vậy, tắm và gội đầu trước khi đi ngủ làm chậm quá trình bay hơi của nước trên tóc dẫn đến lạnh các dây thần kinh dưới lớp biểu bì da đầu, cổ, tai và vùng sau vai không được giữ ấm. Trong điều kiện thời tiết quá lạnh, nhiệt độ cơ thể xuống thấp sẽ dễ dẫn đến nguy cơ liệt cứng vùng mặt do hệ thống dây thần kinh mặt bị cóng.

Tắm đêm với nước lạnh làm cơ thể mất nhiệt thái quá: Tình trạng nếu kéo dài dễ dẫn đến cảm và lạnh phổi, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Trầm trọng hơn là nguy cơ đối mặt với bệnh lý sốt siêu vi, thậm chí là nhiễm trùng phổi, xảy ra khi cơ quan hô hấp bị suy yếu lâu dần sẽ mất đi sức đề kháng.

Gây nhiễm lạnh phổi: Một trong các cơ quan nhạy cảm của cơ thể chúng ta đó là phổi. Khi tắm đêm, phổi sẽ dễ bị nhiễm lạnh do nhiệt độ của nước rất thấp khi về đêm. Điều này có thể khiến phổi bị suy yếu, từ đó tạo điều kiện thích hợp cho vi khuẩn, virus tấn công phổi dẫn đến các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi.

Ảnh hưởng đến tuần hoàn máu: Nhiệt độ bình thường ở cơ thể con người là 37 độ C. Trong khi đó vào ban đêm nhiệt độ không khí hạ xuống dẫn đến nhiệt độ nước cũng giảm. Tắm đêm sẽ khiến cơ thể gặp hiện tượng co thắt mạch máu và cản trở máu huyết lưu thông, gây ra tình trạng đau đầu, đau vai gáy.

Gây cảm cúm hay trúng gió: Ban đêm, nhiệt độ giảm mạnh, sự chênh lệch so với nhiệt độ cơ thể con người tăng cao. Khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi sẽ dễ bị các tác nhân bên ngoài gây ảnh hưởng dẫn đến ho, sổ mũi, cảm cúm.

Các bệnh về khớp: Thấp khớp là bệnh biểu hiện bằng tình trạng viêm và đau ở khớp, cơ hoặc mô sợi, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Thông thường các khớp trong cơ thể sẽ bị cứng và đau vào buổi sáng nếu thường xuyên tắm đêm.

TRÀ GIANG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ