A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về An toàn thực phẩm

QPTĐ- Đó là yêu cầu được xác định trong Kế hoạch số 71/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc tuyên truyền công tác An toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024.

Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP kiểm tra tại cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm Phúc Mơ 

(thôn Mạch Kỳ, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai).

Ảnh: Internet

Theo đó, Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác ATTP; phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về ATTP cho người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng Thành phố nhằm hạn chế các vụ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP. 

Thành phố chú trọng tuyên truyền về thực trạng công tác ATTP và công tác triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm ATTP trên địa bàn Thành phố; đồng thời, tuyên truyền các tấm gương điển hình của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân làm tốt công tác bảo đảm ATTP, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn…

Công tác ATTP được tuyên truyền qua các hình thức như trên báo chí; Cổng Thông tin điện tử Hà Nội; cổng hoặc trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã; hệ thống thông tin cơ sở; trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền cổ động trực quan…

Thành phố giao các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện tốt các nội dung của Kế hoạch. Các cơ quan, đơn vị chủ động cung cấp thông tin về công tác triển khai trên cổng hoặc trang thông tin điện tử của đơn vị. UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền công tác triển khai đảm bảo ATTP trong các nhóm dân cư, phát huy các kênh thông tin cơ sở tại thôn, tổ dân phố (mạng xã hội, loa nội bộ, bảng tin công cộng...); vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác đảm bảo ATTP; thông tin gương người tốt-việc tốt, điển hình tiên tiến, cách làm hay trong công tác đảm bảo ATTP.

 Các cơ quan báo chí thành phố Hà Nội chủ động thông tin công tác quản lý, triển khai đảm bảo ATTP; về kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm; ghi nhận, phản ánh công tác xử lý các hành vi vi phạm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm về ATTP. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền (tin, bài, phóng sự, megastory, video clip...) về việc đảm bảo ATTP, đặc biệt trong Tháng hành động về ATTP, dịp Tết và mùa lễ hội năm 2024.

Thông qua tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ATTP; tầm quan trọng của công tác đảm bảo ATTP đối với việc bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của Thành phố.

MINH ĐỨC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ