Bệnh mộng thịt ở mắt và cách điều trị
QPTĐ-Bệnh mộng thịt ở mắt là tình trạng trong mắt có một mảng màu hồng trắng, hoặc hồng nhạt xuất phát từ góc mắt và có thể lan đến che phủ giác mạc, con người, làm ảnh hưởng đến thị lực.
Bệnh mộng thịt ở mắt
Bệnh mộng thịt thường gặp ở những người phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hoặc ở ngoài trời quá lâu và có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt, tuy nhiên ít gặp trường hợp mộng thịt hai mắt.
Đây là một trong những bệnh về mắt phổ biến tại các nước nhiệt đới có khí hậu nóng ẩm, xảy ra khi kết mạc phát triển một mô mỏng bao phủ phần tròng trắng của mắt. Nếu để bệnh tiến triển nặng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể gây viêm nhiễm, giảm thị lực của mắt.
Bệnh mộng thịt ở mắt thường không có dấu hiệu rõ ràng nhưng có một số biểu hiện như: Đỏ mắt, ngứa mắt, khô mắt (triệu chứng này tăng lên khi người bệnh tiếp xúc với khói, bụi, gió), mờ mắt, kích ứng mắt, nhìn kém.
Bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt bởi sự tăng trưởng khối mộng có thể lan truyền chậm trong suốt cuộc đời hoặc dừng lại sau một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, mộng thịt có thể che phủ đồng tử của người bệnh và gây ra các vấn đề về thị lực như mắt bị kích thích, lắng đọng nước; khô và khó chịu như có vật lạ trong mắt; mờ mắt hoặc nhìn đôi (nếu màng của mộng thịt tăng trưởng đi vào giác mạc-vùng đồng tử của mắt)… cần đi khám chuyên khoa mắt để được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn các cách điều trị kịp thời.
Cách điều trị bệnh mộng thịt
Trường hợp bệnh mộng thịt ở mắt không gây khó chịu những ảnh hưởng đến thị lực của mắt, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn sử dụng các thuốc như thuốc mỡ, nước mắt nhân tạo. Tuy nhiên, cần lưu ý, lạm dụng thuốc nhỏ mắt có thể gây co mạch.
Trường hợp mộng thịt ở mắt phát triển, xâm lấn vào giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ mộng.
Phẫu thuật là phương pháp giúp làm giảm tỷ lệ tái phát bệnh. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ mộng như: Cắt mộng đơn thuần hoặc di chuyển hướng đi của mộng; cắt mộng có ghép kết mạc hoặc giác mạc lớp; cắt mộng có kết hợp áp thuốc chống chuyển hóa, đồng thời kết hợp các biện pháp điều trị bổ sung khác như chiếu tia laser, tia X, dùng thuốc chống chuyển hóa, thuốc có chứa corticoid. Tùy vào kỹ thuật điều trị sẽ có tỷ lệ tái phát khác nhau.
Vì vậy, để ngăn ngừa tái phát sau phẫu thuật, bệnh nhân nên phẫu thuật ghép kết mạc tự thân (khâu một mảnh mô bề mặt mắt vào khu vực bị ảnh hưởng), sử dụng thuốc ngăn chặn sự phát triển mô và lưu ý tránh những việc như va chạm mạnh hoặc dụi mắt; để xà phòng dính vào mắt; khói bụi, ánh nắng trực tiếp rọi vào mắt; sử dụng các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá; làm việc nặng, quá sức.
Phòng tránh bệnh mộng thịt
Mộng thịt không thể phòng tránh, tuy nhiên để phòng tránh mộng thịt phát triển trong mắt, thói quen sinh hoạt tốt sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị mộng thịt như: Đeo kính râm mỗi ngày kể cả khi thời tiết u ám (nên chọn kính ngăn chặn cả bức xạ tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (UVB)); đội mũ rộng vành bảo vệ mắt khỏi tia UV; nếu phải làm những công việc ở ngoài trời nhiều, hãy cho mắt nghỉ ngơi trong bóng râm sau một thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời; sử dụng nước mắt nhân tạo để cấp thêm ẩm cho mắt; tránh bụi, gió, khói và phấn hoa.
Trà Giang