A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huy động và sử dụng nguồn lực phòng thủ dân sự quốc gia

 

QPTĐ-Nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng thủ dân sự, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đảm bảo phòng ngừa, cảnh báo, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 2169/QĐ-TTg ngày 22/12/2021 ban hành Kế hoạch Phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, học viên của Học viện Quân y lên đường vào Nam chống dịch Covid-19.

Thực tiễn phòng thủ dân sự 

Những năm vừa qua, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được quan tâm, chú trọng, bước đầu đạt được kết quả tích cực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn và vượt chỉ tiêu đề ra. Hệ thống y tế dự phòng và mạng lưới y tế cơ sở được củng cố. Chất lượng giáo dục phổ thông, giáo dục đại học được nâng lên. Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những yếu tố trên tạo cơ sở vững chắc cho công tác phòng thủ dân sự.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng từ bên ngoài gia tăng; cạnh tranh ngày càng gay gắt, trong khi độ mở của nền kinh tế cao, sức chống chịu còn hạn chế, cùng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng mạnh, các loại dịch bệnh xảy ra, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân.

Công tác phòng thủ dân sự thời gian qua đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đạt được kết quả quan trọng trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân ngày càng chủ động với hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã cuốn hút được nhân dân tích cực, chủ động tham gia vào phòng thủ dân sự. Công tác xây dựng kế hoạch bước đầu đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo, điều hành và phối hợp lực lượng khi có tình huống xảy ra. Lực lượng chuyên trách được quan tâm về tổ chức, trang bị cũng như nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng thủ dân sự ngày càng được bổ sung, hoàn thiện đã tạo nền tảng vững chắc để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm tăng khả năng phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do thảm họa, sự cố gây ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng thủ dân sự còn có những hạn chế cần khắc phục. Năng lực dự báo, cảnh báo rủi ro, thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vẫn còn bị động đối với một số loại hình thiên tai như lũ lụt, sạt lở đất... Công tác di dời người dân từ vùng có nguy cơ cao đến khu vực an toàn còn chậm; công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người hiệu quả chưa cao. Trang bị, phương tiện của lực lượng chuyên trách vẫn còn thiếu về chủng loại cũng nhưng số lượng so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt trong lĩnh lực phòng cháy chữa cháy, ứng phó sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào giám sát dự báo, cảnh báo để ứng phó rủi ro, thiên tai, thảm họa chưa đồng đều ở các khâu và chưa tạo được đột phá trong công tác quản lý rủi ro, thiên tai, thảm họa… công tác đầu tư ngân sách, bảo đảm vật chất, trang bị, phương tiện, vật tư cho phòng thủ dân sự còn thiếu và chưa đồng bộ…

Thực hành nổ súng tiêu diệt mục tiêu trong diễn tập.

 

Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia 

Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia giai đoạn 2021-2025 xác định công tác chuẩn bị và ứng phó với nguy cơ thảm họa chiến tranh là thường xuyên, lâu dài; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả các thảm họa do sự cố, thiên tai là thường xuyên và cấp bách; trong đó ứng phó và khắc phục thảm họa thiên tai là trọng tâm.

Về nhiệm vụ phòng ngừa, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; duy trì lực lượng, phương tiện trực quan sát, giám sát, cảnh báo và sẵn sàng triển khai ứng phó kịp thời khi có tình huống.

Tổ chức huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm cùng với việc tổ chức diễn tập, hội thao, thông tin tuyên truyền phổ cập cho nhân dân để nâng cao năng lực ứng phó khi có tình huống...

Về nhiệm vụ ứng phó, tổ chức sơ tán, phân tán bảo đảm an toàn cho nhân dân và các cơ quan, tổ chức; sơ tán tài sản, vật chất ra khỏi khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa; huy động tối đa nhân lực, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật và nhu yếu phẩm; tập trung nỗ lực bảo đảm hậu cần, hóa chất, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cho lực lượng ứng phó và nhân dân vùng bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.

Thường xuyên cập nhật và dự báo tình hình cho nhân dân, đặc biệt ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến các địa phương và các lực lượng ứng phó...

Về nhiệm vụ khắc phục hậu quả, tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hành tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống; tổ chức khắc phục hư hỏng hạ tầng, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất và các hoạt động kinh tế của địa phương.

Thực hiện công tác chính sách, tiến hành các biện pháp ổn định đời sống cho nhân dân và đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường.

Các giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch gồm: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với hoạt động phòng thủ dân sự; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và toàn dân về phòng thủ dân sự; tiếp tục hoàn thiện cơ chế hoạt động để thực hiện có hiệu quả công tác phòng thủ dân sự; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với nâng cao năng lực phòng thủ dân sự; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo sớm; tăng cường diễn tập theo các phương án để nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ cho các lực lượng và nhân dân.

Phương Linh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ