A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội dự kiến thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực

 

QPTĐ-Đó là báo cáo của Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) Hà Nội về một số nội dung cơ bản Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông” vừa được xây dựng để trình UBND thành phố Hà Nội xem xét. Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đưa ra căn cứ pháp lý và sự cần thiết việc thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông. Đây là một loại phí mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ô tô) phải trả khi đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Là một biện pháp kinh tế của cơ quan nhà nước nhằm điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông xe cơ giới đường bộ khi không cần thiết đi vào vùng thu phí, đồng thời khuyến khích việc sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Loại phí này không trùng với danh mục các loại phí và lệ phí được xác định trong Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 cũng như các loại phí, lệ phí liên quan đến phương tiện đường bộ và sử dụng đường bộ theo các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Tài chính quy định.

Hà Nội xây dựng Đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực. (Ảnh: Internet)

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, nếu Đề án được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021 thì từ năm 2022-2023 sẽ hoàn thiện các điều kiện thu phí; xây dựng dự án đầu tư, phương án tài chính, chi phí quản lý và mức thu cụ thể cùng các chính sách miễn giảm… và dự kiến trong năm 2024 sẽ triển khai thu phí ô tô vào khu vực có nguy cơ xảy ra ùn tắc và ô nhiễm môi trường ở Hà Nội. Về đối tượng thu phí mà đề án hướng đến là xe ô tô cá nhân, xe ô tô chở người và miễn phí với xe công vụ, xe chở hàng hóa; giảm phí xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi...) nên không làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí sản xuất.

Phạm vi thu phí là khu vực có thể tổ chức giao thông thuận tiện cho các phương tiện giao thông không cần đi vào khu vực thu phí có điều kiện thuận lợi để vòng tránh và đi qua địa bàn Thành phố một cách thuận lợi. Đồng thời, cũng là nơi có điều kiện để tổ chức xây dựng, lắp đặt các trạm thu phí ít ảnh hưởng đến giao thông và hạn chế gây ùn tắc giao thông tại điểm thu phí. Dự kiến sẽ đặt trạm thu phí tại 68 vị trí và 87 trạm thu phí ở các đường: Vành đai 3-Cầu Thanh Trì-Pháp Vân-Mai Dịch-Phạm Văn Đồng-trục Tây Thăng Long-Võ Chí Công-Cầu Nhật Tân-Đường Hoàng Sa-Đường Trường Sa-Đường Lý Sơn-Đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào Vành đai 3.

Về khung mức thu: Trên cơ sở khái toán kinh phí đầu tư và chi phí vận hành bảo trì hệ thống thu phí và lưu lượng xe thu phí (được xác định dựa số liệu thu phí của Tổng cục Đường bộ và đếm lưu lượng, dự kiến số lượng không đi vào khu vực thu phí…) dự kiến mức thu phí thấp nhất đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý, vận hành khoảng 50.000 đồng. Ngoài ra, theo nguyên tắc mức phí đủ tác động điều chỉnh hành vi trên cơ sở thực tế về mức thu các điểm đỗ xe trong khu vực trung tâm Thành phố; dự kiến mức thu hợp lý để có tác dụng điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện khoảng 100.000 đồng. Mức phí cụ thể và các chính sách miễn giảm cho các đối tượng sẽ được UBND Thành phố (trên cơ sở dự án đầu tư và phương án quản lý tài chính của sự án đầu tư được duyệt) trình HĐND Thành phố xem xét tại kỳ họp trong năm 2024 trước khi thu phí.

Về tính hiệu quả của Đề án, Giám đốc GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, sẽ giảm 20% lượng xe ô tô cá nhân vào nội thành, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Khi số lượng phương tiện vào nội thành giảm thì khí thải và ô nhiễm môi trường cũng sẽ giảm. Ông Viện cũng nhấn mạnh, việc thu phí ô tô vào nội thành sẽ dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước (giảm ùn tắc giao thông), lợi ích của doanh nghiệp đầu tư đề án (bù đắp chi phí quản lý, vận hành) và lợi ích của người tham gia giao thông. Phương án quản lý tài chính cũng được công khai, minh bạch, đúng quy định. Và đây mới là nghiên cứu đề xuất trên cơ sở được giao nhiệm vụ của UBND Thành phố, tiếp đó sẽ trình cấp có thẩm quyền, trình HĐND Thành phố. Khi nào HĐND Thành phố quyết định thì khi đó mới là chính thức.

Văn Thể


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ